Rất nhiều hậu quả nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng do thiếu máu não gây ra. Nếu bạn hay người thân được chẩn đoán bị thiếu máu não, thì nên điều trị sớm với phương pháp điều trị thiếu máu não hiệu quả. Đồng thời tuân thủ các biện pháp được đưa ra để ngăn ngừa thiếu máu não tái phát. Cùng tìm hiểu bài viết để biết, tại sao thiếu máu não lại nguy hiểm đến vậy?
1. Liệu bạn đã hiểu đúng về thiếu máu não chưa?
Não bộ tuy chỉ chiếm khoảng 2,5% trọng lượng cơ thể bạn. Nhưng chúng cần tới 25% lượng oxy trong hệ tuần hoàn, 15-20% lượng máu từ tim, 25% lượng đường trong máu, để duy trì hoạt động.
Nếu lượng máu cung cấp lên não không đủ, trong một khoảng thời gian ngắn (khoảng 10 giây) các tế bào não (hay còn gọi là các mô não) sẽ bắt đầu rối loạn và lâu hơn chúng sẽ chết (không có khả năng hồi phục).
Thiếu máu não được hiểu một cách đơn giản là: tình trạng giảm tuần hoàn máu lên não (lưu lượng máu lên não), dẫn tới giảm cung cấp oxy và các dưỡng chất cần thiết cho các tế bào não. Điều này gây ảnh hưởng tới cấu trúc, chức năng của một phần hoặc nhiều phần của não.
Nếu định lượng cụ thể thì, khi lượng máu cung cấp cho mỗi 100grams nhu mô não thấp hơn 50ml/phút được gọi là thiếu máu não.
Nhiều người cho rằng ai đó bị thiếu máu thì sẽ thiếu máu não, điều này chưa hẳn đã đúng.
Thiếu máu não là tình trạng giảm tuần hoàn máu lên não (lưu lượng máu lên não), dẫn tới giảm cung cấp oxy và các dưỡng chất cần thiết cho các tế bào não.
2. Tại sao thiếu máu não lại khiến nhiều người lo sợ?
2.1 Tại sao thiếu máu não cấp tính gây nguy hiểm
Cơn thiếu máu não cấp tính gây ra hàng loạt những biến chứng nguy hiểm, trong đó có những biến chứng đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
– Rối loạn tiền đình do lượng máu cung cấp cơ quan tiền đình bị giảm đột ngột.
– Điếc hoặc mất thị lực đột ngột do tắc hoặc co thắt động mạch nuôi ốc tai hoặc nuôi trung tâm võng mạc.
– Đột quỵ (tai biến mạch máu não) do thiếu máu não cấp tính: sự hình thành cục máu đông làm tắc một nhánh động mạch não, khiến máu không lưu thông lên để nuôi vùng não đó. Và do không được tái thông kịp thời sau đó, vùng não bị thiếu máu sẽ rối loạn rồi dẫn đến tổn thương vĩnh viễn. Gây hậu quả nghiêm trọng (nguy cơ tử vong) và để lại nhiều di chứng (di chứng phụ thuộc vào vùng não bị tổn thương do thiếu máu).
– Thiếu máu não cấp tính thoáng qua mặc dù chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn và không để lại di chứng nào. Tuy nhiên, sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ trong tương lai.
Trên thực tế, các trường hợp thiếu máu não cấp tính thường gặp ở người bị dư cân béo phì, ít vận động như dân văn phòng, người lao động trí óc, người mắc bệnh tiểu đường, mỡ máu cao,…
Thiếu máu não kéo dài dễ kéo theo một loạt bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ, suy giảm trí nhớ,….
2.2 Tại sao thiếu máu não mạn tính “bào mòn” cơ thể
Khi tình trạng thiếu máu não kéo dài, khiến người bệnh dễ suy nhược cơ thể, trầm cảm, suy giảm trí nhớ, suy giảm chất lượng công việc, tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác, lâu dần gây đột quỵ.
Cần điều trị thiếu máu não để ngăn chặn nguy cơ đột quỵ. Nguyên tắc điều trị thiếu máu não là cần nhận diện nguyên nhân, điều trị giảm bớt triệu chứng và xây dựng biện pháp phòng ngừa thiếu máu não tái phát.
3. Trước hết cần điều trị bệnh lý tiềm ẩn có liên quan
Bạn nên đi khám sức khỏe để sàng lọc những bệnh lý có liên quan tới thiếu máu não như: béo phì, bệnh lý tim mạch (xơ vữa động mạch), tăng huyết áp (huyết áp cao), huyết áp thấp, thoái hóa đốt sống cổ, tiểu đường,… Sau đó điều trị triệt để hoặc kiểm soát hiệu quả các bệnh lý này.
Để làm được điều đó, bạn cần tuân thủ dùng thuốc hoặc thực hiện phẫu thuật (khi cần thiết) theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý tăng/giảm liều hoặc bỏ dở giữa chừng.
Thực hiện xây dựng lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục đều đặn. Lưu ý khi tập thể dục, bạn nên lựa chọn những bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe và độ tuổi của mình. Tập thể dục rất tốt cho sức khỏe, giúp đầu óc được thư giãn và cải thiện quá trình lưu thông máu lên não tốt hơn. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng tập quá sức bởi điều này có thể “vô tình” đẩy nguy cơ đột quỵ tăng cao.
Trước hết cần điều trị bệnh lý tiềm ẩn có liên quan đặc biệt là bệnh lý về tim mạch, bệnh hệ thần kinh.
4. Các biện pháp hỗ trợ điều trị thiếu máu não
Ngoài việc dùng thuốc, phẫu thuật theo đúng chỉ định của bác sĩ, kết hợp với chế độ ăn/uống/tập luyện,… Thì một số phương pháp hỗ trợ điều trị thường được tư vấn thêm như: bấm huyệt, châm cứu, xông hơi, xoa bóp,… Bạn cần lựa chọn những cơ sở uy tín và người thực hiện các phương pháp này phải được cấp giấy phép hành nghề. Tuyệt đối không lựa chọn bừa bãi, tránh tốn kém chi phí mà hiệu quả điều trị không cao, dễ phải đổi mặt biến chứng.
Mách bạn một số biện pháp phòng ngừa thiếu máu não sau đây:
Đừng ngồi im một chỗ quá lâu, hãy tăng cường vận động ngày ít nhất 2-3 lần, mỗi lần 20-30 phút. Lựa chọn các bài tập phù hợp với sức khỏe của bản thân. Nếu có vấn đề về khớp, bạn nên hạn chế chạy bộ vận động mạnh mà nên đi bơi, đạp xe,…
Có chế độ ăn, uống hợp lý, tăng cường ăn cá, rau xanh và các loại hoa quả có màu sắc tươi, đậm.
Xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh: tăng cường tham gia các hoạt động ngoài trời, tích cực giao tiếp trực tiếp với bạn bè thông qua các câu lạc bộ, suy nghĩ tích cực; hạn chế mạng xã hội, tivi, điện thoại,…
Hãy cố gắng ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc. Vệ sinh giấc ngủ thật tốt.
Kiểm soát tốt bệnh nền và các chỉ số sức khỏe cơ bản như đường máu, huyết áp, mỡ máu, chỉ số đông máu, chức năng gan – thận, siêu âm ổ bụng, siêu âm tim mạch, …
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.