Rối loạn kinh nguyệt là tình trạng rất phổ biến ở nhiều chị em phụ nữ. Không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt, tình trạng này kéo dài còn gây ra tâm lý khó chịu cho chị em phụ nữ, gián đoạn cuộc sống. Tìm hiểu thông tin về tình trạng này cũng như biết cách khắc phục, điều trị sớm sẽ giúp cho sức khỏe phụ khoa của chị em được đảm bảo hơn.
1. Rối loạn kinh nguyệt – Nỗi khổ của nhiều chị em
Kinh nguyệt bất ổn, chu kỳ kinh nguyệt không đều là vấn đề mà không ít chị em đã từng gặp phải một lần trong đời. Tình trạng này diễn ra phổ biến nhất ở những phụ nữ thuộc độ tuổi dậy thì, sau sinh và ở giai đoạn tiền mãn kinh.
Kinh nguyệt không đều kèm theo những dấu hiệu bất thường được gọi chung là rối loạn kinh nguyệt
Khi kinh nguyệt của bạn không đều, không đúng với chu kỳ 21 – 35 ngày, cho thấy kinh nguyệt của bạn đang bị rối loạn. Ngoài ra, lượng máu kinh mỗi lần hành kinh có thể nhiều hoặc ít hơn mức bình thường (thông thường, lượng máu kinh mất đi ở mỗi kỳ kinh rơi vào khoảng 50 – 150 ml). Tình trạng này cũng thường đi kèm với các triệu chứng như thống kinh, bế kinh, cường kinh,…
2. Kinh nguyệt bị rối loạn bởi những nguyên nhân nào?
Theo đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa, rối loạn kinh nguyệt có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, những nguyên nhân ảnh hưởng tới kinh nguyệt thường thấy gồm:
– Mất cân bằng hệ nội tiết: Nội tiết tố bị rối loạn, thay đổi khiến cho quá trình đào thải máu kinh tại tử cung cũng bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến một số hiện tượng như rong kinh, thống kinh, bế kinh,… và thường gặp ở các bạn nữ tuổi dậy thì, phụ nữ sau sinh nở và phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh.
– Cân nặng thay đổi đột ngột: Nhiều trường hợp do chị em ăn uống chưa khoa học, hợp lý, cân nặng tăng hoặc giảm đột ngột, gây ảnh hưởng đến một số chức năng, hoạt động của cơ quan sinh dục.
Cân nặng tăng giảm đột ngột, gây ra những thay đổi về hệ nội tiết, quá trình sản sinh nội tiết tố tự nhiên, dẫn đến các vấn đề rối loạn về kinh nguyệt
– Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý: Cân bằng dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng để ổn định chức năng của tử cung và hoạt động của hệ nội tiết, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh nguyệt của người phụ nữ. Vì vậy, một chế độ dinh dưỡng chưa khoa học, hợp lý hoàn toàn có thể gây ra tình trạng này.
– Các bệnh lý ở phụ nữ: Một số bệnh lý như tuyến giáp, buồng trứng đa nang, u nang buồng trứng, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung,… cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến các biểu hiện bất thường ở kinh nguyệt.
– Sử dụng các loại thuốc không đúng cách: Thuốc tránh thai, thuốc giảm cân, thuốc chữa bệnh trầm cảm,… chứa nhiều loại chất ảnh hưởng đến quá trình điều tiết hormone của cơ thể. Sử dụng sai cách, quá liều lượng có thể gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
– Căng thẳng, mệt mỏi thần kinh: Hệ thần kinh có mối liên hệ mật thiết với hệ nội tiết, tuyến yên, tuyến thượng thận. Do vậy, khi bị căng thẳng thần kinh, stress, cơ thể bạn có thể điều khiển tuyến thượng thận tiết ra hormone cortisol, làm mất cân bằng chu kỳ kinh nguyệt.
3. Một số biểu hiện cho thấy kinh nguyệt của bạn bị rối loạn
Các biểu hiện khi kinh nguyệt không bình thường khá rõ ràng. Dưới đây là một số biểu hiện mà chị em thường gặp.
3.1. Rong kinh – Triệu chứng thường gặp của hơn 70% phụ nữ rối loạn kinh nguyệt
Tình trạng kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày, lượng máu kinh ra nhiều là những dấu hiệu đặc trưng của tình trạng rong kinh. Rong kinh kéo dài có thể dẫn tới thiếu máu, mất máu, cơ thể suy nhược, kém tập trung,…
Không chỉ những bạn nữ tuổi dậy thì, chị em sau sinh, chị em ở độ tuổi tiền mãn kinh gặp phải tình trạng này mà cả những người mắc các bệnh u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung, chứng lạc nội mạc tử cung,… cũng có thể bị rong kinh.
3.2. Thống kinh
Thống kinh hay đau bụng kinh là triệu chứng khiến các chị em mệt mỏi mỗi khi đến ngày “đèn đỏ”. Đây cũng là triệu chứng có thể gặp phải ở những chị em mắc các bệnh lý liên quan tới tử cung, buồng trứng.
3.3. Bế kinh – Triệu chứng rối loạn kinh nguyệt cảnh báo nguy cơ hiếm muộn
Bế kinh là biểu hiện mất kinh hoặc kinh nguyệt ra rất ít, dưới 50ml/lần hành kinh. Tình trạng bế kinh kéo dài có thể là biểu hiện của những bệnh phụ khoa như suy giảm chức năng buồng trứng, bệnh tuyến giáp, u tuyến yên,… và có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của người phụ nữ, gây hiếm muộn.
4. Kinh nguyệt rối loạn có nguy hiểm tới sức khỏe không?
Tình trạng kinh nguyệt thất thường, có biểu hiện lạ nguy hiểm hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân cũng như triệu chứng mà chị em gặp phải.
– Gây mất máu, thiếu máu dẫn tới sức khỏe suy nhược: Những chị em gặp phải tình trạng rong kinh kéo dài thường gặp tình trạng thiếu máu, thiếu sắt, khiến cho cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, kém tập trung.
– Đề kháng kém, trí nhớ suy giảm: Kinh nguyệt kéo dài gây mất máu, cơ thể không được nuôi dưỡng, mất đi sự cân bằng sẽ khiến cho hệ miễn dịch suy yếu, chị em dễ bị ốm vặt. Hơn nữa, tuần hoàn máu kém, khiến cho não bộ cũng bị ảnh hưởng, thường xuyên buồn ngủ, suy giảm trí nhớ.
– Rối loạn kinh nguyệt xuất phát từ bệnh lý dễ gây ra các bệnh phụ khoa, gây vô sinh, hiếm muộn: Một số biểu hiện của kinh nguyệt bất thường cho thấy chị em có thể đang gặp phải một số bệnh phụ khoa nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, u lạc nội mạc tử cung,…
Rối loạn kinh nguyệt còn là biểu hiện của nhiều bệnh lý phụ khoa nghiêm trọng, không được xử lý sớm sẽ rất nguy hại
Những bệnh lý này có thể là tiền đề gây vô sinh – hiếm muộn.
5. Cải thiện tình trạng kinh nguyệt bất thường như thế nào?
Tình trạng kinh nguyệt không ổn định này có thể xuất phát từ những nguyên nhân cơ năng (ăn uống, tâm lý,…) hay những nguyên nhân thực thể (bệnh lý phụ khoa, các dị tật tại cơ quan sinh dục,…). Dựa vào nguyên nhân của tình trạng này mà chúng ta có thể cải thiện bằng các phương pháp sau đây:
– Hạn chế làm việc quá mức, suy nghĩ tích cực, tránh để đầu óc căng thẳng, mệt mỏi quá độ.
– Xây dựng cho bản thân một chế độ dinh dưỡng phù hợp thể trạng. Hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh, chất kích thích, đồ ăn chứa nhiều chất bảo quản.
– Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý điều trị bệnh tại nhà.
– Thường xuyên khám phụ khoa, sức khỏe định kỳ để nắm được các vấn đề đang gặp phải.
– Ngoài ra, với các nguyên nhân thực thể, người bệnh cũng có thể điều trị bằng các phương pháp chuyên khoa phù hợp.
Khám phụ khoa định kỳ, có phương án điều trị phù hợp là điều chị em nên làm để khắc phục và tránh khỏi ảnh hưởng của các vấn đề về kinh nguyệt
Điều cần làm nhất khi bị rối loạn kinh nguyệt, chị em hãy tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để thực hiện khám và có phương hướng điều trị hợp lý. Tại Thu Cúc TCI, các bác sĩ Sản phụ khoa hàng đầu, nhiều năm kinh nghiệm sẽ trực tiếp thực hiện khám, làm các xét nghiệm cần thiết để phát hiện nguyên nhân bệnh, từ đó đưa ra cách điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
Một số phương pháp chẩn đoán bệnh được Thu Cúc TCI thực hiện gồm có siêu âm phần phụ, siêu âm đầu dò, chụp cộng hưởng từ MRI phân tích tử cung, hai bên phần phụ. Để trải nghiệm dịch vụ khám, kiểm tra sức khỏe phụ khoa với kết quả chính xác nhất, chị em có thể tham khảo Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI – nơi dịch vụ, chất lượng và sự hài lòng của bệnh nhân được đặt lên hàng đầu.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.