Tỷ lệ trầm cảm, rối loạn lo âu, stress ngày càng tăng, đặc biệt là ở giới trẻ. Theo thống kê tại Việt Nam có khoảng 5-6% dân số bị rối loạn trầm cảm lo âu. Trong cuộc đời mỗi chúng ta, ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này ít nhất là ở một giai đoạn hay thời điểm nào đó. Bạn đã trang bị cho mình những kiến thức gì về căn bệnh này, cùng tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây nhé.
1. Rối loạn lo âu là gì?
Lo âu bình thường là một phản ứng cảm xúc tất yếu của mỗi cá thể trước những khó khăn, thử thách, những thay đổi, những điều chưa trải nghiệm… để thích ứng với cuộc sống (trẻ em sợ xa người thân, người già sợ ốm…)
Lo âu bình thường có chủ đề, nội dung rõ ràng như: bệnh tật, công việc, học tập… Lo âu diễn biến nhất thời, không có hoặc có rất ít triệu chứng cơ thể.
Rối loạn lo âu là một trạng thái cảm xúc thể hiện sự lo lắng, căng thẳng, khó chịu, sợ hãi. Rối loạn lo âu thường đến từ nguyên nhân không rõ ràng.
Lo âu không phù hợp với hoàn cảnh, môi trường. Không có chủ đề rõ ràng, mang tính chất vô lý, mơ hồ. Thời gian thường kéo dài. Mức độ lo âu gây trở ngại rõ rệt đến các hoạt động của bệnh nhân.
Mô tả các biểu hiện của chứng rối loạn lo âu
2. Triệu chứng rối loạn lo âu
2.1 Phân loại theo nhóm triệu chứng
Lo âu lặp đi lặp lại với nhiều triệu chứng cơ thể như: mạch nhanh, chóng mặt, khô miệng, vã mồ hôi, lạnh chân tay, run rẩy, bất an…
Cụ thể:
Nhóm các triệu chứng tâm thần: + Kích thích, cáu kỉnh + Cảm giác sợ hãi + Mất khả năng kiểm soát lo âu + Bồn chồn không thể thư giãn + Khó tập trung chú ý + Lo sợ bị mất kiểm soát hoặc sợ chết.
Nhóm triệu chứng cơ thể: + Biểu hiện về cơ như căng cơ đau cơ vùng cổ gáy + Tim mạch: hồi hộp đánh trống ngực, mạch nhanh, đau ngực… + Hô hấp: hụt hơi, khó thở, ngột ngạt,… + Tiêu hoá: khó chịu vùng thượng vị, buồn nôn, khô miệng, sôi bụng, tiêu chảy… + Biểu hiện cơ thể khác: Dễ mệt mỏi, ra mồ hôi, tiểu nhiều lần, run tay chân, chóng mặt, đau căng đầu…
2.2 Biểu hiện trên từng cơ quan
Triệu chứng Thần kinh: hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau đầu, run tay chân, rối loạn cảm giác – vận động
Triệu chứng Tim mạch: đau – tức ngực, hồi hộp, đánh trống ngực, tăng huyết áp
Triệu chứng Hô hấp: tức ngực, nặng ngực, khó thở, hụt hơi
Triệu chứng tiêu hóa: trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn nhu động ruột, khô miệng, đắng miệng, ăn không ngon, rối loạn đại tiện.
Triệu chứng Nội tiết: các triệu chứng toàn thân
Triệu chứng tiết niệu: rối loạn tiểu tiện
Một số triệu chứng khác: đau dai dẳng các cơ quan, cơn ngất
Rối loạn lo âu thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.
3. Nguyên nhân gây rối loạn lo âu là gì?
Hiện nay, nguyên nhân gây rối loạn lo âu chưa được biết đầy đủ. Nhưng các nhà khoa học cho rằng cả hai yếu tố tâm thần và yếu tố y học chung đều có liên quan.
3.1 Rối loạn lo âu do bệnh cơ thể
Một số rối loạn cơ thể là nguyên nhân gây ra chứng rối loạn lo âu. Như do người bệnh mắc phải một hoặc một số bệnh nội khoa dưới đây:
– Tim mạch: giảm sự thay đổi nhịp tim, tăng kết tập tiểu cầu, mức độ cao hơn của các dấu hiệu nguy cơ viêm (protein phản ứng C và interleukin-6).
– Đái tháo đường: Rối loạn điều hòa trục hạ đồi – tuyến yên vỏ thượng thận (HPA) và kích thích hệ thần kinh giao cảm liên quan đến cân bằng nội môi glucose.
– COPD: kích hoạt trục HPA và tăng phản ứng viêm toàn thân có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ đợt cấp COPD.
– Hen phế quản: Sự rối loạn điều hòa của một số quá trình sinh học nhạy cảm với căng thẳng như hệ thần kinh tự chủ
3.2 Rối loạn lo âu do sử dụng thuốc
Các loại thuốc có chứa corticosteroid, thuốc ức chế miễn dịch, hóa chất sử dụng trong điều trị ung thư,…. Ngoài ra, việc sử dụng ma túy, cocain, amphetamin, cafein,… cũng có thể gây rối loạn lo âu.
3.3 Rối loạn lo âu do các vấn đề về tâm lý
Việc đối mặt với những cú sốc trong cuộc đời có thể là căn nguyên khiến nhiều người rơi vào trạng thái cảm xúc lo âu, trầm cảm. Người bị tự kỷ cũng có khả năng bị rối loạn lo âu cao hơn người bình thường.
Bệnh lý cơ thể, tâm lý, tác dụng phụ của thuốc là những nguyên nhân chủ yếu gây rối loạn lo âu.
4. Mối quan hệ giữa rối loạn lo lâu và bệnh cơ thể
Lo âu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh cơ thể và ngược lại, các bệnh cơ thể làm tăng nguy cơ mắc lo âu. Lo âu và bệnh cơ thể duy trì lẫn nhau.
5. Điều trị
5.1 Liệu pháp tâm lý
Tư vấn giúp bệnh nhân, gia đình bệnh nhân hiểu được bản chất của rối loạn lo âu (nguyên nhân, lâm sàng, tiến triển ).
Chiến lược kiểm soát lo âu và giảm stress: Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
Tập thư giãn, tập thở, tập khí công, tập yoga.
Tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, các hoạt động thể lực ( để thư giãn hoặc lôi cuốn bệnh nhân )
Tránh lạm dụng rượu, thuốc ngủ
5.2 Liệu pháp hóa dược
Sử dụng thuốc Benzodiazepine Bao gồm : Diazepam (2,5- 10mg/ngày), lorazepam (0,5-4mg/ngày)… Alprazolam (0,25-3,0mg/ngày), bromazepam (6- 30mg/ngày)…
Các thuốc Chống trầm cảm: – SSRI: Sertraline, Paroxetine, Fluoxetine, Fluvoxamine,… – SNRI: Venlafaxine, Duloxetine,… – NaSSA: Mirtazapine – CTC 3 vòng: Amitriptyline
Các thuốc chống loạn thần: Olanzapine, Quetiapine, Sulpirid,…
Rối loạn lo âu gặp trong nhiều bệnh nội khoa với nhiều triệu chứng cơ năng chồng lấp. Rối loạn lo âu và nhiều bệnh lý cơ thể có mối quan hệ qua lại tương hỗ cho nhau. Đa cơ chế: cơ chế sinh học, cơ chế tâm lý, cơ chế hóa dược. Cần được phát hiện và điều trị kịp thời góp phần cải thiện hiệu quả điều trị chung, giảm gánh nặng bệnh tật và chi phí điều trị. Điều trị bằng liệu pháp tâm lý, liệu pháp hóa dược, song song với điều trị tích cực bệnh lý cơ thể.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.