Theo WHO, thiếu máu cơ tim đang chiếm đến 40% các trường hợp tử vong trên toàn thế giới. Các trường hợp tử vong do bệnh lý tim mạch này thường liên quan đến biến chứng nặng. Cùng tìm hiểu về bệnh cơ tim thiếu máu và các biến chứng của bệnh qua bài viết sau.
1. Thiếu máu cơ tim là bệnh gì?
Thiếu máu cơ tim là tình trạng cơ tim bị thiếu máu và oxy nuôi dưỡng, khiến tim không thể co bóp và thực hiện các chức năng vốn có.
Nguyên nhân của tình trạng này thường xuất phát từ sự tắc nghẽn một phần hoặc toàn phần động mạch vành do sự xuất hiện của các mảng xơ vữa, cục máu đông hoặc tình trạng co thắt mạch vành.
Tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn khi người bệnh hoạt động gắng sức hoặc phấn khích.
Tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi dưỡng có thể khiến hoạt động của tim và cơ thể gặp nhiều bất thường nghiêm trọng
2. Thiếu máu cơ tim có thể gây biến chứng gì?
Thống kê của WHO cho thấy, thiếu máu cơ tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh lý tim mạch, chiếm đến 40% các trường hợp tử vong trên toàn thế giới và gây nhiều biến chứng như:
2.1 Nhồi máu cơ tim do thiếu máu cơ tim đột ngột
Tình trạng dòng máu kém lưu thông trong thời gian dài hoặc bị tắc nghẽn hoàn toàn một cách đột ngột có thể gây thiếu hụt nghiêm trọng oxy đến nuôi dưỡng và gây hoại tử một phần cơ tim và dẫn đến nhồi máu cơ tim. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của khi cơ tim bị thiếu máu và gây nguy cơ gây tử vong cao nhất. Người bệnh có thể sống sót hay không, khả năng hồi phục nhanh hay chậm tùy thuộc rất lớn vào mức độ tổn thương của cơ tim và sự kịp thời của việc cấp cứu.
2.2 Rối loạn nhịp tim
Tim thiếu máu trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động điện của tim, khiến nhịp tim bất thường. Tình trạng này thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Những cơn rung thất ngay sau cơn thiếu máu là loại rối loạn nhịp nguy hiểm, thường báo trước cơn nhồi máu cơ tim cấp.
2.3 Suy tim do thiếu máu cơ tim kéo dài
Bệnh kéo dài có thể hủy hoại dần cơ tim, giảm khả năng co bóp và bơm máu của tim đến các cơ quan trọng cơ thể. Điều này càng khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để bù lại lượng máu thiếu hụt so với nhu cầu của cơ thể. Cũng vì vậy tim trở nên ngày càng suy yếu, không còn bơm máu hiệu quả. Người bệnh xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, ho, khó thở, đau thắt ngực…
Ngoài ra, những người mắc bệnh này trong thời gian dài có thể chịu những cơn đau thắt ngực mạn tính hay tình trạng hạn chế hoạt động thể lực.
Bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim.
3. Triệu chứng của bệnh
Cơ tim thiếu máu ở mức độ nhẹ, khi tim và cơ thể vẫn có các cơ chế bù trừ lượng máu thiếu hụt thì bệnh nhân có thể không biểu hiện triệu chứng và bệnh cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến người bệnh. Tuy nhiên khi tình trạng thiếu máu trở nên trầm trọng hơn, các triệu chứng có thể xuất hiện và biểu hiện ngày càng rõ ràng. Các biểu hiện đó là:
Đau thắt ngực, bao gồm những cơn đau, tức ở ngực trái hoặc giữa lồng ngực, lan lên cổ, vai, hàm, xuống cánh tay hoặc ra sau lưng. Đau có thể xảy ra khi gắng sức, giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch, gọi là đau thắt ngực ổn định. Đau có thể xảy ra khi không gắng sức, không giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch, gọi là đau thắt ngực không ổn định.
Bên cạnh đó, người bệnh thiếu máu ở tim có thể xuất hiện các triệu chứng như:
– Nhịp tim nhanh
– Khó thở khi tập luyện, hoạt động thể chất, thở gấp
– Buồn nôn và ói mửa
– Đổ mồ hôi
– Mệt mỏi
– Da sần sùi
Nếu thấy các dấu hiệu này, đặc biệt là các cơn đau thắt ngực xay ra ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc kéo dài trên 15 phút, không thuyên giảm khi dùng thuốc giãn mạch thì nên đưa người bệnh đi cấp cứu ngay vì đó có thể dấu hiệu của nhồi máu cơ tim.
Đau thắt ngực là một trong những triệu chứng quan trọng cảnh báo cơ tim đang thiếu máu nuôi dưỡng.
4. Những người dễ mắc bệnh cơ tim thiếu máu
– Nam > 45 tuổi, nữ > 55 tuổi
– Người thường xuyên hút hoặc nghiện thuốc lá
– Có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường
– Lối sống tĩnh tại, ít hoặc rất ít vận động
– Thường xuyên trong trạng thái lo lắng, căng thẳng, muộn phiền
5. Kiểm soát tình trạng tim thiếu máu như thế nào?
Đây là bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể kiểm soát khi bệnh ở mức độ nhẹ nhằm cải thiện các triệu chứng và ngăn chặn các biến chứng của bệnh.
5.1 Xây dựng lối sống lành mạnh
Chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp với lối sống tích cực là kim chỉ nam cho những người mắc bệnh này. Một số lời khuyên từ các chuyên gia tim mạch cho các bệnh nhân:
– Không sử dụng các chất kích thích có hại cho tim mạch và sức khỏe như rượu bia, thuốc lá, cafe
– Giảm lượng muối, hạn chế chất béo bão hòa trong khẩu phần ăn của người bệnh
– Bổ sung ngũ cốc và các loại rau củ quả
– Tăng cường vận động, chọn những bài tập phù hợp, tập đều đặn
5.2 Sử dụng các loại thuốc hỗ trợ điều trị
Đối với trường hợp bệnh nặng hơn, các bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một trong các nhóm thuốc hoặc kết hợp một số loại thuốc điều trị sau: nhóm Statin, nhóm chống huyết khối, nhóm thuốc chẹn kênh beta, thuốc giãn mạch, thuốc hạ đường huyết.
Khi đã được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ đơn thuốc. Nếu muốn thay đổi loại thuốc hay tăng giảm liều lượng, cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.
Trong trường hợp các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả, bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật giúp tái thông mạch vành, mở đường cho máu lưu thông.
Trên đây là một số thông tin về bệnh thiếu máu cơ tim, mức độ nguy hiểm của bệnh và cách kiểm soát hiệu quả để tránh biến chứng. Hi vọng với việc nhận thức đúng đắn về những nguy cơ do căn bệnh này gây ra, bạn sẽ chủ động hơn trong việc phòng ngừa bệnh. Khi có các triệu chứng nghi ngờ, đừng quên đi khám chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.