Sinh thiết: Bước cuối cùng để chẩn đoán ung thư

Sinh thiết là thủ tục lấy một số mẫu mô bất thường để quan sát dưới kính hiển vi nhằm xác định chính xác ung thư. Đây là bước cuối cùng trong chẩn đoán, phát hiện ung thư.

1. Tại sao phải làm sinh thiết?

Sinh thiết u tuyến giáp dưới hướng dẫn của siêu âm.

Khi người bệnh có triệu chứng nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán. Các phương pháp như chụp CT, X-quang, siêu âm, v.v. có thể giúp xác định các bất thường như khối u, vị trí và kích thước khối u, nhưng không thể phân biệt được giữa u lành tính và ác tính. Do đó, sinh thiết được chỉ định nhằm loại bỏ một số mô tại khu vực nghi ngờ và quan sát dưới kính hiển vi, để kết luận xem có tế bào ung thư hay không.

Ví dụ, nếu một người phụ nữ có khối u ở vú, chụp X-quang vú sẽ xác định được khối u, nhưng sinh thiết là cách duy nhất để xác định xem đó là ung thư vú hay 1 tình trạng khác không phải ung thư, chẳng hạn như xơ hóa, hay u nang…

Tham khảo:  đau tức ngực phải có phải ung thư phổi không

2. Các loại sinh thiết

Sinh thiết tủy xương

Có nhiều loại sinh thiết khác nhau, tùy theo mỗi tình trạng và diện tích của vùng nghi ngờ mà bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp phù hợp. Đối với hầu hết các loại sinh thiết, người bệnh sẽ được gây tê để giảm đau.

Sinh thiết tủy xương: Nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh có vấn đề về máu, chẳng hạn như bệnh bạch cầu, thiếu máu, nhiễm trùng, ung thư hạch bạch huyết… người bệnh sẽ cần làm sinh thiết tủy xương. Xét nghiệm này cũng được sử dụng để kiểm tra xem các tế bào ung thư xuất phát từ nơi khác trong cơ thể đã di căn tới xương hay chưa.
Sinh thiết nội soi: được sử dụng để tiếp cận mô bên trong cơ thể nhằm thu thập mẫu từ những nơi như bàng quang, đại tràng, hoặc phổi.
Sinh thiết bằng kim: được sử dụng để lấy mẫu da, hoặc bất kỳ mô nào dễ tiếp cận dưới da. Các loại sinh thiết kim khác nhau bao gồm:

  • Sinh thiết kim lõi: sử dụng kim cỡ trung bình để chiết ra một cột mô.
  • Sinh thiết kim nhỏ: sử dụng một kim nhỏ gắn vào một ống tiêm, cho phép lấy chất lỏng và tế bào ra.
  • Sinh thiết dưới hướng dẫn của các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT… cho phép bác sĩ có thể tiếp cận các khu vực cụ thể, chẳng hạn như phổi, gan, hoặc các cơ quan khác.
  • Sinh thiết hỗ trợ hút chân không sử dụng hút chân không để thu thập tế bào.

Sinh thiết da: Nếu bạn có phát ban hoặc tổn thương trên da, đã điều trị nhưng không đáp ứng điều trị, và không tìm ra nguyên nhân chính xác, bác sĩ cũng yêu cầu sinh thiết vùng da này. Trước khi thực hiện, người bệnh được gây tê, sau đó bác sĩ sẽ loại bỏ 1 phần nhỏ của da để gửi tới phòng thí nghiệm, để xác định các nguyên nhân như nhiễm, trùng, ung thư, viêm các cấu trúc da…
Sinh thiết phẫu thuật: Ở một số trường hợp, các phương pháp mô tả ở trên không thể thực hiện do không đảm bảo an toàn, hoặc các kết quả sinh thiết cho âm tính nhưng vẫn nghi ngờ ung thư. Ví dụ như, khối u ở vùng bụng gần động mạch chủ, bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy mẫu sinh thiết bằng cách thực hiện qua vết mổ truyền thống.

3. Sinh thiết có rủi ro nào không?

Bất kỳ quy trình y khoa nào liên quan đến việc xâm nhập vào da đều có nguy cơ nhiễm trùng hoặc chảy máu. Tuy nhiên, do vết rạch trong sinh thiết rất nhỏ, đặc biệt là sinh thiết bằng kim, nên nguy cơ này rất thấp.

4. Làm thế nào để chuẩn bị cho sinh thiết

Sinh thiết nốt ruồi trên da.

Đối với mỗi loại sinh thiết sẽ có những yêu cầu chuẩn bị khác nhau, bác sĩ sẽ hướng dẫn trực tiếp người bệnh trước khi thực hiện.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cần cho bác sĩ biết bạn đang dùng những loại thuốc nào bởi nhiều trường hợp cần ngừng thuốc trước khi sinh thiết ví dụ như thuốc aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid.

5. Sau sinh thiết

Nếu kết quả có dấu hiệu ung thư, bác sĩ của bạn sẽ có thể cho biết loại ung thư và mức độ xâm lấn. Ngoài ra, người bệnh có thể phải làm thêm các chẩn đoán khác để tìm hiểu mức độ lan rộng của ung thư, từ đó sẽ được tư vấn điều trị phù hợp.

Nếu kết quả âm tính nhưng bác sĩ vẫn còn nghi ngờ ung thư hay các tình trạng khác thì bác sĩ có thể chỉ định loại sinh thiết khác.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *