Hệ thống nội tiết đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp chị em có một cơ thể khoẻ mạnh. Khi hệ thống này bị rối loạn sẽ gây ra rất nhiều bệnh lý nguy hiểm khác nhau. Vậy rối loạn nội tiết là gì và làm sao để điều trị được tình trạng này?
1. Khái niệm
Nội tiết tố (hormone) là những hóa chất được sản xuất trong hệ nội tiết. Nhiệm vụ của hormone là theo dòng máu di chuyển đến các tế bào cũng như các cơ quan và phát tín hiệu hoạt động cho các cơ quan. Nhờ có hormone, những hoạt động quan trọng trong cơ thể được điều hoà như nhịp tim, thân nhiệt, chu kỳ giấc ngủ, mức độ căng thẳng, sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể, chu kỳ sinh sản và chức năng tình dục, quá trình chuyển hoá và cảm giác thèm ăn.
Rối loạn nội tiết (rối loạn hormone) xảy ra khi lượng hormone bất thường trong máu (có thể là ít hơn hoặc nhiều hơn mức bình thường).
Nhiều chị em vẫn thắc mắc rối loạn nội tiết là gì và cách điều trị như thế nào?
2. Nguyên nhân
Những nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn nội tiết tố phải kể đến như:
2.1 Trạng thái căng thẳng, mệt mỏi kéo dài
Khi chị em rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi liên tục sẽ khiến cho lượng hormone progesterone trong cơ thể giảm mạnh trong khi lượng estrogen lại tăng cao. Tình trạng này gây nên hiện tượng rối loạn nội tiết tố nữ, nghiêm trọng hơn sẽ làm rối loạn buồng trứng, tuyến yên cũng như trục não bộ.
2.2 Lạm dụng thuốc tránh thai
Cơ chế hoạt động của thuốc tránh thai đó là đưa một lượng hormone sinh dục nữ vào để ngăn cản hoặc làm chậm quá trình rụng trứng, ngăn cho trứng có cơ hội làm tổ. Chính quá trình làm biến đổi lượng hormone nhân tạo này sẽ gây nên tác dụng phụ làm rối loạn nội tiết tố.
2.3 Do ăn những thực phẩm độc hại
Tiêu biểu cho nhóm thức ăn có hàm lượng estrogen cao đó là đồ ăn sẵn, đồ ăn đóng hộp. Việc ăn quá nhiều những thức ăn này sẽ khiến cho lượng estrogen trong cơ thể tăng không kiểm soát và làm mất căn bằng nội tiết tố nữ.
Bên cạnh đó, nếu phụ nữ ăn quá nhiều đồ ngọt hoặc ăn uống vượt mức dinh dưỡng cho phép cũng dẫn tới việc bị rối loạn nội tiết, nghiêm trọng hơn là mắc hội chứng đa nang buồng trứng. Ngược lại việc ăn kiêng quá đà dẫn tới suy dinh dưỡng cũng là lý do gây nên tình trạng rối loạn nội tiết.
Đồ ăn sẵn là một trong những tác nhân gây rối loạn nội tiết
2.4 Do tác dụng của mỹ phẩm
Trong mỹ phẩm chứa nhiều hoá chất, hoạt chất độc hại như phthalates, parabens, hoá chất có đuôi anime, có đuôi phenol,…và chúng dễ dàng xâm nhập vào máu để gây hại và làm suy giảm chức năng của của các tổ chức có chức năng tiết ra nội tiết tố.
3. Biểu hiện
Thông qua một số biểu hiện dưới đây, chị em có thể nhận định xem mình có bị rối loạn nội tiết tố nữ hay không.
3.1 Da xuất hiện mụn
Sự thay đổi của nội tiết tố trong cơ thể (đặc biệt trong giai đoạn dậy thì) sẽ khiến cho da bị mụn. Dấu hiệu này thường có ở hầu hết các chị em.
3.2 Bị mất ngủ
Hormone Progesterone có nhiệm vụ mang đến cảm giác thoải mái, giữ sự bình tĩnh cũng như giúp chị em có được một giấc ngủ ngon giấc. Vậy nên khi xuất hiện tình trạng mất ngủ thì đây chính là cảnh báo rằng nồng độ progesterone trong cơ thể đang ở mức rất thấp.
Khi lượng Progesterone ở mức thấp sẽ gây nên tình trạng mất ngủ – một biểu hiện dễ nhận biết của rối loạn nội tiết
3.3 Mồ hôi tiết ra nhiều hơn bình thường
Nếu lượng mồ hôi của chị em ra nhiều hơn bình thường thì đây chính là dấu hiệu của sự mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Dấu hiệu này đặc biệt sẽ gặp nhiều ở phụ nữ sau khi mãn kinh.
3.4 Thường xuyên đau đầu
Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đau đầu chính là do lượng estrogen quá thấp. Nếu dấu hiệu này sẽ diễn ra thường xuyên thì chứng tỏ cơ thể đang bị rối loạn nội tiết tố.
3.5 Cơ thể luôn mệt mỏi
Trong trường hợp chị em luôn cảm thấy mệt mỏi, ngay cả khi không làm gì hay không có hoạt động gì thì đây có thể là dấu hiệu của rối loạn nội tiết tố nữ.
3.6 Có những thay đổi về cân nặng
Rối loạn nội tiết sẽ làm chị em rất dễ tăng cân do khi lượng hormone bất thường trong cơ thể khiến cho cơ thể sẽ tích nhiều mỡ đồng thời phá vỡ các khối cơ.
3.7 Có vấn đề về tiêu hoá
Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc estrogen tăng cao sẽ gây ảnh hưởng lớn đến vi sinh vật trong ruột cũng như gây nên các vấn đề về hệ tiêu hoá.
3.8 Khả năng tập trung kém
Khi các chị em không thể tập trung tốt để làm một viêc gì đó hoặc luôn trong trạng thái quên quên nhớ nhớ thì đó là dấu hiệu của việc rối loạn nội tiết.
4. Biện pháp điều trị
Sau khi đã hiểu rõ về rối loạn nội tiết là gì, vậy có những biện pháp nào để điều trị được tình trạng này?
4.1 Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng kéo dài
Theo các bác sĩ, giấc ngủ là cách tự nhiên để điều hoà được nội tiết tố. Các chị em được khuyến cáo ngủ đủ 8 tiếng/ngày và nên ngủ trước 10 giờ đêm.
4.2 Tập thể dục hàng ngày
Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ thể tăng cường tiết testosterone, hormone tăng trưởng, endorphins, cơ thể sẽ tự điều tiết sản xuất cũng như sử dụng hiệu quả được những loại hormone này. Một lưu ý dành cho những người đang bị rối loạn nội tiết đó là nên tập các bài tập nhẹ nhàng, tránh các môn thể thao với cường độ cao.
Yoga là một trong những bài tập được khuyến cáo điều trị rối loạn nội tiết
4.3 Hạn chế sử dụng thuốc tránh thai
Ngoài việc gây rối loạn nội tiết, thuốc tránh thai còn gây ra nhiều tác dụng phụ như xuất huyết âm đạo bất thường, tăng huyết áp, tăng cân, gây nên nguy cơ ung thư vú cao, chảy máu tử cung,…
4.4 Có chế độ ăn uống lành mạnh
Hãy tập thói quen ăn uống những thực phẩm hữu cơ, thực phẩm sạch, thực phẩm không chứa dư lượng hormone tăng trưởng, thuốc trừ sâu, thực phẩm chứa chất béo lành mạnh, vitamin, khoáng chất…. vì chúng không chỉ giúp cân bằng nội tiết tố cho cơ thể mà còn tốt cho sức khoẻ tổng thể. Bên cạnh đó cũng cần hạn chế ăn những thực phẩm chế biến sẵn, đồ đóng hộp, biến đổi gen, chứa chất bảo quản,…
Hy vọng bài viết trên đã giúp chị em trả lời được câu hỏi “rối loạn nội tiết là gì” cũng như biết được những biện pháp điều trị cho tình trạng này. Để cơ thể luôn được khỏe mạnh cũng như tránh được các bệnh lý phụ khoa, chị em nên đến thăm khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng/lần tại các cơ sở y tế uy tín.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.