Rối loạn tiền đình thường xảy ra ở độ tuổi trung niên trở đi. Bệnh gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
1. Thế nào là rối loạn tiền đình?
Tiền đình là bộ phận thuộc hệ thần kinh, nằm sau ốc tai hai bên. Tiền đình có vai trò duy trì trạng thái cân bằng cho cơ thể khi tham gia các hoạt động. Đồng thời, tiền đình có vai trò phối hợp các bộ phận cử động như tay, chân, thân mình…
Rối loạn tiền đình là tình trạng rối loạn quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của bộ phận tiền đình. Điều này xảy ra do dây thần kinh số 8 hoặc động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương. Ngoài ra, bệnh còn do các tổn thương khác ở khu vực tai trong và não.
Những nguyên nhân đó khiến tiền đình mất khả năng giữ thăng bằng, dễ bị hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn… Các triệu chứng đột ngột và lặp đi lặp lại nhiều lần khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Rối loạn tiền đình khiến người bệnh thường xuyên chóng mặt, ù tai
2. Biểu hiện người mắc chứng rối loạn tiền đình
Người bệnh thường có những biểu hiện cụ thể như:
– Chóng mặt, choáng váng: Lúc này người bệnh không thể đứng vững hoặc bước đi. Triệu chứng chóng mặt khiến người bệnh dễ ngã do mất cân bằng và không định hướng được không gian.
– Rối loạn thị giác: Cảm giác hoa mắt, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng… là biểu hiện rối loạn tiền đình thường thấy.
– Rối loạn thính giác: Người bệnh có thể thấy ù tai, thay đổi tâm lý, lo lắng quá mức, giảm sự tập trung…
Tùy vào tình trạng sức khỏe, mỗi người sẽ xuất hiện các biểu hiện bệnh khác nhau. Càng lớn tuổi, các triệu chứng về mất thăng bằng càng nặng.
3. Các loại rối loạn tiền đình
3.1. Rối loạn tiền đình ngoại biên
Loại này thường gặp ở 90% – 95% bệnh nhân mắc chứng rối loạn tiền đình. Hầu hết các biểu hiện lâm sàng của bệnh dựa trên nguyên nhân hình thành bệnh.
Những cơn chóng mặt xảy ra trong thời gian ngắn. Đặc biệt, triệu chứng này xuất hiện nhiều khi bệnh nhân thay đổi tư thế từ ngồi sang nằm, hoặc nằm sang ngồi. Bên cạnh đó, tình trạng chóng mặt quay cuồng và kéo dài cũng xảy ra ở một số trường hợp. Người bệnh không thể đi, đứng hoặc thay đổi tư thế.
Ngoài chóng mặt, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng như: vã mồ hôi, nặng đầu, nôn ói, ù tai, giảm nhịp tim… Khi các biểu hiện trở nên nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể té ngã dẫn tới chấn thương do không thăng bằng được.
3.2. Rối loạn tiền đình trung ương
Đây là loại rối loạn mà bệnh nhân ít gặp. Lúc này cơ thể thường choáng váng khi thay đổi tư thế, đi lại khó khăn, một số trường hợp xuất hiện nôn ói.
Tình trạng này xảy ra do tổn thương nhân tiền đình và đường liên hệ các nhân dây tiền đình ở thân não và tiểu não. Nguyên nhân có thể là do bệnh lý viêm, u não, tai biến mạch máu não…
4. Nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiền đình
4.1. Nguyên nhân rối loạn cơ quan tiền đình ngoại biên
Do tác động của một số bệnh đó là:
– Viêm tiền đình, viêm thần kinh tiền đình
– Viêm tai giữa cấp, viêm mê nhĩ,
– Bệnh Meniere
– U dây thần kinh 8, rò ngoại dịch, dị vật ống tai ngoài
– Rối loạn chuyển hóa bao gồm: tiểu đường, suy giáp, tăng ure huyết…
4.2. Nguyên nhân gây ra chứng tiền đình trung ương
Nguyên nhân thường gặp nhất là bệnh migraine. Ngoài ra còn do các bệnh như nhiễm trùng não, nhồi máu não, xuất huyết não, u não, xơ cứng rải rác, chấn thương…
4.3. Nguyên nhân khác
– Tuổi tác: Những người ở độ tuổi từ 40 có nguy cơ mắc bệnh rối loạn tiền đình cao hơn người trẻ. Do tuổi càng cao, chức năng của một số cơ quan càng suy giảm. Theo thống kê, trung bình 100 người từ 40 tuổi trở lên sẽ có 35 người mắc bệnh tiền đình.
Tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh rối loạn tiền đình
– Mất máu quá nhiều: Mất nhiều máu do chấn thương cũng là nguyên nhân dễ dẫn tới chứng tiền đình. Nôn ra máu, đi ngoài ra máu, phụ nữ sau sinh… cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao.
– Căng thẳng: Stress do công việc hoặc sử dụng quá nhiều các chất kích thích như rượu, bia… cũng dễ mắc bệnh.
5. Cách điều trị hiệu quả chứng rối loạn tiền đình
Để điều trị bệnh hiệu quả, người bệnh cần đi khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường của cơ thể. Khi đi khám, bác sĩ sẽ có chẩn đoán và xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Lựa chọn cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác bệnh
Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên áp dụng các phương pháp điều trị khác để bệnh nhanh thuyên giảm.
– Các bài tập vật lý: Các bài tập vật lý giúp các bộ phận trong cơ thể phối hợp nhịp nhàng. Đồng thời giúp não dễ nhận biết và xử lý các tín hiệu thông suốt.
– Tập luyện thể dục: Duy trì tập luyện thể dục thể thao hằng ngày cũng là cách để phòng ngừa, điều trị bệnh hiệu quả.
– Ăn uống khoa học: Người bệnh cần cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, tăng cường vitamin từ rau xanh, củ quả. Hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh, đồ ăn dầu mỡ, chiên rán…
– Nghỉ ngơi hợp lý: Người bệnh cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức. Không để đầu óc căng thẳng, kết hợp lối sống lành mạnh để tăng cường sức khỏe.
– Sử dụng thuốc: Trong một số trường hợp được bác sĩ chỉ định, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc điều trị. Đặc biệt, cần tuân thủ tuyệt đối liều lượng, hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ.
– Phẫu thuật: Đối với trường hợp bệnh năng, các phương pháp trên không đạt hiệu quả, bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định phẫu thuật.
Bệnh nhân có bất kể dấu hiệu nào của chứng rối loạn tiền đình cũng không nên chủ quan. Khi thấy những triệu chứng bất thường của cơ thể như mất thăng bằng, hoa mắt chóng mặt, ngất, ù tai, nôn ói… người bệnh nên chủ động đến các cơ sở y tế uy tín thăm khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.