Suy nút xoang tim là hội chứng thường gặp ở những người trên 50 tuổi, có thể dẫn tới choáng, ngất, thậm chí đột tử. Tuy nhiên, nhiều người chưa thực sự có kiến thức về căn bệnh này. Vậy suy nút xoang là gì? Làm thế nào để chẩn đoán và điều trị bệnh suy nút xoang? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
1. Suy nút xoang tim là gì?
Nút xoang tim là một bộ phận của tim và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhịp đập của tim. Nút xoang được định vị ở thành của tâm nhĩ phải, ngay phía ngoài chỗ nối của tĩnh mạch chủ trên vào nhĩ phải.
Nút xoang phát xung động và truyền khắp quả tim, điều khiển hoạt động co bóp của tim. Cụ thể: Từ nút xoang, xung động điện học được dẫn truyền đến 2 buồng tâm nhĩ và kích thích tâm nhĩ co bóp tống máu từ nhĩ xuống thất. Sau đó xung động được dẫn truyền xuống thất nhờ nút nhĩ thất. Tại nút nhĩ thất, tốc độ dẫn truyền bị chậm lại sau đó truyền xuống 2 buồng thất. Khi đến hai buồng tâm thất, xung động lan ra kích thích cơ tâm thất co bóp, bơm máu vào hệ thống động mạch chủ đi nuôi cơ thể và động mạch phổi để máu trao lấy O2, thải CO2.
Suy nút xoang là hiện tượng rối loạn chức năng của nút xoang tim
Suy nút xoang còn gọi là hội chứng nút xoang bệnh lí, rối loạn chức năng nút xoang, bệnh nút xoang… Đây là một hội chứng lâm sàng gây nên do rối loạn chức năng nút xoang với nhiều bất thường như:
– Rối loạn hình thành xung động tại nút xoang
– Rối loạn dẫn truyền xung động từ nút xoang ra cơ nhĩ
– Suy yếu chức năng tạo nhịp của các chủ nhịp dưới nút xoang
– Tăng tính nhạy cảm của cơ nhĩ nên dễ xuất hiện các rối loạn nhịp nhanh nhĩ
Các rối loạn trên có thể gây ra các dạng suy nút xoang bao gồm:
– Nhịp chậm xoang
– Block xoang nhĩ
– Hội chứng nhịp nhanh nhịp chậm
2. Nguyên nhân gây suy nút xoang tim
Suy nút xoang tim có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng đa số gặp ờ những người trên 50 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ là tương đương. Các nguyên nhân gây suy nút xoang rất đa dạng, được chia thành 2 nhóm chính:
2.1 Các nguyên nhân nội sinh
Là những nguyên nhân tổn thương thực tổn tại nút xoang, bao gồm:
– Thoái hoá
– Thiếu máu cơ tim cục bộ
– Bệnh cơ tim
– Chấn thương nút xoang sau các phẫu thuật tim
– Nhiễm trùng như viêm màng ngoài tim, thấp tim…
2.2 Các nguyên nhân ngoại sinh gây suy nút xoang tim
Đôi khi, chức năng nút xoang bị rối loạn do những nguyên nhân bên ngoài tác động lên nút xoang, thường gặp nhất là:
– Do thuốc: chẹn beta giao cảm, chẹn kênh calci, các thuốc chống loạn nhịp tim…
– Do rối loạn điện giải: hạ kali máu, hạ can-xi máu…
– Suy giáp
– Tăng áp lực nội sọ
Viêm màng tim là một trong những nguyên nhân gây suy nút xoang tim
3. Chẩn đoán hội chứng nút xoang tim
3.1 Chẩn đoán lâm sàng
Chức năng nút xoang bị rối loạn dễ dẫn đến nhịp tim quá chậm, nhịp nhanh kịch phát hoặc biến chứng tắc mạch do rung nhĩ. Do vậy, bệnh nhân thường có các triệu chứng của tình trạng thiếu máu não, thiếu máu cơ tim… Cụ thể là:
– Ngất, thoáng ngất, chóng mặt
– Mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức
– Hồi hộp trống ngực do xuất hiện rung nhĩ, cuồng nhĩ, nhịp nhanh nhĩ
– Có cảm giác tim đập rất chậm hoặc hầu như không đập sau cơn hồi hộp. Đặc biệt trong trường hợp có hội chứng tim nhanh – chậm.
– Đau ngực
– Khó thở
– Một số trường hợp bệnh gây ra tai biến mạch não, tắc mạch chi…do tắc mạch ở bệnh nhân suy nút xoang có rung nhĩ
3.2 Chẩn đoán cận lâm sàng giúp phát hiện chính xác bệnh suy nút xoang tim
Các triệu chứng lâm sàng kể trên có thể xuất hiện không thường xuyên, lúc có, lúc không khiến người bệnh dễ bỏ qua. Tuy nhiên bệnh có thể được xác định chính xác nhờ các chẩn đoán cận lâm sàng.
Điện tâm đồ
Điện tâm đồ là phương pháp thường được dùng để chẩn đoán suy nút xoang.
Nhịp chậm xoang là triệu chứng thường gặp và xuất hiện sớm nhất ở những người mắc bệnh này. Ở những người bị suy nút xoang, nhịp chậm xoang có những đặc điểm sau:
– Nhịp chậm thường xuyên
– Nhịp tim chậm và không tăng nhiều khi gắng sức
– Nhịp xoang chậm kèm theo có triệu chứng ngừng xoang, nghỉ xoang, block xoang nhĩ các mức độ, rối loạn nhịp, ngừng xoang dài, rung nhĩ không do dùng thuốc
Tuy nhiên, các triệu chứng trên không đặc hiệu. Có những trường hợp chỉ xuất hiện từng thời điểm ngắn, còn lại nhịp tim của bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Chính vì vậy, đề phát hiện được những triệu chứng trên cần phải ghi điện tâm đồ liên tục bằng Holter điện tâm đồ hoặc các loại máy theo dõi điện tim khác.
Holter điện tâm đồ là một phương pháp chẩn đoán bệnh suy nút xoang hiệu quả
Nghiệm pháp atropin
Người bệnh được tiêm tĩnh mạch atropin và đánh giá nhịp tim 30 phút sau tiêm. Nếu kết quả dương tính với nhịp tim < 90ck/ph hoặc nhịp tim tăng < 20% so với nhịp tim trước tiêm atropin thì có thể bệnh nhân bị suy nút xoang.
Thăm dò điện sinh lí tim
Đây một kỹ thuật thăm dò xâm lấn nhằm nghiên cứu, ghi lại hoạt động điện của tim dưới dạng bản đồ. Phương pháp này cho phép đánh giá chức năng nút xoang. Bên cạnh đó có thể đánh giá chức năng nút nhĩ thất, giúp phát hiện các rối loạn nhịp tim kèm theo trong hội chứng suy nút xoang.
4. Điều trị suy nút xoang
Do các triệu chứng không đặc hiệu nên thông thường người bệnh chỉ phát hiện ra bệnh qua thăm khám định kỳ hoặc khi có biểu hiện ngất, thoáng ngất. Để xử lý các trường hợp cấp tính, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc có tác dụng ổn định nhịp tim. Phổ biến nhất là Atropin, Dopamin, Dobutamin, Isoproterenol, Adrenalin…
Lưu ý các loại thuốc này chỉ có tính tham khảo và cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Người bệnh nên đi khám để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và kê đơn chính xác, tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Đặc biệt nếu nghi ngờ nguyên nhân gây suy nút xoang là do các loại thuốc làm chậm nhịp tim, thuốc điều trị suy giáp,… thì bạn cần ngưng dùng thuốc ngay hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh loại thuốc phù hợp.
Trong những trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể phải sử dụng các thiết bị hỗ trợ để cải thiện nhịp tim theo chỉ định của bác sĩ.
Như vậy, suy nút xoang tim là một hội chứng không quá nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị sớm. Hãy duy trì thăm khám định kỳ và đừng bỏ qua những dấu hiệu dù là nhỏ nhất để bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.