Rối loạn thần kinh cơ có thể gây các tổn thương về thần kinh như liệt chi, liệt cơ hô hấp, giảm trương lực cơ. Người bệnh cần phải được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả để kịp thời có biện pháp ngăn bệnh biến chứng nặng gây suy hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng. Cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích về bệnh rối loạn thần kinh cơ trong bài viết dưới đây.
1. Rối loạn thần kinh cơ hay bệnh thần kinh cơ là gì?
Đây là nhóm bệnh gây tổn thương noron, dây thần kinh, khớp nối thần kinh cơ, sợi cơ. Còn được gọi với tến khác là bệnh lý synap thần kinh cơ.
Rối loạn dẫn truyền thần kinh cơ gây ảnh hưởng tới khớp thần kinh cơ, gây yếu cơ giao động mà không có giảm cảm giác. Loại phổ biến hay gặp nhất hiện nay đó chính là bệnh nhược cơ. Một số bệnh lý ảnh hưởng chủ yếu đến các vùng khác nhau của cơ thể như hội chứng người cứng, hội chứng isaccs, hội chứng Guillain – Barre (GBS), viêm đa rễ dây thần kinh mất myelin mạn tính (CIDP), bệnh thần kinh di truyền,…) có các tổn thương thần kinh – cơ.
Rối loạn thần kinh cơ có thể liên quan tới các thụ thể sau synap (như trong bệnh nhược cơ), sự tăng cường giải phóng acetylcholin trước synap (như trong bệnh ngộ độc thịt), sự phân hủy acetylcholin trong synap (do thuốc hoặc hóa chất gây độc hại thần kinh).
Bệnh lý synap thần kinh cơ xảy ra do tổn thương noron, dây thần kinh, khớp nối thần kinh cơ, sợi cơ.
2. Các biến chứng do rối loạn thần kinh cơ gây ra
2.1 Biến chứng chung do rối loạn thần kinh cơ gây ra
Đặc điểm tổn thương thần kinh trong nhóm bệnh thần kinh cơ là liệt chi, liệt cơ hô hấp, giảm trương lực cơ kèm xuất tiết nhiều dịch phế quản.
Dấu hiệu yếu, liệt cơ
– Yếu cơ tiến triển: Liệt tứ chi, không thể nâng đầu khỏi giường.
– Tác động tới hành tủy: Khó nuốt, giọng nói yếu, liệt mặt cả hai bên
– Ho yếu: Rối loạn tăng tiết các chất tiết đường hô hấp
2.2 Biến chứng suy hô hấp trong rối loạn thần kinh cơ
Dấu hiệu suy hô hấp ở bệnh nhân bị rối loạn thần kinh thường gặp là tăng tiết dịch phế quản, hô hấp đảo nghịch, thở chậm và ngừng thở, tổn thương phổi chiếm tỷ lệ cao, kèm theo các tổn thương thần kinh như liệt chi, liệt cơ hoành, giảm trương lực cơ.
Cụ thể gồm:
– Liệt cơ liên sườn đơn độc: lồng ngực không giãn ra khi thở vào, các khoang liên sườn không giãn nở, cơ hoành vẫn di động.
– Liệt cơ hoành hai bên đơn độc: lồng ngực di động khi thở vào, vùng thượng vị không phồng lên khi thở vào, có khi lõm xuống (di động nghịch thường).
– Liệt phối hợp các nhóm cơ hô hấp: lồng ngực bất động hoặc giảm vận động, các cơ bụng phập phồng, rì rào phế nang mất hoặc giảm
Những tiêu chuẩn đánh giá suy hô hấp trong bệnh thần kinh cơ theo các chuyên gia
– Rối loạn nhịp thở: Ngừng thở, thở chậm, thở nông, hô hấp đảo nghịch
– Phổi thông khí giảm
– Xanh tím, vã mồ hôi. Rối loạn ý thức.
– Khí máu động mạch: PaO2 < 60 mmHg và/ hoặc PaCO2 > 50 mmHg; SaO2 < 85%
Tiêu chuẩn loại trừ: Suy hô hấp do tổn thương thần kinh trung ương, nhiễm khuẩn thần kinh trung ương, di chứng sau viêm não, bại não và những bệnh nhân không đủ thông tin (dấu hiệu) để chẩn đoán mắc bệnh lý thần kinh cơ.
Người bị rối loạn thần kinh cơ có thể bị suy hô hấp nếu không được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.
3. Bệnh nhược cơ
3.1 Khái niệm
Đây là bệnh lý thần kinh tự miễn do tổn thương tại khớp nối thần kinh – cơ, liên quan đến cơ chế tự miễn dịch (cơ thể người bệnh sinh ra các tự kháng thể kháng lại các thụ cảm thể acetylcholin ở màng sau synap các khớp thần kinh cơ). Dạng nhược cơ bẩm sinh là do không đồng nhất về kiểu gen lẫn cả kiểu hình, cùng chung về suy giảm dẫn truyền thần kinh cơ.
Bệnh nhược cơ không phổ biến và là một bệnh nặng. Người bị nhược cơ có thể đối diện với nguy cơ tàn phế tình trạng nhược cơ toàn thân hoặc tử vong do nhược cơ hô hấp.
Đối tượng bị bệnh nhược cơ thường gặp ở độ tuổi lao động, có thể do nhược cơ từ bẩm sinh nhưng không được phát hiện và chẩn đoán. Việc chẩn đoán sớm và điều trị tích cực bệnh nhược cơ có ý nghĩa quan trọng đối với người bệnh và xã hội.
3.2 Đặc điểm lâm sàng của bệnh nhược cơ
Các đặc điểm lâm sàng của bệnh nhược cơ gồm:
Hay mệt mỏi bất thường, yếu cơ giao động, yếu cơ thường xuyên (hay xảy ra ở các cơ vận nhãn, cơ ổ mắt, các cơ thuộc hành não, thân mình, hô hấp, chân tay).
Giảm trương lực cơ.
Chậm phát triển.
Một số biểu hiện hiếm gặp ở người bệnh nhược cơ như: thiểu năng trí tuệ, dị dạng, bệnh thần kinh ngoại biên, động kinh.
Biểu hiện của bệnh nhược cơ
4. Khó khăn trong chẩn đoán bệnh thần kinh cơ
Việc nhận biết đặc điểm suy hô hấp do bệnh thần kinh cơ và xác định nguyên nhân là cần thiết giúp cho điều trị. Tuy nhiên, bệnh thường khó chẩn đoán nguyên nhân do việc khám lâm sàng bị hạn chế bởi thuốc an thần, giảm đau và các can thiệp xâm nhập như ống nội khí quản.
Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, có thể nguyên nhân gây bệnh thần kinh cơ là do hội chứng Guillain Barré, nhược cơ, thoái hóa cơ tủy, viêm tủy, loạn dưỡng cơ Duchenne,… hoặc do vô căn (không xác định được nguyên nhân).
Bệnh nhược cơ có yếu tố di truyền, nên trong quá trình thăm khám bác sĩ cần thai khác xem trong gia đình bệnh nhân có ai cũng bị bệnh nhược cơ hay không. Đây cũng được xem là một trong những dữ liệu quan trọng, giúp bác sĩ đưa ra kết luận chính xác về bệnh và từ đó đưa ra phương án điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.