Nói đến tai biến mạch máu não hẳn nhiều người giật mình lo sợ. Bởi đây là một trong các nguyên nhân gây tử vọng và tàn tật hàng đầu hiện nay. Hơn nữa, bệnh lại khá phổ biến trong xã hội hiện đại. Vậy tai biến mạch máu não do đâu, ai dễ gặp phải và cách phòng ngừa, điều trị ra sao?
1. Tai biến mạch máu não là gì?
Bệnh tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ não có tỷ lệ tử vong rất cao trên thế giới. Trường hợp không gây tử vong cũng sẽ để lại nhiều di chứng nghiêm trọng. Bệnh tai biến mạch máu não được chia thành hai dạng: Nhồi máu não và xuất huyết não, màng não. Trong đó:
Nhồi máu não: Chiếm khoảng 80% trường hợp tai biến (đột quỵ). Đây là tình trạng một phần não bị tạm ngưng hoạt động hoặc suy giảm hoạt động môt cách nặng nề. Vì vậy, vùng não đó bị thiếu oxy và dinh dưỡng. Lượng máu đến nuôi các tế bào thần kinh bị thiếu hụt, gây ra cơn tai biến.
Xuất huyết não, màng não: Chiếm khoảng 20% trường hợp tai biến, xảy ra khi mạch máu chảy vào nhu mô hoặc não thất bị vỡ, khiến các tế bào lành bị chèn ép.
Việc phát hiện bệnh hiện nay ngày càng chính xác hơn nhờ sự ra đời và phát triển của các phương tiện chẩn đoán hiện đại.
Méo miệng, liệt một bên mặt là 2 trong số các dấu hiệu FAST cảnh báo tai biến
2. Nguyên nhân gây ra cơn tai biến
Trường hợp nhồi máu não (thiếu máu não cục bộ): Do hình thành cục máu đông trong lòng động mạch não, gây hẹp và xơ vữa động mạch. Dòng máu đến nuôi não bị tắc trong các mạch máu sẽ gây ra vùng hoại tử và thiếu máu não.
Xuất huyết não – màng não: Do ảnh hưởng của bệnh tăng huyết áp, bệnh MoyaMoya, bệnh lý tinh bột hoặc do vỡ dị dạng mạch máu não gây rách thành động mạch khiến máu chảy vào trong nhu mô não hay não thất. Trường hợp chảy máu màng não hay chảy máu khoang dưới nhện xảy ra do vỡ túi phình động mạch não.
Nguyên nhân ban đầu của các dạng tai biến trên do lối sống ít vận động, làm việc với áp lực cao, đặc biệt ở người trẻ. Cùng với đó là tác động từ các bệnh lý liên quan đến mạch máu như tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, rối loạn lipid máu.
3. Triệu chứng tai biến mạch máu não
Người bị tai biến mạch não thường có các dấu hiệu cảnh báo bao gồm: đau đầu, chóng mặt, tê yếu tay chân (thường ở một bên), nói vô nghĩa ú ớ, méo miệng, hôn mê, co giật.
Khi thấy các dấu hiệu trên, cần đưa bệnh nhân vào viện sớm để khám và điều trị kịp thời. “Thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ não là trong vòng 3 giờ đầu tiên. Bệnh nhân càng được cấp cứu sớm, cơ hội phục hồi càng tăng. Nếu quá thời gian cửa sổ điều trị, bệnh nhân có thể xuất hiện các biến chứng dẫn đến tàn phế nặng nề hoặc tử vong.
Đặc biệt lưu ý các dấu hiệu FAST điển hình có ý nghĩa cảnh báo tai biến: thay đổi giọng nói, méo miệng, yếu tay chân. Lúc này người nhà hoặc người phát hiện cần đưa bệnh nhân nhập viện ngay để được cấp cứu kịp thời.
tai biến mạch não thường có các dấu hiệu cảnh báo bao gồm: đau đầu, chóng mặt…
4. Những ai dễ bị tai biến mạch máu não?
4.1. Người mắc bệnh cao huyết áp dễ bị tai biến mạch máu não
Huyết áp tăng cao gây tổn thương thành mạch máu và làm tăng khả năng thẩm thấu các lipoprotein máu vào thành mạch. Từ đó gây xơ vữa động mạch.
4.2. Nguy cơ cao tai biến mạch máu não ở người bị tiểu đường
Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ thiếu máu não cục bộ. Từ đó dễ dẫn đến tình trạng tai biến mạch não
4.3. Người mắc bệnh tim mạch:
Tình trạng thiếu máu não dễ xảy ra do một số bệnh tim mạch như: nhồi máu cơ tim, hẹp van hai lá, rung nhĩ, thông liên nhĩ, phình thành nhĩ, viêm màng tim, bệnh về cơ tim, xơ vữa động mạch cảnh. Trong đó, xơ vữa động mạch cảnh là một trong những nguyên nhân chính gây nhồi máu não. Tình trạng xơ vữa gây dính kết tiểu cầu và hồng cầu. Từ đó dần dẫn tới tình trạng tắc mạch.
4.4. Người bị bệnh mỡ máu (tăng lipid máu):
Căn bệnh này sẽ dễ gây xơ vữa động mạch hơn.
4.5. Người có thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu:
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ nhồi máu não. Thành phần trong thuốc lá làm giảm nồng độ HDL trong máu, gây tổn thương thành động mạch, tạo điều kiện cho vữa xơ động mạch phát triển. Với người uống nhiều rượu, chất cồn vào cơ thể nhiều và thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc rượu cấp hoặc mạn tính. Đây là tác nhân gây tai biến mạch não.
4.6. Người có tiền sử bị đột quỵ và thiếu máu não thoáng qua:
Thiếu máu não thoáng qua nếu xuất hiện nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ tai biến, đột quỵ não. Tiền sử đột quỵ sẽ có nguy cơ tái phát, đặc biệt khi có tác động của tình trạng thiếu máu não thoáng qua.
4.7. Người thừa cân, béo phì:
Những người này dễ mắc các bệnh tim mạch nên cũng có nguy cơ cao bị tai biến.
5. Các lưu ý quan trọng khi phát hiện người bị tai biến
Khi phát hiện người bị tai biến, cần gọi xe cấp cứu ngay. Trong khi chờ xe đến, nếu người bệnh tỉnh và người phát hiện nhận biết được bên bị ảnh hưởng. Cần đặt người bệnh nằm nghiêng về bên lành, đầu nâng lên nhẹ.
Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn hoặc uống.
Kiểm tra đường thở nhằm lấy ra các dị vật hoặc lau đờm dãi trong miệng để tránh gây khó thở.
Nếu người bệnh có biểu hiện bị liệt, khi vận chuyển cần để nằm nghiêng về bên lành.
Trường hợp không thấy mạch hoặc người bệnh ngưng thở, cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực đến khi tim đập lại (nếu người hỗ trợ biết cách).
Người bị tai biến mạch máu não hay đột quỵ não cần được cấp cứu càng sớm càng tốt
6. Cách phòng ngừa tai biến mạch máu não
Tầm soát bệnh thường xuyên bằng việc thăm khám và thực hiện chụp cộng hưởng từ mạch não. Đây được xem là công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não – tai biến mạch não.
Kiểm soát tốt các bệnh lý dễ gây tai biến như bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường, rối loạn mỡ máu. Đừng quển tái khám định kỳ và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Áp dụng chế độ ăn uống hợp lý: Hạn chế ăn chất béo, tránh ăn mặn, giảm tinh bột, đường trong các bữa ăn hàng ngày. Người có nguy cơ cao cần ăn nhiều rau quả tươi, xanh. Duy trì vận động thể chất hàng ngày vừa sức. Duy trì cân nặng vừa phải, tránh thừa cân, béo phì.
Từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, rượu bia
Nếu nhận thấy có dấu hiệu nghi ngờ cảnh báo tình trạng tai biến cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị ngay.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.