Trong nhiều trường hợp điều trị ung thư dạ dày, bệnh nhân sẽ được chỉ định cắt dạ dày. Bệnh nhân và người nhà chắc chắn sẽ lo lắng và có nhiều băn khoăn quay quanh vấn đề cắt dạ dày có sống được không khi tiếp nhận điều trị ung thư dạ dày bằng phương pháp phẫu thuật, hãy cùng giải đáp qua bài viết dưới đây.
1. Chỉ định cắt dạ dày đối với bệnh nhân ung thư dạ dày
Phẫu thuật là một phương pháp được sử dụng phổ biến đối với bệnh nhân mắc ung thư dạ dày với mục đích là để kiểm soát bệnh, tiêu diệt tối đa tổ chức ung thư giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Phẫu thuật cắt dạ dày có thể có thể được chỉ định thực hiện cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày tùy vào từng trường hợp cụ thể của mỗi bệnh nhân.
– Cắt một phần (bán phần) dạ dày: Là cách loại bỏ phần tổn thương, có thể đồng thời loại bỏ hạch lân cận mà tế bào ung thư dạ dày đã xâm lấn đến.
– Cắt toàn bộ dạ dày hay cắt bỏ dạ dày: Là hình thức toàn bộ dạ dày sẽ được cắt bỏ, sau đó bác sĩ phẫu thuật sẽ nối thực quản trực tiếp với ruột non của bệnh nhân.
Phẫu thuật cắt dạ dày cho bệnh nhân ung thư sẽ không thực hiện được ở các bệnh nhân có thể trạng quá yếu, tế bào ung thư đã di căn phúc mạc hoặc di căn xa, hay tế bào ác tính đã xâm lấn vào cơ hoành hoặc lan qua thực quản bụng.
2. Cắt bỏ dạ dày thức ăn được tiêu hóa bằng cách nào?
Trong trường hợp cắt bỏ toàn bộ dạ dày thì câu hỏi nhiều bệnh nhân đặt ra là cơ thể sẽ tiêu hóa thức ăn như thế nào? Giải đáp điều này, khi cơ thể không còn dạ dày, thực quản được nối trực tiếp xuống tá tràng, ruột non, lúc này tá tràng và ruột non sẽ đảm nhiệm các chức năng của dạ dày là chứa, nghiền, tiêu hóa thức ăn, hấp thu các chất dinh dưỡng. Các chất thải không cần thiết sẽ bị đẩy xuống ruột già, sau đó sẽ được đào thải ra bên ngoài.
Phẫu thuật cắt bán phần ung thư dạ dày chủ yếu áp dụng khi bệnh ở giai đoạn sớm
3. Phẫu thuật cắt bỏ dạ dày có sống được không?
Như đã đề cập ở phần trước, do có sự hỗ trợ của các cơ quan khác trong hệ tiêu hóa nên khi mất đi dạ dày, cơ thể vẫn có thể hoạt động được bình thường, nghĩa là câu hỏi cắt bỏ dạ dày có sống được không sau điều trị bệnh lý ung thư dạ dày được giải đáp là người bệnh vẫn có thể sống. Tuy nhiên thời gian sống kéo dài được bao lâu cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Ung thư dạ dày ở giai đoạn nào, phương pháp và kỹ thuật phẫu thuật cho bệnh nhân, khả năng phục hồi sau phẫu thuật của người bệnh.
3.1 Cắt dạ dày có sống được không, sống được bao lâu tùy thuộc vào giai đoạn bệnh
Các trường hợp bệnh nhân mắc ung thư dạ dày được chỉ định cắt bỏ dạ dày hoàn toàn, vẫn có thể sống tuy nhiên tiên lượng sống của bệnh nhân sau điều trị 5 năm (khoảng thời gian được dùng để đánh giá bệnh nhân khỏi bệnh sau điều trị ung thư) còn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Tỷ lệ sống sót trong 5 năm là khoảng 90% đối với ung thư giai đoạn I, 70% đối với ung thư giai đoạn II, 30 đến 50% đối với ung thư giai đoạn III, và 10% đối với ung thư giai đoạn IV. Vì thế có thể nói phát hiện bệnh càng sớm, khối u càng nhỏ thì tiên lượng sống cho bệnh nhân ung thư dạ dày sau phẫu thuật càng tốt và ngược lại.
Giai đoạn bệnh càng nhỏ, tổ chức ung thư được cắt càng ít, khả năng điều trị ít gặp khó khăn, dễ dàng điều trị triệt căn hơn, tăng cơ hội sống hơn cho người bệnh
3.2 Cắt bỏ dạ dày có sống được không, sống được bao lâu tùy thuộc vào phương pháp phẫu thuật
Phẫu thuật cắt dạ dày ung thư là một kỹ thuật phức tạp yêu cầu bác sĩ chuyên môn cao, phải thực hiện ở một cơ sở y tế được trang bị đầy đủ trang thiết bị, đồng thời người bệnh phải có thể trạng sức khỏe tốt. Các hình thức phẫu thuật ung thư dạ dày gồm có phẫu thuật mổ mở hoặc phẫu thuật nội soi.
Phẫu thuật nội soi được sử dụng trong cắt bỏ khối u hoặc một phần dạ dày chủ khi bệnh ở giai đoạn đầu. Với hình thức phẫu thuật này người bệnh gặp ít biến chứng, cơ hội sống cao hơn.
Phẫu thuật mổ mở được sử dụng trong cắt gần toàn bộ hoặc toàn bộ dạ dày, đây là phẫu thuật lớn tiềm ẩn nhiều biến chứng và có thể ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan khác trong ổ bụng.
Do vậy khối u dạ dày càng lớn thì loại phẫu thuật càng phức tạp, nguy cơ biến chứng càng cao thì tiên lượng sống cũng kém đi.
3.3 Biến chứng và khả năng phục hồi sau cắt bỏ ung thư dạ dày ảnh hưởng đến thời gian sống
Sau phẫu thuật cắt dạ dày mắc ung thư, người bệnh có thể sẽ gặp một số tình trạng như: Giảm cân sau phẫu thuật, hội chứng Dumping (hội chứng dạ dày rỗng nhanh chóng, thức ăn đi quá nhanh vào ruột), rối loạn tiêu hóa, kém hấp thu mỡ, không dung nạp lactose…
Vậy nên một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ đóng quan trọng trong quá trình phục hồi của người bệnh, ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng, đảm bảo khả năng đáp ứng của cơ thể sau khi cắt bỏ dạ dày ung thư. Từ đó người bệnh sẽ được nâng cao thể trạng, cơ hội sống khỏe mạnh sau phẫu thuật được tăng cao.
– Để quá trình tiêu hóa dần thích nghi và hoạt động dễ dàng hơn, người bệnh nên bắt đầu ăn từ thức ăn loãng dần đến đặc hơn.
– Người bệnh sau phẫu thuật cắt dạ dày ung thư nên ăn thành nhiều bữa trong ngày thay vì chỉ có ba bữa cố định.
– Ăn chậm, nhai kỹ, ngồi một góc khoảng 60-75 độ trong khi ăn, không vận động hoặc nằm ngay sau ăn.
– Hạn chế uống nước trong khi ăn, nên uống trước ăn hoặc sau ăn 30-60 phút.
– Chế độ ăn nên bổ sung các thực phẩm giàu protein để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin tan trong dầu, chất béo thực vật để tăng khả năng hấp thu của cơ thể.
– Tránh các thực phẩm có lượng đường cao, thực phẩm chứa cafein, đồ uống có cồn…
– Bổ sung vitamin B12 dạng uống hoặc dạng tiêm cho bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư dạ dày… Bổ sung sắt, canxi, vitamin D qua thực phẩm hoặc thuốc uống uống theo hướng dẫn của bác sĩ.
Kiên trì điều trị và tuân thủ phác đồ của bác sĩ sẽ giúp người bệnh nâng cao cơ hội sống
4. Kết luận
Trên đây là các thông tin giải đáp thắc mắc cắt dạ dày có sống được không< /strong>, phẫu thuật cắt bỏ dạ dày trong điều trị ung thư dạ dày sống được bao lâu. Dù phẫu thuật cắt ung thư dạ dày sống được bao lâu thì đây vẫn là phương pháp bắt buộc với hầu hết bệnh nhân. Việc cắt bỏ càng nhiều khối u và tổ chức ung thư, đồng nghĩa với việc kiểm soát ung thư dạ dày đạt hiệu quả hơn và người bệnh có cơ hội sống lâu hơn. Vậy nên bệnh nhân mắc ung thư dạ dày hãy giữ tâm trạng lạc quan, suy nghĩ tích cực và tuân thủ chỉ định của bác sĩ điều trị bởi đấy chính là chìa khóa giúp bạn có được cơ hội sống lâu dài hơn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.