Hóa trị là một liệu pháp điều trị ung thư hiệu quả, có khả năng loại bỏ, ngăn chặn các tế bào ung thư trong cơ thể phát triển, từ đó giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, có một số tác dụng phụ hóa trị ung thư gây ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh sau khi sử dụng.
1. Hóa trị ung thư là gì?
Hóa trị ung thư hay hóa trị liệu là phương pháp được sử dụng trong điều trị ung thư bằng cách đưa một hoặc nhiều loại thuốc kháng ung thư vào cơ thể người bệnh nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư đang tăng trưởng và phát triển.
Thuốc hóa trị được đưa vào cơ thể theo nhiều đường khác nhau, và chủ yếu là qua đường truyền và đường uống. Trong quá trình điều trị, hóa trị liệu cũng sẽ được áp dụng theo nhiều phương hướng dựa trên loại bệnh, giai đoạn, kích thước khối u, sức khỏe, tuổi tác… của từng người bệnh, để từ đó bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện hóa trị đơn lẻ hoặc trước/ sau phãu thuật, sau xạ trị…
Hóa trị liệu cho bệnh nhân ung thư là phương pháp điều trị phổ biến, kết hợp với xạ trị, phẫu thuật sẽ giúp tăng hiệu quả của quá trình điều trị
2. Các tác dụng phụ xảy ra với cơ thể khi thực hiện hóa trị ung thư
Khác với xạ trị hoặc phẫu thuật chỉ tác động vào một vùng trên cơ thể, hóa trị liệu có thể theo máu đi đến khắp cơ thể. Vì thế không chỉ tiêu diệt tế bào ác tính, mà còn có thể ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh, phát triển nhanh như: tế bào da, tóc, ruột và tủy xương… do vậy dễ dẫn đến một số tác dụng phụ ở người bệnh.
Vậy nên thuốc hóa trị cũng thường sử dụng theo liệu trình có giai đoạn nghỉ ngơi để giữ sức khỏe, giúp các tế bào lành tính có thời gian phục hồi, và đảm bảo trong thời gian đó tế bào ác tính không phát triển hoặc gia tăng.
Ngoài ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến cơ thể mỗi bệnh nhân là khác nhau. Dưới đây là một số ảnh hưởng chính của liệu pháp hóa trị đối với cơ thể bệnh nhân ung thư là:
2.1 Ảnh hưởng tới hệ tuần hoàn và hệ miễn dịch
Thuốc hóa trị điều trị ung thư khi được đưa vào cơ thể có thể gây hại cho các tế bào tủy xương, chết tế bào máu ngoại biên gây ra tình trạng thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu… Điều này dễ dẫn đến các tình trạng như cơ thể suy nhược, mệt mỏi, cơ thể trở nên yếu, da xanh dao.
Bên cạnh đó việc các tế bào bạch cầu bị suy giảm cũng khiến có thể dễ bị các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm xâm hại, hệ miễn dịch trở nên suy yếu, do đó cơ thể sẽ dễ mắc bệnh và dễ bị nhiễm trùng. Giảm tiểu cầu khi thực hiện hóa trị cũng là một trong những tác dụng phụ hóa trị ung thư mà người bệnh có thể gặp phải, điều này dẫn đến tình trạng chảy máu hoặc bầm tím.
2.2 Tác dụng phụ của hóa trị ung thư với hệ thần kinh và cơ
Một trong những tác dụng phụ của hóa trị ung thư đối với người bệnh là ảnh hưởng đến vấn đề trí nhớ như suy giảm nhận thức, khó khăn trong việc suy nghĩ
Và người bệnh có thể sẽ khó tập trung vào mọi việc hoặc khó khăn khi phải tập trung suy nghĩ, dễ bị căng thẳng, âu lo… Bên cạnh đó một số hóa chất cũng có thể làm ảnh hưởng tới cơ gây ra các triệu chứng run, tê, đau nhức, ngứa ở tay chân, châm chích các đầu chi…
Vận động, luyện tập thể dục thể thao hàng ngày sẽ giúp cơ thể người bệnh khỏe mạnh hơn, tăng sức đề kháng, chức năng hoạt động linh hoạt…
2.3 Tác dụng phụ của hóa trị ung thư với hệ tiêu hóa
Hệ tiêu hóa là khu vực có nhiều cơ quan ảnh hưởng bởi hóa trị, trong đó có một số tác dụng phụ điển hình thường thấy đó là:
– Viêm niêm mạc khiến khó khăn trong việc ăn uống, nạp thức ăn vào cơ thể. Người bệnh có thể đau họng, khô miệng gây khó nhai và nuốt, dễ bị chảy máu hoặc nhiễm trùng, lở miệng, lưỡi xuất hiện lớp màu trắng vàng, miệng có mùi vị kim loại.
– Người bệnh có cảm giác buồn nôn, nôn mửa, tình trạng này có thể kéo dài vài ngày sau điều trị.
– Xảy ra tình trạng tiêu chảy phân lỏng hoặc nước, đại tiện nhiều lần trong ngày; táo bón khó đi, đầy hoặc căng tức bụng
– Bệnh nhân ăn không có cảm giác ngon miệng, chán ăn, thấy no mặc dù không ăn nhiều.
2.4 Tác dụng phụ ảnh hưởng tới lông, tóc và móng
Lông, tóc, móng là các tế bào có khả năng tăng sinh nhanh, trong khi đó cơ chế của thuốc kháng ung thư là tiêu diệt các tế bào có khả năng sinh sản và tăng trưởng nhanh, như tế bào ung thư. Vậy nên thuốc cũng ảnh hưởng đến những tế bào có khả năng tăng trưởng khá nhanh trong cơ thể như: tế bào biểu bì, nang lông, móng,… thường gặp nhất là gây rụng tóc, rụng lông ở các bộ phận trên cơ thể.
Tuy nhiên tác dụng phụ này chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn, lông và tóc có thể tự mọc lại sau khi kết thúc hóa trị khoảng 1-2 tháng. Hiếm gặp hơn là sau nhiều năm hóa trị mạnh, nang lông ngừng hoạt động, ngăn không cho tóc mọc lại, từ đó dẫn tới nguy cơ cao bị hói đầu vĩnh viễn.
Ngoài ra, một số bệnh nhân bị kích ứng da nhẹ như khô da, ngứa, phát ban, hoặc tăng sự nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Đối với móng tay, móng chân có thể chuyển sang màu nâu hoặc vàng và dễ gãy. Có trường hợp nghiêm trọng là móng tay, móng chân sẽ bị bong tróc ra khỏi tay, chân.
Rụng tóc là tác dụng phụ dễ gặp ở nhiều bệnh nhân ung thư sử dụng hóa trị liệu
2.5 Tác dụng phụ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản
Thuốc hóa trị có thể gây ảnh hưởng đến hormone ở cả nam giới và nữ giới. Ờ nữ giới việc thay đổi nội tiết tố có thể dẫn đến nóng trong cơ thể, chu kỳ kinh nguyệt không đều, mãn kinh, khô âm đạo… Ở nam giới một số loại thuốc có thể làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, có thể gây vô sinh tạm thời hoặc vĩnh viễn.
3. Cách giảm nhẹ các tác dụng phụ trên cơ thể khi sử dụng hóa trị
Để hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn do hóa trị ung thư gây ra thì bệnh nhân nên thực hiện những lời khuyên theo hướng dẫn của bác sĩ, trong đó gồm có:
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ các nhóm chất, không nên kiêng khem, mà nên cố gắng ăn uống để bổ sung đủ năng lượng cho quá trình điều trị bệnh. Nên sử dụng các thực phẩm như ngũ cốc, trái cây, rau củ giàu vitamin,
hạn chế thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa, muối. Ngoài ra bệnh nhân nên tích cực uống nhiều nước, các loại nước trái cây, nước điện giải để tránh cơ thể bị mất nước.
– Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, ăn từng ít một, và nên ăn thức ăn mềm dễ tiêu hóa. Duy trì vận động nhẹ nhàng trước bữa ăn để kích thích sự thèm ăn.
– Kết hợp vệ sinh răng miệng hàng ngày để cải thiện tình trạng miệng có vị lạ.
– Thường xuyên vận động luyện tập bằng các bài tập nhẹ nhàng, có cường độ vừa phải phù hợp với mỗi người bệnh để nâng cao thể trạng sức khỏe, giúp tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế căng thẳng, lo âu khi điều trị ung thư.
– Luôn giữ tâm lý thoải mái tích cực để vượt qua bệnh tật, tránh làm cơ thể suy kiệt..
– Tuân thủ phác đồ điều trị, ghi lại chi tiết các tác dụng phụ hóa trị ung thư và thông báo với bác sĩ trực tiếp điều trị khi thăm khám hoặc ngay khi có các dấu hiệu bất thường.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.