Động kinh là bệnh lý hệ thần kinh thường gặp và gồm nhiều dạng khác nhau. Người mắc bệnh động kinh hoàn toàn có thể sống và làm việc bình thường nếu được kiểm soát cơn động kinh hiệu quả. Cùng tìm hiểu các phương pháp chẩn đoán và cách chữa bệnh động kinh trong bài viết dưới đây.
1. Động kinh không phải bệnh tâm thần
Nhiều người đến giờ vẫn bị nhầm lẫn bệnh động kinh là bệnh tâm thần. Nên khi thấy một người lên cơn co giật (động kinh) nhiều người cho rằng người đó bị mắc bệnh tâm thần sẽ không kiểm soát được hành vi và có thể gây hại cho họ, nên thường hay có xu hướng xa lánh người bệnh – điều này là hoàn toàn không nên.
Bệnh động kinh không phải bệnh tâm thần. Động kinh là do sự phóng điện bất thường, kịch phát và quá mức của một nhóm neuron ở não. Cơn động kinh thường xảy ra đột ngột, trong thời gian ngắn (tạm thời) ở vùng vỏ não bị phóng điện.
Người mắc bệnh động kinh hoàn toàn có thể sống, làm việc như một người bình thường nếu họ được kiểm soát cơn động kinh hiệu quả. Vì vậy, chúng ta cần hiểu đúng, thông cảm và giúp đỡ người bệnh động kinh cả trong cuộc sống và công việc.
2. Động kinh do nguyên nhân nào?
Nguyên nhân gây bệnh động kinh còn tùy thuộc vào từng lứa tuổi. Xác định được nguyên nhân gây động kinh giúp tìm ra cách chữa bệnh động kinh hiệu quả.
Trẻ sơ sinh: chảy máu trong sọ, chấn thương, ngạt lúc sinh, nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương, nhiễm khuẩn và rối loạn chuyển hóa khác,…
Trẻ em: bại não; viêm não, viêm màng não; tổn thương cấu trúc trong sọ, ngộ độc, bệnh thoái hóa não, bệnh di truyền, bệnh chuyển hóa, bệnh hệ thống, chấn thương, động kinh nguyên phát,…
Người lớn: chấn thương sọ não, bệnh mạch máu não, thoái hóa não, nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương, động kinh nguyên phát, bệnh hệ thống,…
Người già: u não, ung thư di căn não, xơ cứng mạch máu não, teo não, thiếu máu não cấp tính,…
Nhìn chung các tổn thương thực thể hoặc các rối loạn chuyển hóa của não là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra bệnh động kinh như: u não, chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, các bệnh lý nhiễm khuẩn nội sọ (áp xe não, viêm não, viêm màng não, di truyền,…).
U não, chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, các bệnh lý nhiễm khuẩn nội sọ (áp xe não, viêm não, viêm màng não, di truyền,…) là những nguyên nhân thường gặp gây bệnh động kinh.
3. Các phương pháp chẩn đoán bệnh động kinh
3.1 Khám lâm sàng (khám ban đầu với bác sĩ)
Người bệnh cần phải thăm khám lâm sàng với bác sĩ. Dựa vào khai thác tiền sử bệnh và sự mô tả cơn động kinh của người bệnh, bác sĩ sẽ có những định hướng cho việc chẩn đoán cận lâm sàng phù hợp nhất.
Nếu là người thân của người bệnh, bạn đừng ngần ngại mà hãy chia sẻ một cách chi tiết nhất về cơn động kinh mà người bệnh đã trải qua. Điều này là rất quan trọng, vì có thể giúp bác sĩ chẩn đoán được loại động kinh mà người bệnh gặp phải là gì, từ đó đưa ra chỉ định điều trị phù hợp.
Bác sĩ sẽ không chẩn đoán động kinh nếu lâm sàng không có cơn.
3.2 Điện não đồ
Là một công cụ cận lâm sàng đặc hiệu, được sử dụng để xác định cơn, loại cơn, vị trí ổ động kinh. Dựa vào sự thay đổi dòng điện mà điện não đồ ghi lại, bác sĩ có thể chẩn đoán người bệnh có bị động kinh hay không. Tùy thuộc vào từng thể bệnh mà có nhiều loại ghi điện não đồ khác nhau như điện não đồ chuẩn, điện não đồ video, điện não đồ liên tục 24 giờ,.. Điện não đồ rất dễ thực hiện, an toàn, không xâm lấn, có thể ghi trong cơn hoặc ngoài cơn.
Điện não đồ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí giúp chẩn đoán bệnh động kinh.
3.3 Xét nghiệm
Xét nghiệm huyết học, sinh hóa, di truyền để đánh giá các chỉ số huyết học cơ bản, sinh hóa chức năng gan, thận,…
3.4 Chẩn đoán hình ảnh
Chụp cắt lớp vi tính sọ não hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não có thể được bác sĩ áp dụng trong một số trường hợp để tìm ra nguyên nhân và theo dõi trong quá trình điều trị.
4. Các cách chữa bệnh động kinh
4.1 Nguyên tắc chữa bệnh động kinh
Trong trường hợp có căn nguyên như u não, máu tụ, dị dạng mạch máu não,… thì phải điều trị căn nguyên nếu có thể. Kết hợp với điều trị triệu chứng. Cần điều trị triệu chứng khi xác định được loại cơn động kinh đó là gì: cục bộ, toàn thể,… để chỉ định thuốc điều trị phù hợp với từng loại và liệu trình điều trị thích hợp, nhằm kiểm soát và cắt cơn động kinh.
4.2 Cách chữa bệnh động kinh bằng thuốc
Sử dụng thuốc (điều trị nội khoa) hiện là phương pháp đang được áp dụng chủ yếu hiện nay để điều trị bệnh động kinh.
Nếu liệu trình đơn trị liệu (1 loại thuốc) mà không cắt được cơn thì phải sử dụng đa trị liệu (2 hoặc 3 loại thuốc). Nếu dùng 3 loại thuốc mà vẫn không cắt được cơn, thì tức là cơn đã kháng thuốc, khi này bác sĩ cần xem xét lại chẩn đoán, có chọn sai thuốc không hay do bệnh nhân bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị.
Theo dõi diễn biến bệnh, các tác dụng phụ của thuốc nếu có để kịp thời điều chỉnh loại thuốc, liều lượng sử dụng thuốc.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, lao động và nghỉ ngơi hợp lý. Bổ sung các vitamin và yếu tố vi lượng, chế độ ăn, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch…
Điều trị bệnh động kinh bằng phương pháp nội khoa (sử dụng thuốc) là biện pháp được ưu tiên áp dụng hiện nay.
4.3 Cách chữa bệnh động kinh bằng phẫu thuật
Được chỉ định đối với các trường hợp cơn động kinh kháng thuốc, động kinh cục bộ ổ khu trú nhỏ, động kinh cục bộ toàn thể hóa.
Ngoài ra, người bệnh cần có kế hoạch kiểm tra định kỳ với bác sĩ, thực hiện điện não đồ, xét nghiệm máu, đánh giá chức năng gan, thận của người bệnh.
5. Tiên lượng đối với người bệnh động kinh
Động kinh là bệnh mạn tính, người mắc bệnh động kinh nếu được phát hiện và điều trị đúng chuyên khoa hiệu quả (điều trị với bác sĩ chuyên khoa thần kinh), có thể cắt cơn thì tiên lượng rất tốt.
Theo thống kê, có khoảng 60% bệnh nhân bị động kinh điều trị ban đầu hoàn toàn có thể cắt cơn. Khoảng 40% số bệnh nhân còn lại vẫn còn cơn co giật, các bác sĩ sẽ cân nhắc đưa ra biện pháp điều trị thay thế.
Nếu bệnh nhân cắt được cơn từ 2,5 đến 5 năm kể từ cơn cuối cùng thì có thể ngừng thuốc. Một số bệnh nhân tái phát động kinh sau khi ngừng thuốc cần phải điều trị lại, có thể phải sử dụng thuốc suốt đời.
Động kinh gây ra nhiều biến chứng trong sinh hoạt, lao động. Nếu kéo dài có thể gây tổn thương não do thiếu oxy, tắc nghẽn đường thở, mặc cảm tự ti (biến đổi tâm lý) khi mang bệnh nên người bệnh rất cần được điều trị.
Đặc biệt, phụ nữ bị bệnh động kinh hoàn toàn có thể sinh em bé nếu họ được kiểm soát cơn động kinh hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chống động kinh cần phải đặc biệt thận trọng đối với thai phụ vì có thể ảnh hưởng tới dị tật thai nhi và sức khỏe của em bé. Chính vì vậy, thai phụ cần thăm khám với bác sĩ và tuyệt đối tuân thủ theo những chỉ định mà bác sĩ đưa ra.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.