Phụ nữ bị rong kinh ra máu đen là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Rong kinh luôn là vấn đề khiến nhiều chị em phụ nữ mệt mỏi, khó chịu mỗi khi kỳ kinh đến. Tình trạng rong kinh có thể đi kèm với nhiều dấu hiệu bất thường khác, phản ánh việc sức khỏe của người phụ nữ đang có vấn đề. Điển hình nhất, tình trạng bị rong kinh ra máu đen khiến nhiều nhiều chị em hoang mang, lo lắng không rõ bản thân gặp bệnh lý gì? Liệu có gây ảnh hưởng nào tới sức khỏe hay nguy hiểm không?

1. Bị rong kinh máu đen là gì?

Rong kinh là tình trạng mà nhiều phụ nữ gặp phải khi tới kỳ kinh nguyệt. Từ 28 đến 32 ngày là khoảng thời gian của một chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Thời gian hành kinh kéo dài từ 3 đến 5 ngày, lượng máu trung bình khi mỗi kỳ kinh tới khoảng 80ml. Nếu chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 35 ngày, thời gian hành kinh từ 7 đến 10 ngày, thậm chí dài hơn, lượng máu kinh ra nhiều, khiến chị em cảm thấy choáng váng, mệt mỏi, đó chính là tình trạng rong kinh.

Khi bị rong kinh, máu kinh được đẩy ra nhiều hơn bình thường hoặc ít nhưng kéo dài nhiều ngày. Với một số trường hợp, kinh nguyệt có thể có màu sắc lạ, điển hình là bị rong kinh ra máu đen.

Rong kinh máu đen cho thấy kinh nguyệt đang có vấn đề bất thường

Kinh nguyệt có màu đen thường do máu kinh bị ứ đọng, tắc trong cổ tử cung từ những lần hành kinh trước. Máu kinh chưa ra hết, bị oxy hóa, dần chuyển màu đậm hơn. Ngoài ra, do có lẫn dịch nhầy âm đạo nên máu còn có thể có mùi hôi khó chịu và vón cục. Ở lần hành kinh tiếp theo, lượng máu tồn đọng này mới được đẩy ra ngoài. Đặc biệt, tình trạng này thường xảy ra ở những phụ nữ bị rong kinh.

2. Nguyên nhân xuất hiện rong kinh máu đen là gì? Chị em bị rong kinh máu đen có nguy hiểm không?

Nắm rõ nguyên nhân của tình trạng rong kinh máu đen cũng như mức độ ảnh hưởng của nó đến sức khỏe sẽ khiến người bệnh có ý thức điều trị, cải thiện tốt hơn và chủ động hơn trong việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của bản thân.

2.1. Những nguyên nhân nào có thể khiến chị em bị rong kinh ra máu đen?

Rong kinh máu đen có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này gồm:

– Do rối loạn nội tiết tố: Hệ trục gồm não – tuyến yên – buồng trứng là những cơ quan chính có chức năng điều tiết quá trình sản sinh 3 hormone nội tiết tố ở nữ giới. Đó là: Estrogen,, Testosterone và Progesterone. Chu kỳ kinh nguyệt có đều hay không, có ổn định hay không phụ thuộc hoàn toàn vào sự phân bổ của các hormone này. Nguyên nhân rong kinh đầu tiên cũng do sự rối loạn hoạt động của các hormone nội tiết tố. Khi bị rối loạn kinh nguyệt, rong kinh thường xuyên, tình trạng ứ đọng máu kinh thừa trong ống cổ tử cung là dễ hiểu và hoàn toàn có thể xuất hiện rong kinh máu đen.

– Khi phụ nữ thường xuyên thức khuya, mệt mỏi, chu kỳ kinh nguyệt cũng sẽ bị ảnh hưởng. Lúc này, kinh nguyệt thường ra không đều, bị tắc trong cổ tử cung. Ở kỳ kinh tiếp theo, máu kinh được đẩy ra, hiện tượng rong kinh máu đen khiến nhiều người lo lắng.

– Do tác động từ một số bệnh phụ khoa: Những bệnh lý có ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ là các bệnh lý liên quan tới tử cung, buồng trứng như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, polyp buồng tử cung, buồng trứng đa nang,… Các bệnh lý này quyết định độ dày mỏng của niêm mạc tử cung, từ đó cũng tác động đến quá trình ra máu khi tới kỳ kinh nguyệt. Máu kinh không được đào thải ra đều, lâu dần dẫn đến tắc trong ống cổ tử cung và có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới sức khỏe phụ khoa.

Viêm nhiễm phụ khoa cũng có thể là nguyên nhân khiến chị em bị rong kinh ra máu đen

– Tử cung có cấu tạo bất thường: Một số trường hợp cấu tạo của tử cung, cổ tử cung không đồng nhất, chính vì vậy dẫn đến khó khăn khi đào thải máu kinh ở mỗi lần hành kinh. Ở những trường hợp này, máu kinh dễ ứ đọng hơn và có thể làm ảnh hưởng đến quá trình hành kinh, thời gian hành kinh kéo dài, gây ra tình trạng rong kinh máu đen.

– Những trường hợp mổ lấy thai: Sinh mổ cũng là một trong những nguyên nhân có thể khiến người phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, đặc biệt là rong kinh máu đen.

2.2. Liệu bị rong kinh ra máu đen có nguy hiểm không?

Kinh nguyệt là một trong những yếu tố phản ánh rõ ràng nhất tình trạng sức khỏe sinh dục, sinh sản của chị em phụ nữ. Khi chu kỳ kinh nguyệt đều, quá trình tái tạo niêm mạc thành tử cung cũng đều và thuận lợi hơn. Buồng trứng cũng được kích thích để tái tạo thường xuyên, quá trình rụng trứng diễn ra, ổn định chu kỳ rụng trứng, giúp cơ thể luôn được điều hòa, khỏe mạnh.

Nếu tình trạng rối loạn kinh nguyệt, rong kinh máu đen kéo dài sẽ dẫn đến một số ảnh hưởng nhất định:

– Nội tiết rối loạn, gặp nhiều vấn đề về da, sức khỏe.

– Tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, tạp khuẩn xâm nhập và phát triển, đi sâu vào làm tổn thương các cơ quan sinh dục và gây ra nhiều bệnh lý phụ khoa.

– Làm cản trở quá trình thụ thai, ngăn cản sự xâm nhập của tinh trùng vào trứng.

– Làm cho người phụ nữ bị mất máu thường xuyên dẫn đến thiếu máu, thiếu sắt, cơ thể suy nhược.

– Dẫn đến một số rối loạn bất thường, gây ra một số bệnh phụ khoa phát triển trong tử cung, buồng trứng, dẫn đến nguy cơ vô sinh, hiếm muộn.

Rong kinh máu đen có thể là tiền đề dẫn đến các bệnh lý phụ khoa, gây suy nhược cơ thể, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản

Nhìn chung, tình trạng rong kinh ra máu đen có thể đem đến một số vấn đề sức khỏe, ảnh hưởng chung tới sinh hoạt, cuộc sống của chị em phụ nữ nhưng không gây nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, bệnh lý này vẫn cần được phát hiện và kiểm soát thật tốt để loại bỏ các vấn đề có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là khả năng sinh sản của phụ nữ.

3. Điều trị tình trạng rong kinh máu đen như thế nào?

Việc điều trị rong kinh máu đen là cần thiết và phải được thực hiện theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Điều trị sẽ căn cứ vào nguyên nhân của từng vấn đề để quyết định phương pháp, sao cho tình trạng này có thể được chấm dứt triệt để.

– Điều trị bằng thuốc: Đối với những bệnh nhân bị rong kinh ra máu đen do rối loạn nội tiết tố, việc điều trị bằng thuốc hoàn toàn có thể cải thiện được vấn đề này. Thuốc sẽ giúp ổn định nội tiết tố của người bệnh tốt hơn, đồng thời giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và hỗ trợ hoạt động của buồng trứng, cải thiện quá trình tái tạo niêm mạc tử cung. Những loại thuốc điều trị rối loạn nội tiết, rong kinh thường được bác sĩ kê đơn sử dụng gồm: Thuốc chống viêm không steroid, Axit tranexamic, thuốc tránh thai kê theo đơn, Progesterone đường uống.

– Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật ngoại khoa được chỉ định sử dụng cho các trường hợp rong kinh máu đen do bệnh lý phụ khoa phát triển, vượt mức kiểm soát. Các bệnh lý như u xơ tử cung, polyp, đa nang buồng trứng,… có thể phát triển và là một trong số những nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt.

Để loại bỏ những nguyên nhân này, chị em có thể thực hiện khám và kiểm tra sức khỏe phụ khoa với các bác sĩ chuyên khoa, nhận chỉ định từ bác sĩ. Thông thường, nếu được chỉ định phẫu thuật, tùy vào tình trạng, mức độ bệnh, nhu cầu của từng người mà có thể thực hiện phẫu thuật mổ mở hoặc mổ nội soi.

Mổ mở, thời gian phục hồi sẽ lâu hơn, tuy nhiên rất hữu ích trong việc loại bỏ các bệnh lý phức tạp, các khối u có kích thước lớn, gây biến chứng. Mổ nội soi, thời gian điều trị nhanh chóng, phục hồi nhanh, người bệnh không bị mất máu nhiều. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ phù hợp hơn với những bệnh nhân có bệnh lý không quá phức tạp, chưa tiến triển sâu và nghiêm trọng.

Khi gặp bị rong kinh ra máu đen, người bệnh nên thăm khám và nhận chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa để đạt được hiệu quả cải thiện tốt nhất. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh vùng kín trong những ngày “đèn đỏ” cũng rất quan trọng. Không chỉ ngăn ngừa vi khuẩn, nấm, tạp khuẩn tấn công, việc vệ sinh cẩn thận còn giúp chị em có thể sớm cải thiện tình trạng rong kinh máu đen, giúp cho kinh nguyệt được đẩy ra dễ dàng hơn.

Khám phụ khoa định kỳ cũng là một trong những việc phụ nữ cần làm để duy trì sinh lý, sức khỏe phụ khoa ổn định. Từ đó, chị em cũng có thể kịp thời phát hiện những bất thường về chu kỳ kinh nguyệt, có hướng điều trị từ sớm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *