Dựa vào vị trí, giới chuyên môn chia suy tim thành suy tim trái và suy tim phải. Trong đó, suy tim trái thường phổ biến hơn suy tim phải và có thể là nguyên nhân dẫn đến suy tim phải. Vậy, suy tim trái là gì, nguyên nhân gây bệnh và cách phát hiện sớm mời các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây!
1. Suy tim trái là tình trạng gì?
Tim trái là phần ở bên trái quả tim, có nhiệm vụ mang máu giàu oxy từ phổi qua tâm nhĩ trái đến tâm thất trái sau đó được vận chuyển đi khắp cơ thể. Khi tim trái bị tổn thương và không thể bơm máu hiệu quả, quá trình này sẽ bị gián đoạn gây ảnh hưởng đến hoạt động của tim nói riêng và của các cơ quan trong cơ thể nói chung. Tình trạng này được gọi là suy tim trái.
Bệnh lại được chia thành 2 dạng nhỏ hơn gồm: suy tâm thu và suy tâm trương.
– Suy tâm thu: Là tình trạng tâm thất trái không thể co thắt bình thường khiến tim không thể đẩy đủ máu đi vào vòng tuần hoàn.
– Suy tâm trương: Trường hợp cơ tim bị co cứng khiến tâm thất trái không giãn đủ, không bơm được đầy máu giữa các nhịp đập của tim.
Nếu không được kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa biến chứng, suy tim trái có thể gây ra các vấn đề như:
– Rối loạn nhịp tim: Điển hình là nhịp nhanh thất và rung nhĩ
– Hở van tim
– Tăng áp động mạch phổi
– Suy chức năng gan, thận…
– Suy tim kháng trị
– Đột tử hoặc tử vong
– Đột quỵ não hoặc tắc mạch do cục máu đông trong tim
– Thiếu máu
– Trầm cảm hoặc lo lắng
Suy tim trái là tình trạng phần tim bên trái suy yếu.
2. Các triệu chứng của người bị suy tim trái
Các chuyên gia cho biết, người bệnh suy tim trái giai đoạn đầu có thể không nhận thấy các dấu hiệu của bệnh. Các triệu chứng nhẹ khiến bạn nghĩ tới một số bệnh lý khác như dị ứng, nghẹt mũi, khó tiêu, cảm lạnh… Chỉ khi tim yếu dần, người bệnh mới có triệu chứng của sung huyết phổi và ứ máu ở ngoại biên, bao gồm:
– Đau, tức ngực
– Mệt mỏi, yếu sức
– Khó thở, thở nông khi gắng sức, khi nằm xuống
– Khó thở kịch phát về đêm khiến người bệnh khó ngủ
– Nhịp tim nhanh, loạn nhịp
– Sưng phù ngoại vi, thường ở bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân
– Tăng cân không rõ nguyên nhân, có thể do phù
– Buồn nôn hoặc nôn, đầy bụng, chán ăn, đau thượng vị, gan to
– Ho khan dai dẳng, thở khò khè
– Đi tiểu nhiều, đặc biệt vào ban đêm.
Trong các triệu chứng trên khó thở là một trong những dấu hiệu suy tim điển hình nhất. Vì khi tim trái suy, không đáp ứng đủ nhu cầu máu của cơ thể, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Điều này có thể gây tích tụ dịch trong cơ thể, đặc biệt là ở phổi, gây khó thở.
3. Nguyên nhân gây suy tim trái
Các nguyên nhân chủ yếu gây suy tim bên trái gồm:
3.1 Tăng huyết áp
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng suy tim tâm trương. Huyết áp cao trong một thời gian dài khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, trở nên dày và cứng hơn và giảm khả năng thư giãn giữa các nhịp.
3.2 Tiểu đường
Lượng đường trong máu cao dẫn đến xơ cứng các mạch máu. Tim phải làm việc nhiều hơn làm cho cơ dày lên.
3.3 Bệnh động mạch vành
Bệnh mạch vành gây tắc nghẽn khiến máu đến nuôi cơ tim ít hơn. Các tế bào cơ tim bị thiếu máu và oxy có thể chết đi khiến trái tim không thư giãn và nạp đầy máu được như bình thường.
3.4 Viêm màng ngoài tim
Màng ngoài tim là lớp màng mỏng bao quanh tim. Tình trạng viêm ở màng này cũng là nguyên nhân dẫn tới hạn chế khả năng đổ đầy máu của tim.
Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến tim trái suy yếu.
3.5 Ít vận động
Ít hoạt động thể chất có thể làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao, đái tháo đường, bệnh mạch vành và béo phì… làm tăng nguy cơ suy tim tâm trương.
3.6 Ngưng thở khi ngủ
Tình trạng ngừng thở trong khi ngủ có thể dẫn đến một loạt thay đổi trong cơ thể. Cụ thể là tăng huyết áp, giảm cung cấp oxy đến tim trong đó khi kích thích hoạt động của hệ thần kinh. Những thay đổi này làm cho bạn có nguy cơ cao bị suy tim trái cũng như các bệnh tim mạch khác.
Ngoài ra, một số nguyên nhân gây suy tim tâm thu và suy tim tâm trương gồm:
– Rối loạn chức năng tâm thu: Bệnh cơ tim giãn vô căn, bệnh mạch vành, tăng huyết áp tăng, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh.
– Rối loạn chức năng tâm trương: Huyết áp cao, thừa cân béo phì, bệnh mạch vành, bệnh cơ tim, bệnh màng ngoài tim, đái tháo đường, rung nhĩ, ngưng thở khi ngủ.
4. Chẩn đoán bệnh suy tim
Để chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi triệu chứng, bệnh sử kết hợp các phương pháp cận lâm sàng như:
– Điện tâm đồ ECG
– X-quang tim phổi
– Siêu âm tim qua thành ngực
– Holter điện tâm đồ 24 giờ
– Chụp MSCT động mạch vành
– Chụp MRI tim
– Xét nghiệm máu tổng quát và các chỉ số quan trọng
Khám với chuyên gia và thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng giúp phát hiện sớm suy tim.
5. Điều trị suy tim
Suy tim nói chung và suy tim trái nói riêng là một bệnh mãn tính người bệnh cần được quản lý suốt đời. Với việc điều trị giúp các dấu hiệu và triệu chứng được cải thiện, tim trở nên khỏe hơn, chức năng tim hồi phục
Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc như:
– Thuốc ức chế men chuyển (ACE)
– Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II
– Thuốc chẹn beta
– Thuốc lợi tiểu
– Thuốc đối kháng Aldosterone
– Thuốc tăng co bóp cơ tim
Bên cạnh đó một số thuốc khác có thể được dùng như nitrat (giảm cơn đau thắt ngực), statin (giảm cholesterol) hoặc thuốc làm loãng máu, chống cục máu đông…
Bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối đơn thuốc và báo với bác sĩ nếu muốn thay đổi đơn thuốc hay có những phản ứng bất thường.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần sử dụng các thiết bị hỗ trợ hoặc phẫu thuật để điều trị nguyên nhân suy tim.
Những thông tin trên đây hi vọng đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh suy tim trái. Khi thấy các triệu chứng của bệnh, không nên chủ quan mà hãy khám chuyên khoa Tim mạch sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.