Ung thư không chừa một ai, nam giới là đối tượng dễ mắc bệnh hơn cả. Tuy nhiên bên cạnh những bệnh ung thư thường gặp ở nam như ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng, gan thì có những bệnh ung thư không ngờ tới lại vẫn có thể xuất hiện, đe dọa sức khỏe và tính mạng của nam giới.
Mời độc giả cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết về những bệnh dễ mắc phải mà nam giới thường không chú ý tới.
Tham khảo: đừng bỏ qua triệu chứng ung thư phổi dù bận tới đâu
Ung thư vú
Nhiều người cứ nghĩ ung thư vú chỉ xuất hiện ở nữ giới nhưng thực tế căn bệnh này cũng gặp phải ở nam giới. Đa số các trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn do nam giới không chụp ngực thường xuyên, ít thăm khám sức khỏe, cũng không có thói quen để ý tới sự thay đổi ở vú.
Theo các chuyên gia y tế, các triệu chứng ung thư vú ở nam giới khá tương đồng với nữ giới như:
- Xuất hiện một cục u ở vú, thường là đau hoặc không đau và không di động
- Đầu vú quay đầu vào trong (núm vú ngược)
Nam giới cần cảnh giác với ung thư vú
- Núm vú tiết dịch bất thường
- Đau hoặc phát ban quanh núm vú
- Núm vú hoặc vùng da xung quanh trở nên cứng, đỏ hoặc sưng lên
- Nổi hạch nách
Cũng theo các chuyên gia, nam giới mắc ung thư vú có liên quan tới di truyền, mắc bệnh ở vú, từng tiếp xúc với phóng xạ, hoặc có vấn đề ở gan…
Ung thư miệng
Miệng là bộ phận có thể mắc ung thư mà nam giới rất ít khi chú ý tới. Khối u ở miệng có thể bắt nguồn từ vết nhiệt miệng lâu khỏi, những mảng trắng hoặc đỏ trên nướu răng hoặc lưỡi.
Ung thư miệng thường gặp ở nam giới hút thuốc lá, nghiện rượu hoặc nhiễm virus HPV, EBV.
Ung thư tuyến tiền liệt
Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt ngày càng tăng lên do tuổi thọ gia tăng. Ngoài yếu tố tuổi tác, bệnh ung thư tuyến tiền liệt còn có liên quan tới chế độ ăn nhiều chất béo, tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh hoặc làm việc trong môi trường độc hại…
Ung thư tuyến tiền liệt cũng có thể ghé thăm nam giới bất cứ lúc nào
Ung thư tuyến tiền liệt thường không gây triệu chứng ở giai đoạn đầu, vì thế nhiều người không biết mình mắc bệnh. Ung thư tuyến tiền liệt nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể đạt gần 100%.
Ung thư tinh hoàn
Đây cũng là bệnh thường gặp ở nam giới, đặc biệt ở độ tuổi còn trẻ từ 30-45 tuổi. Ung thư tinh hoàn xuất hiện ở nam giới chủ yếu là do tinh hoàn bị tổn thương do va đập mạnh, tai nạn, hoặc có tiền sử gia đình mắc ung thư tinh hoàn, bị tinh hoàn ẩn khi còn bé – tức là tinh hoàn không tự tụt xuống bìu mà nằm lại trong ổ bụng hoặc bị kẹt ở vùng háng
Nam giới có thể sờ thấy u cục ở một hoặc cả 2 bên tinh hoàn, đau, cảm giác nặng trong bìu… Lúc này nam giới cần đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe.
Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang cũng là bệnh lý thường gặp ở nam giới. Bệnh bắt đầu với sự xuất hiện của khối u. Kích thước của khối u có thể nhỏ hoặc lớn, có khả năng phát triển sâu vào lớp cơ của bàng quang và di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.
Tầm soát ung thư định kỳ sẽ giúp bạn phát hiện sớm bất thường trong cơ thể (nếu có)
Chính vì thế, nam giới cần cảnh giác với căn bệnh này và phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.
Ung thư da
Ung thư da cũng là bệnh dễ mắc phải ở nam giới mà ít người chú ý. Lý do là bởi nam giới thường xuyên phải làm việc dưới trời nắng như thợ xây; những người thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại như công nhân hóa chất, hầm mỏ… hoặc nam giới ít có thói quen che chắn cơ thể khi ra nắng, không thường xuyên sử dụng kem chống nắng…
Tất cả những yếu tố trên góp phần khiến nam giới dễ bị ung thư da ghé thăm. Tuy nhiên ít người để ý tới những nốt ruồi hoặc vết tàn nhang, vết loét nhỏ trên da để đi khám sớm. Vì thế mà nhiều trường hợp được chẩn đoán bệnh đã ở giai đoạn tiến triển, khả năng chữa khỏi hoàn toàn không cao.
Không chỉ nữ giới mà nam giới cũng cần chú ý tới sức khỏe của mình, thường xuyên tự kiểm tra cơ thể nhằm phát hiện sớm những tổn thương (nếu có) đồng thời chủ động tầm soát ung thư định kỳ để kịp thời điều trị, ngăn ngừa sự phát triển của mầm mống ung thư trong cơ thể.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.