Tình trạng đột quỵ não hay còn gọi tai biến mạch máu não xảy ra khá phổ biến. Đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây ra tỷ lệ tử vong cao. Ngoài ra còn khiến cho người bệnh bị mất trí nhớ, hôn mê, liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng ngừa, điều trị bệnh sau đây.
1. Đột quỵ não là gì?
Đây là tình trạng lưu lượng máu tới não bị ngưng đột ngột hoặc xuất hiện chảy máu nội sọ. Từ đó khiến các tế bào não suy giảm hoặc mất chức năng và chết.
Đột quỵ não có hai thể chính là chảy máu não và nhồi máu não.
Bệnh thường xảy ra nhiều với người cao tuổi, người mắc các bệnh lý về tim mạch, thừa cân béo phì, hút thuốc, sử dụng nhiều rượu bia…
Người bị đột quỵ não cần được điều trị kịp thời và đúng cách để tránh nguy cơ tử vong hoặc tàn tật. Quá trình điều trị bao gồm đề phòng biến chứng, phục hồi chức năng và tránh tái phát bệnh. Việc chữa trị cần đạt hiệu quả ngăn tổn thương lan rộng, duy trì chức năng tưới máu não.
Người có dấu hiệu đột quỵ não cần được điều trị kịp thời và đúng cách để tránh nguy cơ tử vong hoặc tàn tật.
2. Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não
2.1. Nguyên nhân gây đột quỵ não không thể tác động:
Độ tuổi: Tuổi tác càng cao thì khả năng gặp cơn đột quỵ não càng tăng.
Gen:
Dân tộc: một số chủng tộc có xu hướng bị đột quỵ não cao hơn các tộc người khác.
Do di truyền: Nếu cha mẹ từng bị đột quỵ, con cái sẽ tăng nguy cơ gặp tình trạng này.
2.2. Nguyên nhân gây đột quỵ não có thể tác động:
Các bệnh lý như: Bệnh về tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp động mạch, tăng lipid máu
Thói quen xấu hàng ngày: hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, chất kích thích, ăn ngủ không khoa học…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đột quỵ
3. Các phương pháp điều trị đột quỵ não
Việc điều trị tổng hợp có mục đích chống phù não, duy trì chức năng sống. Trong đó điều trị chống phù não cần để bệnh nhân nằm với đầu giường cao 25- 30 độ. Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc, tăng thông khí, hạn chế sử dụng dịch truyền. Ngoài ra có thể áp dụng phẫu thuật giảm ép, dẫn lưu. Với bệnh nhân có rối loạn chức năng hô hấp cần chú ý thông đường thở. Cần cho thở ôxy và hút đờm rãi, chống nhiễm trùng phế quản ngay để làm thoáng đường thở. Đề phòng xảy ra viêm phổi do trào ngược cần cho người bệnh ăn qua đường sonde dạ dày. Sử dụng chất dinh dưỡng lỏng để tăng cường chuyển hoá, tránh viêm dạ dày và ruột. Nên để sau 2-3 ngày mới ăn đường miệng nếu tình trạng ổn định.
3.1. Điều trị nội khoa:
Thuốc tiêu huyết khối thường được chỉ định khi điều trị đặc hiệu. Với điều trị dự phòng tái phát sẽ sử dụng các thuốc chống kết tập tiểu cầu. Tiêu biểu là aspirin – thuốc cơ bản để điều trị dự phòng và điều trị tắc mạch, tuy nhiên lại làm tăng nguy cơ chảy máu. Bên cạnh đó còn có thuốc chống đông làm giảm cục máu đông và thuốc điều trị tiêu cục máu đông. Việc dùng thuốc chỉ có hiệu quả khi bệnh nhân đến viện sớm, tình trạng chưa quá nghiêm trọng. Đồng thời phải tuân thủ những chỉ định chặt chẽ của bác sĩ tại các cơ sở y tế chuyên sâu có phương tiện theo dõi. Bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm tin cậy. Thực hiện đúng những nguyên tắc đó sẽ giúp đề phòng tai biến chảy máu ồ ạt.
Một số loại thuốc giúp tăng dinh dưỡng cho hệ thần kinh cũng có thể được chỉ định. Thuốc có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh giúp chuyển hoá ở mô bị rối loạn và có nguy cơ bị rối loạn
3.2. Điều trị ngoại khoa:
Tùy tình trạng bệnh, có thể cân nhắc áp dụng các kỹ thuật điều trị đột quỵ – dự phòng đột quỵ bao gồm: kỹ thuật tạo hình động mạch não qua da; kỹ thuật tiêu cục máu đông gây tắc mạch; nong lòng mạch ở các động mạch bị hẹp. Hay kỹ thuật nút mạch bằng coil kim loại; kỹ thuật khai thông động mạch; kỹ thuật lấy bỏ các cục máu tụ,
Các phẫu thuật: giảm ép não; phẫu thuật định vị xử lý các u mạch, dị dạng mạch. Các phẫu thuật này chỉ áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết hoặc không còn cách khác. Người bệnh phải được phẫu thuật ở bệnh viện có đủ trang thiết bị hiện đại và bác sĩ chuyên khoa thần kinh mạch máu có kinh nghiệm
Việc vận động thường xuyên và thói quen sinh hoạt có lợi sẽ giúp hạn chế nguy cơ đột quỵ
4. Phòng tránh đột quỵ não đúng cách
4.1. Thay đổi lối sống
Người có nguy cơ đột quỵ cao cần thay đổi lối sống và chế độ vận động nếu chưa phù hợp. Nên chuyển sang tập thể dục vừa sức và duy trì đều đặn hàng ngày.
4.2. Kiểm soát huyết áp, chỉ số đường trong máu
Cần chú ý kiểm tra, kiểm soát huyết áp mỗi ngày. Nếu mắc bệnh tiểu đường cần kiểm soát đường máu. Nếu có bất ổn cần đi khám sớm để điều trị. Từ bỏ thói quen hút thuốc, uống rượu, sử dụng thực phẩm có hàm lượng chất béo thấp, ăn nhiều rau xanh… Việc vận động thường xuyên và thói quen sinh hoạt có lợi sẽ giúp tránh tình trạng thừa cân, béo phì. Bên cạnh đó còn hạn chế các yếu tố có thể gây tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, giúp tăng cholesterol có lợi, giảm cholesterol có hại. Từ đó sẽ hạn chế khả năng bị đột quỵ.
4.3. Phát hiện sớm và kiểm soát các bệnh lý nguy cơ liên quan tới đột quỵ
Việc thăm khám định kỳ mỗi năm một lần để phát hiện sớm và kiểm soát hiệu quả các bệnh lý nền nếu có như tiểu đường, mỡ máu, bệnh tim mạch khác… là cần thiết. Các bệnh lý này có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đột quỵ nếu không được điều trị, ngăn chặn kịp thời.
5. Lưu ý khi phát hiện người bị đột quỵ
Nếu nhận thấy dấu hiệu nghi vấn đột quỵ, người nhà hoặc những người xung quanh bệnh nhân cần nhanh chóng giúp người bệnh không bị ngã. Bệnh nhân cần được nằm chỗ thoáng, nếu bị nôn nên cho người bệnh nằm nghiêng một bên và móc đờm nhớt cho bệnh nhân dễ thở. Khẩn trương đưa người bệnh tới cơ sở y tế. Tốt nhất không nên chở bệnh nhân bằng xe máy để tránh xóc khi đi trên đường. Khi di chuyển, nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang một bên, nới bớt quần áo cho thoáng. Cần tránh không cho người bệnh dùng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có y lệnh của bác sĩ.
Bệnh nhân bị tăng huyết áp hoặc có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ cần được khám, theo dõi và điều trị thường xuyên tại các cơ sở y tế. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ xuất hiện đột quỵ cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển đến viện xa, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Bởi càng di chuyển xa càng có thể làm bệnh nặng hơn.
Điều quan trọng hàng đầu trong cấp cứu đột quỵ là tận dụng được thời gian vàng. Tốt nhất người bệnh cần được cấp cứu trong 3 giờ đầu khi xảy ra đột quỵ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.