Tình trạng nằm trằn trọc mãi mà không ngủ được, ngủ chập chờn dễ tỉnh giấc, ngủ hay mơ thấy ác mộng, ngủ ít, không ngủ được (mất ngủ),.. là những biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ. Rối loạn giấc ngủ làm suy giảm chất lượng công việc, ảnh hưởng không tốt tới tâm lý người bệnh. Nếu kéo dài còn gây nhiều bệnh lý nguy hiểm như: đột quỵ (tai biến mạch máu não), rối loạn tâm thần,…
1. Sinh lý giấc ngủ
Giấc ngủ được hiểu là trạng thái sinh lý có tính chất chu kỳ ngày đêm. Khi ngủ chúng ta thường ngừng hoạt động tri giác và ý thức. Trong đó, các cơ quan giảm hoạt động như tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp,…
Giấc ngủ còn được hiểu là một chuỗi các hoạt động sinh lý và hành vi phức tạp xảy ra ở trong não bộ. Kèm với sự tương tác với các cơ quan ngoại vi như hệ tim mạch, hệ hô hấp, hệ cơ xương khớp.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sinh lý giấc ngủ như:
– Nhịp sinh học (ngày đêm)
– Các đường tín hiệu thức tỉnh
– Các đường tín hiệu ức chế
– Các chất dẫn truyền thần kinh (dopamine, histamine, glutamate, orexin, GABA,…)
– Cấu trúc não liên quan
– Nội mô
Cấu trúc giấc ngủ được chia thành 2 phần là: giấc ngủ REM (giấc ngủ chuyển động mắt nhanh) và giấc ngủ Non-REM. Điện não đồ có sự khác nhau giữa hai chu kỳ giấc ngủ này.
2. Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ trước đây được hiểu như những than phiền của người bệnh về các triệu chứng xuất hiện như khó ngủ, không ngủ,… Có thể đi cùng với các triệu chứng kèm theo hoặc các triệu chứng phối hợp trên nền nhiều bệnh cảnh khác nhau như: bệnh lý về cơ xương khớp, đau, viêm, bệnh lý về miễn dịch hệ thống, bệnh lý tâm thần kinh,…
Theo thời gian, những khó khăn về giấc ngủ này không chỉ dừng lại ở hội chứng rối loạn giấc ngủ. Mà có thể coi đây như là một loại bệnh lý. Điển hình nhất trong số đó là bệnh mất ngủ.
Trong rối loạn giấc ngủ được phân loại chi tiết thành nhiều loại khác nhau. Gồm:
Rối loạn mất ngủ
Rối loạn nhịp thở liên quan đến giấc ngủ: còn gọi là rối loạn ngưng thở khi ngủ gồm ngừng thở tắc nghẽn, ngưng thở trung ương, ngừng thở hỗn hợp.
Rối loạn ngủ nhiều: còn được gọi là chứng ngủ rũ (buồn ngủ nhiều vào ban ngày).
Rối loạn nhịp sinh học khi ngủ: đây là những rối loạn về nhịp, chu kỳ ngày đêm, trễ nhịp thức – ngủ.
Rối loạn cận giấc ngủ: bao gồm những rối loạn hành vi trong giấc ngủ REM và rối loạn mông du (cận giấc ngủ NonREM.
Rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ: hội chứng chân không nghỉ.
Trong đó, điển hình nhất của rối loạn giấc ngủ là tình trạng mất ngủ.
3. Mất ngủ và những tác hại của rối loạn giấc ngủ
3.1 Mất ngủ – một rối loạn giấc ngủ phố biến nhất
Mất ngủ có thể là sự xuất hiện đồng bệnh lý với nhiều bệnh khác nhau. Trong đó mất ngủ thường xuất hiện rất nhiều với các rối loạn tâm thần.
Khó vào giấc và khó duy trì giấc ngủ là dạng thường gặp nhất của mất ngủ, đi kèm với các rối loạn tâm thần.
Có tới 35% bệnh nhân rối loạn mất ngủ có một rối loạn tâm thần và một nửa trong số đó là rối loạn cảm xúc. Khoảng 90% bệnh nhân trầm cảm có mất ngủ. Do đó, mất ngủ và rối loạn tâm thần có mối quan hệ hai chiều với nhau.
Mất ngủ cũng có thể đồng bệnh lý với các bệnh lý cơ thể như bệnh lý gây đau (đặc biệt là đau về đêm và đau khi rạng sáng) như các bệnh lý cơ xương khớp dễ gây mất ngủ. Hay bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ,…
Ngoài ra, mất ngủ có thể do sử dụng các chất và thuốc như: chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, caffeine, theobromine, methylxanthines,… Chúng gây tăng độ trễ, giảm hiệu quả và giảm thời gian ngủ.
Các thuốc ngủ hay thuốc có tính chất an thần gây mất ngủ như thuốc hạ áp, corticoid, thuốc hạ mỡ máu, thuốc chống parkinson, thuốc chống động kinh, thuốc thông mũi, … Có thể có tác dụng ngược gây mất ngủ trong quá trình dùng hoặc khi ngừng điều trị.
Mất ngủ làrối loạn giấc ngủ thường gặp nhất.
3.2 Tác hại của rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ nói chung hay mất ngủ nói riêng, nếu kéo dài sẽ làm gia tăng khả năng mắc các bệnh nguy hiểm như: trầm cảm lo âu, suy giảm trí nhớ, bệnh tim mạch, bệnh lý mạch máu não,…
Nhiều người Việt có thói quen khi bị mất ngủ thường tìm đến hiệu thuốc mua các loại thuốc giúp hỗ trợ ngủ ngon như thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc bổ não,… Mà không chịu đi thăm khám với bác sĩ Nội thần kinh trước. Điều này, có thể tiềm ẩn nhiều nguy hiểm do tác dụng phụ của thuốc gây ra.
Rối loạn giấc ngủ kéo dài dễ gây thiếu máu não, nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả có thể dẫn tới đột quỵ não.
4. Khi bị mất ngủ nên làm gì?
Giấc ngủ giúp bạn hồi phục cả về thể chất và tinh thần. Khi ngủ được, sẽ giúp cơ thể thải hết các chất độc về thần kinh, chuyển đổi khả năng ghi nhớ từ ngắn hạn sang dài hạn, phục hồi thể chất sau một ngày dài làm việc mệt mỏi,… Vì vậy, giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng hãy cố gắng ngủ đủ vì điều này hoàn toàn có lợi cho sức khỏe của bạn.
Từ những lý giải trên về tầm quan trọng của giấc ngủ, bạn tuyệt đối đừng cho rằng giấc ngủ là lãng phí. Nếu có biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ, nên đi khám ngay với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh. Để được chẩn đoán đúng, sớm nhất và có biện pháp điều chỉnh giúp ngủ đủ giấc, chất lượng hơn.
Một số biện pháp giúp cải thiện và hạn chế tình trạng mất ngủ nói riêng và rối loạn giấc ngủ nói chung như:
– Sinh hoạt điều độ: Bạn cần cân đối giữa thời gian làm việc và thời gian giải trí hài hòa với nhau. Điều này sẽ giúp làm giảm áp lực trong cuộc sống.
– Chế độ ăn nhiều rau xanh, củ, quả, nhiều chất xơ,…
– Uống đủ nước, nên uống nước lọc hoặc nước trái cây, hạn chế các loại nước ngọt nhân tạo, nước có gas, nước có chứa các chất kích thích,…
Vệ sinh giấc ngủ: ngâm chân trước khi đi ngủ, uống 1 ly sữa nóng trước khi đi ngủ. Không xem phim trước khi ngủ. Không nghe nhạc quá to trước khi đi ngủ. Không làm việc 2 tiếng trước giờ ngủ. Sắp xếp gọn gàng sạch sẽ phòng ngủ. Chỉnh ánh sáng vừa phải và cố gắng giữ môi trường thật yên tĩnh khi ngủ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.