Khi dân số Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số, cũng là lúc nỗi lo bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi gia tăng. Theo ước tính, đến năm 2050 số người mắc sa sút trí tuệ tại Việt Nam sẽ tăng lên 1,8 triệu người. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, sa sút trí tuệ có thể trở thành gánh nặng về bệnh tật và kinh tế, cho gia đình và toàn xã hội.
1. Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi ngày càng tăng
Kể từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tỷ lệ người cao tuổi chiếm số lượng lớn trong cơ cấu dân số hiện nay. Theo nhận định Liên Hiệp Quốc, ước tính đến năm 2050 Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Điều này sẽ kéo theo các vấn đề bệnh lý liên quan đến người cao tuổi cũng gia tăng, một trong số đó là bệnh Alzheimer – chứng sa sút trí tuệ. Theo báo cáo, năm 2019 Việt Nam có khoảng 531.000 người mắc sa sút trí tuệ. Con số này được dự đoán là sẽ tăng gấp 3 lần, tức là khoảng 1,8 triệu người vào năm 2050.
Sự gia tăng số lượng người bị sa sút trí tuệ kéo theo gánh nặng về bệnh tật và gánh nặng về chi phí cũng sẽ tăng lên. Đặc biệt là trong bối cảnh dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh như hiện nay.
Ứớc tính, đến năm 2050 số người mắc sa sút trí tuệ tại Việt Nam sẽ tăng lên 1,8 triệu người.
2. Khó khăn trong kiểm soát và điều trị cho người bệnh sa sút trí tuệ
Mặc dù có khoảng 5% người cao tuổi Việt Nam mắc sa sút trí tuệ, nhưng chỉ khoảng 1% trong số đó được quản lý, khám và điều trị.
Sở dĩ có tình trạng này là do hầu hết các trường hợp người cao tuổi đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn nặng. Số người đi khám sớm và được phát hiện sớm rất hạn chế. Chưa kể nhiều trường hợp người bệnh đã khám và phát hiện ra bệnh nhưng lại lơ là, chủ quan, đang điều trị bỏ dở hoặc từ chối điều trị.
Không chỉ xuất phát từ phía người bệnh. Nhiều gia đình cho rằng những biểu hiện nhớ nhớ, quên quên của bố mẹ là do sự lão hóa của tuổi già, đó không phải bệnh lý và dễ bỏ qua. Chỉ đến khi người bệnh bị ảnh hưởng sinh hoạt, lối sống, các chức năng tâm thần kinh, vận động, … khi đó mới đưa tới bệnh viện. Lúc này thì bệnh đã nặng, gây khó khăn cho việc điều trị, bệnh nhân phải chịu nhiều thiệt thòi và gây mệt mỏi cho người chăm sóc.
Thực tế tại nhiều cơ sở khám và điều trị bệnh sa sút trí tuệ chia sẻ, có những bệnh nhân đến khám sau 2 năm kể từ khi có biểu hiện sa sút trí tuệ. Lúc này chức năng nhận thức của người bệnh bị rối loạn nặng mới đến khám.
3. Dấu hiệu sa sút trí tuệ ở người cao tuổi
Đặc trưng của sa sút trí tuệ là rối loạn về nhận thức và rối loạn về hành vi tâm thần. Khi người bệnh được phát hiện sớm các triệu chứng ở giai đoạn đầu, thì hiệu quả điều trị càng cao.
Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi trải qua 4 giai đoạn:
3.1 Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi – giai đoạn nhẹ
Ở giai đoạn này có thể chia ra gồm các giai đoạn nhỏ như: không suy giảm, suy giảm rất nhẹ và suy giảm nhẹ.
– Giai đoạn không suy giảm: các biểu hiện sa sút trí tuệ hầu như không thể phát hiện được. Người bệnh hầu như không có vấn đề về trí nhớ hoặc các triệu chứng nào khác của sa sút trí tuệ. Đây là giai đoạn bệnh đang âm thầm hình thành và phát triển.
– Giai đoạn suy giảm rất nhẹ: lúc này người bệnh có thể có những vấn đề/biểu hiện nhỏ về trí nhớ hoặc mất đồ đạc xung quanh nhà. Nếu bạn tập trung quan sát và để ý kỹ có thể nhận thấy một vài biểu hiện nghi ngờ, nhưng thường không chắc chắn. Đây là giai đoạn bệnh tiếp tục tiến triển.
– Giai đoạn suy giảm nhẹ: các biểu hiện đã bắt đầu ràng hơn. Người bệnh sa sút trí tuệ ở giai đoạn này thường hay làm mất đồ đạc, kể cả những tài sản có giá trị.
Ở giai đoạn này có thể chia ra gồm các giai đoạn nhỏ như: không suy giảm, suy giảm rất nhẹ và suy giảm nhẹ.
3.2 Giai đọa trung bình
Các biểu hiện về nhận thức và hành vi của người bệnh ở giai đoạn này được bộc lộ một cách rõ ràng. Cụ thể, như người bệnh có thể gặp khó khăn với số học đơn giản. Không nhớ được bữa sáng đã ăn những gì. Không có khả năng quản lý tài chính và thanh toán hóa đơn. Có thể quên vài chi tiết về quá khứ cuộc sống,…
3.3 Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi – giai đoạn nặng
Ở giai đoạn này, người bệnh không nhận thức được môi trường xung quanh. Thường đi lang thang. Không nhận ra bạn bè người thân. Không nhớ lịch sử bản thân. Mất kiểm soát bàng quang và ruột. Thay đổi nhân cách và hành vi.
3.4 Rất nặng
Các triệu chứng ở người bệnh ngày một nặng. Và người bệnh phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác. Ngay kể cả những sinh hoạt cá nhân, ăn, uống, đi lại, … người bệnh đều khó có thể tự mình làm được.
Trên thực tế, hầu hết bệnh nhân đến viện ở giai đoạn trung bình trở lên. Lúc này xuất hiện rối loạn nhận thức như khả năng nói chuyện, mất sử dụng động tác, loạn thần, hoang tưởng. Thậm chí có nhiều người mắc bệnh nặng quên cả ăn, nhịn đói vài ngày dẫn tới tụt đường huyết, suy dinh dưỡng hoặc cũng có người ăn vô tội vạ, ăn thái quá. Thậm chí có những người không chịu tắm gội cả tuần, đi lang thang, đêm mất ngủ,…
Người bệnh sa sút trí tuệ nặng không nhận ra mình cũng như người thân (con cái, họ hàng,…), phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác kể cả là những hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
4. Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ là một hội chứng mạn tính, gồm nhiều bệnh. Cho đến hiện nay, chưa có một kết luận nào khẳng định cụ thể nguyên nhân gây sa sút trí tuệ là gì. Nhưng theo các chuyên gia, một số nguyên nhân dưới đây có thể làm khởi phát bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi gồm:
– Bệnh thoái hóa thần kinh: gồm bệnh parkinson, bệnh alzheimer, bệnh huntington, bệnh đa xơ cứng,…
– Rối loạn mạch máu
– Chấn thương sọ não có thể do tai nạn,…
– Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương do HIV, viêm màng não, …
– Não úng thủy
– Sử dụng chất cấm
Hiện nay, mục tiêu điều trị sa sút trí tuệ là điều trị giảm nhẹ triệu chứng, kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Mặc dù không thể điều trị khỏi, nhưng việc điều trị cho người bệnh sa sút trí tuệ là điều cần thiết. Để nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh, giảm nhẹ gánh nặng chăm sóc cho gia đình và gánh nặng chăm sóc cũng như kinh tế cho toàn xã hội.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.