Khoảng 80% – 85% dân số trên thế giới cũng như ở Việt Nam bị thiếu máu não. Thiếu máu não là một “con đường” dẫn đến đột quỵ (tai biến mạch máu não). Cần nhận biết sớm các triệu chứng của thiếu máu não để có biện pháp xử trí kịp thời và hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra.
1. Thiếu máu não là gì?
Thiếu máu não là tình trạng lưu lượng máu cung cấp cho các tế bào não không đủ, từ đó làm giảm lượng oxy nuôi các tế bào não.
Tế bào não của chúng ta nếu thiếu oxy sẽ hoạt động kém, ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh. Trong vòng 5 phút nếu máu không được tái thông lên não, các tế bào não sẽ bắt đầu “chết” – ngừng hoạt động và không thể hồi phục.
2. Nguyên nhân gây bệnh thiếu máu não
Hẹp động mạch cảnh là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thiếu máu lên não. Do mỡ bám trên thành mạch và phát triển gây hẹp tại chỗ hoặc các mảnh xơ vữa bong tróc ra và trôi theo dòng máu lên não gây tắc mạch máu não.
Những đối tượng có nguy cơ cao bị hẹp động mạch cảnh là: người trên 40 tuổi, nam nhiều hơn nữ, hút thuốc lá, béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp.
Huyết khối (cục máu đông) hình thành gây cản trở dòng máu lưu thông lên não. Cục máu đông có thể hình thành tại tim hoặc di chuyển từ tim tới theo dòng mạch máu tới các vị trí khác, cụ thể là lên não gây tắc nghẽn mạch máu não.
Thiếu máu nói chung: các dạng bệnh lý như thiếu máu thiếu sắt, chảy máu mạn tính do loét dạ dày tá tràng, giun móc, rong kinh, cường kinh, bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia),… hoặc các bệnh mạn tính dùng thuốc kéo dài có thể gây thiếu máu nói chung và dẫn tới thiếu máu lên não.
Ngoài ra, các vấn đề/bệnh lý khác như: thoái hóa cột sống cổ, xơ hóa – viêm các cơ và dây chẳng vùng cổ gây chèn ép động mạch cảnh, dẫn tới thiếu máu lên não. Hay các vấn đề như stress căng thẳng, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm, thiếu ngủ, rối loạn thần kinh thực vật,… cũng khiến nhiều người bị thiếu máu lên não.
3. Nhận biết sớm các triệu chứng thiếu máu não
3.1 Đau đầu – triệu chứng điển hình của thiếu máu não
Triệu chứng sớm và dễ nhận biết nhất của người bị thiếu máu lên não là tình trạng đau (nhức) đầu. Những cơn đau đầu khủng khiếp thường ghé thăm. Ban đầu có thể bạn chỉ cảm nhận được vị trí đau nhói chỉ ở một vùng nào đó cố định, sau đó cơn đau dần dần lan tỏa khắp đầu. Cảm giác đầu “nặng trịch”, càng di chuyển hay suy nghĩ nhiều lại càng đau.
Cơn đau đầu thường gặp nhất là vào buổi sáng, khi người bệnh mới ngủ dậy.
3.2 Hoa mắt, chóng mặt
Cơn chóng mặt, hoa mắt khiến người bệnh dễ mất thăng bằng có thể xuất hiện một cách đột ngột, vào những thời điểm mà bạn không lường trước được như đang đi, đứng, học tập, làm việc, lái xe, chạy bộ,… Cơn chóng mặt diễn ra khiến người bệnh không thể đứng vững, thường phải lấy tay bám chặt vào đâu đó để tránh bị ngã. Nếu không có chỗ bám thì thường ngồi thụp xuống, nếu không tự chủ được nhiều người có thể té ngã ra đằng sau.
Người già cần hết sức chú ý bởi việc té ngã đột ngột như vậy sẽ rất nguy hiểm, dễ gây ra các chấn thương về xương khớp hoặc sọ não.
3.3 Ù tai (nghe như có tiếng ve kêu bên tai) dấu hiệu cảnh báo thiếu máu não
Người bệnh thiếu máu não rất dễ bị ù tai, dù người đó có đang ở trong không gian yên tĩnh và không có gió. Cảm giác ù tai của người bị thiếu máu não rất đặc trưng: “nghe như có tiếng ve kêu bên tai”.
Cảm giác ù tai nghe như có tiếng ve kêu bên tai
3.4 Mất ngủ
Người bị thiếu máu não giấc ngủ sẽ bị ảnh hưởng: nhẹ là rối loạn giấc ngủ (trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ, ngủ hay mơ ác mộng bị giật mình tỉnh giấc), nặng hơn có thể mất ngủ.
Mất ngủ kéo dài khiến người bệnh cảm thấy chán nản, mệt mỏi, kém tập trung, không hứng thú vớ công việc, kéo theo chất lượng công việc bị giảm sút.
Ngoài ra, bị mất ngủ do thiếu máu não kéo dài dễ khiến người bệnh cáu gắt, thờ ơ, nhạy cảm, rất dễ kích động.
3.5 Suy giảm trí nhớ
Não của chúng ta cần được cung cấp đủ dưỡng chất để hoạt động bình thường. Khi máu đổ lên não kém, sẽ kèm theo các hiện tượng như nhức đầu, ù tai, hoa mắt, chóng mặt,… khiến người bệnh giảm dần trí nhớ, nhanh quên mọi việc. Tình trạng này cũng thúc đẩy quá trình lão hóa các tế bào não, teo não diễn ra nhanh hơn.
3.6 Tê bì, nhức mỏi chân tay
Người bị thiếu máu não có cảm giác tê ở đầu các ngón tay, đôi khi cảm thấy dưới da râm ran như bị kiến bò. Cảm giác đau dọc xương sườn, có thể cảm thấy lạnh sống lưng, đau dọc vai gáy và các xương sườn, tay chân nhức mỏi, gây rất nhiều bất tiện cho người bệnh.
Các dấu hiệu nhận biết tình trạng máu lên não kém kể trên, lúc đầu có thể nhẹ nhàng nhưng sau đó tiến triển khá nhanh. Cơn chóng mặt, choáng ngất có thể đến một cách bất ngờ gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh (dẫn tới đột quỵ não hay còn gọi là bệnh tai biến mạch máu não).
Tai biến mạch máu não vô cùng nguy hiểm, khả năng sống sót chỉ khoảng 50%, số người còn sống sót sau tai biến phải gánh chịu nhiều di chứng nặng nề như liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ, rối loạn chức năng nhai nuốt, rối loạn đại tiểu tiện, trầm cảm,… và các di chứng này có thể đeo bám người bệnh đến suốt đời.
Vì vậy, khi có một trong những dấu hiệu nghi ngờ thiếu máu não kể trên, bạn đừng nên chần chừ mà hãy đến cơ sở y tế để thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh, sớm có biện pháp điều trị kịp thời.
4. Phòng tránh đột quỵ xảy ra do thiếu máu não
Thiếu máu não có thể dẫn đến đột quỵ não, vậy nên cần thực hiện phòng tránh căn bệnh đột quỵ gây nguy hiểm đến tính mạng, để lại nhiều di chứng cho sức khỏe. Giải pháp đó là khám tầm soát nguy cơ đột quỵ sớm, trong đó bác sĩ sẽ giúp phát hiện sớm tình trạng máu lên não kém, căn nguyên dẫn đến tình trạng máu lên não ít, không đủ cung cấp đến các mô não từ đó tư vấn phương hướng cải thiện. Việc điều trị, cải thiện tình trạng máu lên não kém sẽ giúp giảm nguy cơ dẫn đến đột quỵ não do thiếu máu cục bộ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.