Rối loạn nhịp là tình trạng bất thường về nhịp tim, gây ra các biến chứng về sức khỏe thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị sớm. Vậy triệu chứng rối loạn nhịp tim như thế nào, cách phòng ngừa ra sao cho hiệu quả, cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
1. “Thủ phạm” gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim là tình trạng bất thường về mặt điện học của tim, gây nên tình trạng rối loạn về việc tạo nhịp hoặc bất thường về dẫn truyền điện học trong buồng tim. Biểu hiện lâm sàng là tình trạng nhịp quá nhanh với tần số > 100 lần/phút hoặc nhịp quá chậm với tần số < 60 lần/phút, có lúc không đều, lúc nhanh lúc chậm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp, có thể xuất phát từ bệnh lý của tim hoặc do bệnh lý ở các cơ quan khác tác động tới nhịp tim. Một số nguyên nhân gây rối loạn nhịp thường gặp là:
– Hoạt động của nút xoang bị suy yếu
– Xuất hiện ổ phát nhịp bất thường ở trong tim
– Xuất hiện đường dẫn truyền bất thường trong tim
– Hệ thống dẫn truyền của tim bị tổn thương cũng tác động lên nhịp tim
– Cơ tim bị tổn thương
– Rối loạn điện giải gây loạn nhịp
– Do một số loại thuốc khiến nhịp tim bị loạn nhịp
– Do một số bệnh lý gây ảnh hưởng lên tim như các bệnh lý tuyến giáp
Nhịp tim rối loạn là tình trạng tim nhịp bất thường, quá nhanh hoặc quá chậm
2. Các triệu chứng rối loạn nhịp tim mà bạn cần biết
Ở giai đoạn đầu, nhịp tim rối loạn thường không gây nên các triệu chứng khó chịu nên người bệnh khó phát hiện bệnh. Tuy nhiên một số trường hợp cũng có thể xuất hiện các triệu chứng rối loạn nhịp nghiêm trọng mà người bệnh cần lưu tâm.
2.1. Triệu chứng rối loạn nhịp tim – thường xuyên đánh trống ngực
Đây là triệu chứng khá phổ biến của bệnh lý rối loạn nhịp, bệnh nhân có cảm giác tim đập mạnh bên trong lồng ngực, có thể kèm theo cảm giác hụt hẫng, có khi tim đang đập mạnh thì ngừng đập rồi lại đập mạnh trở lại.
2.2. Đột ngột khó thở, khó chịu ở ngực – một trong các triệu chứng rối loạn nhịp tim
Khó thở cũng là triệu chứng phổ biến trong các bệnh lý tim mạch. Ở người bệnh có tim bị loạn nhịp, cơn khó thở kèm với biểu hiện tim đập không đều, hồi hộp và ngực bị tức nặng là những dấu hiệu gợi ý bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim hoặc rối loạn nhịp cấp độ nguy hiểm.
2.3. Chóng mặt do nhịp tim rối loạn
Bệnh nhân thường xuất hiện cảm giác choáng váng, mọi vật xung quanh quay cuồng, thường xuyên trong trạng thái loạng choạng. Trên thực tế có rất nhiều bệnh khác cũng gây ra triệu chứng này nên tốt nhất bạn hãy tới bệnh viện để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
2.4. Ngất xỉu – cảnh báo tình trạng rối loạn nhịp nguy hiểm
Nhịp tim không đều có thể gây ra tình trạng người bệnh đột ngột mất ý thức trong một khoảng thời gian ngắn. Triệu chứng này vô cùng nguy hiểm vì có thể dẫn tới chấn thương, tai nạn nghiêm trọng.
3. Biến chứng của tình trạng tim bị loạn nhịp
Nhịp tim bị rối loạn có nhiều loại và không phải tình trạng nào cũng gây ra biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng rối loạn nhịp tim trong một thời gian dài mà vẫn chủ quan và không thăm khám thì bệnh sẽ diễn biến khó lường và có nguy cơ biến chứng và tử vong cao. Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh rối loạn nhịp là:
3.1 Đột quỵ
Nhịp tim bất thường làm tăng nguy cơ hình thành nên cục máu đông trong mạch. Khi cục máu đông vỡ ra thành các mảnh nhỏ, chúng sẽ đi theo dòng máu và có thể đi lên não. Tại đó sẽ dễ gây hẹp và tắc nghẽn mạch, khiến lưu lượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột và gây ra tình trạng đột quỵ.
3.2 Suy tim
Nếu khả năng bơm máu của tim không hiệu quả do nhịp tim bất thường trong một khoảng thời gian dài, tình trạng suy tim có thể xảy ra.
3.3 Nhồi máu cơ tim
Khi hình thành các cục máu đông do nhịp tim bất thường, người bệnh có thể gặp các biến chứng tắc mạch ở tim. Khi cục máu đông di chuyển đến các cơ quan trong cơ thể sẽ gây ra một số biến chứng như: gây tắc mạch chi gây hoại tử chi, nhồi máu mạc treo, nhồi máu thận.
Những bệnh nhân có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh lý van tim, bệnh động mạch vành, bệnh viêm tắc phế quản … khi bị rối loạn nhịp tim đặc biệt là rung nhĩ sẽ làm tình trạng các bệnh lý tiến triển nặng hơn.
Nhịp tim bị rối loạn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới tính mạng
4. Cách ngăn ngừa tim bị loạn nhịp hiệu quả
Để giảm thiểu nguy cơ gặp phải tình trạng tim rối loạn nhịp hoặc cách bệnh về tim mạch nói chung, bạn nên lưu ý như sau:
– Thực hiện chế độ ăn tốt cho tim mạch bằng cách bổ sung các loại trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và rau củ quả. Chỉ ăn thịt gia cầm bỏ da và không ăn thực phẩm có chứa chất béo đặc biệt chứa nhiều chất béo bão hòa.
– Duy trì các hoạt động thể chất để giữ cân nặng hợp lý như đi bộ, chạy, đạp xe…. Bạn nên tập từ 30 đến 45 phút mỗi ngày để nâng cao sức khỏe tim mạch cũng như tất cả các cơ quan khác. Cân nặng phù hợp cũng giúp ổn định chỉ số cholesterol và huyết áp.
– Hạn chế lối sống không lành mạnh như hút thuốc, uống nhiều đồ uống có cồn.
– Giữ tâm trạng thoải mái, tránh stress và áp lực.
– Luôn sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng, giảm liều lượng.
– Tập các bài tập kiểm soát hơi thở và nhịp tim để ổn định nhịp tim.
– Khi có dấu hiệu tim đập nhanh hoặc khó thở, ngồi nghỉ tại chỗ và tìm người hỗ trợ.
Thể dục, thể thao đều đặn là “liều thuốc” tốt cho tim mạch và sức khỏe
5. Một số lưu ý cho người bệnh rối loạn nhịp
Hãy đến chuyên khoa Tim mạch để được thăm khám và có hướng điều trị chính xác khi có các biểu hiện của nhịp tim rối loạn. Quá trình thăm khám sẽ gồm khám lâm sàng hỏi về bệnh sử, triệu chứng nhịp tim rối loạn và kiểm tra cận lâm sàng sau đó chỉ định điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật với từng bệnh nhân.
Một số phương pháp cận lâm sàng thường được sử dụng để chẩn đoán rối loạn nhịp là:
– Điện tâm đồ
– Chụp CT mạch vành
– Siêu âm tim
– Máy theo dõi điện tim (Holter ECG)
Liên hệ ngay với chuyên khoa Tim mạch – Thu Cúc TCI để hiểu hơn về quá trình thăm khám, điều trị tình trạng nhịp tim rối loạn và được hỗ trợ đặt lịch.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.