Rối loạn giấc ngủ nói chung và mất ngủ là loại rối loạn thần kinh gây khó chịu và kèm theo nhiều hậu quả nặng nề. Tình trạng này có thể xuất hiện ở tất cả mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nếu được quan tâm và điều trị kịp thời thì bệnh có thể được chữa khỏi. Bài viết này sẽ gửi đến bạn 3 cách chữa mất ngủ hiệu quả được nhiều người áp dụng.
1. Cách để nhận biết bệnh mất ngủ
Mất ngủ hay rối loạn về giấc ngủ thường liên quan đến các yếu tố tâm sinh lý. Khi đó bệnh nhân sẽ thường cảm nhận được giấc ngủ của mình đang không đảm bảo cả về chất lượng và thời lượng. Cụ thể:
– Người bệnh sẽ cảm thấy rất khó khăn để đi vào giấc ngủ.
– Không thể duy trì giấc ngủ được sâu và ổn định.
– Đột nhiên thức dậy và không thể nào có thể tiếp tục quay lại giấc ngủ.
Trên đây là một trong những triệu chứng khá phổ biến khiến bệnh nhân nhận biết bệnh và tìm đến bác sĩ.
Trường hợp mất ngủ dưới một tháng còn được gọi là mất ngủ cấp tính, còn trên một tháng được xếp vào loại mạn tính. Các nguyên nhân chủ yếu đến từ: các yếu tố về tâm lý hay xã hội; chất lượng cuộc sống hiện tại; các mối quan hệ trong gia đình và cả xã hội; công việc;…
Mất ngủ kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu với sức khỏe
2. Mất ngủ kéo dài nguy hiểm thế nào?
Ngủ chính là trạng thái sinh lý hoàn toàn bình thường của cơ thể và có tính chất chu kì. Đây là lúc toàn bộ cơ thể sẽ rơi vào trạng thái nghỉ ngơi, tạm ngừng các hoạt động. Nếu mất ngủ kéo dài không được cải thiện sẽ gây đến nhiều tác hại nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh như:
– Làm mất tập trung, hoạt động chậm chạp, giảm hiệu suất trong công việc vào sáng hôm sau.
– Dẫn đến rối loạn về tâm lý, dần xuất những phản ứng tiêu cực như: lo âu, cáu gắt, uể oải, trầm cảm và suy nhược về trí nhớ.
– Trở thành tác nhân dẫn đến các bệnh về tim mạch, huyết áp,…
– Dẫn đến rối loạn về nội tiết với phụ nữ, lão hóa da, mụn,…
3. 3 cách chữa mất ngủ thường dùng nhất
Nguyên tắc điều trị bệnh mất ngủ là sự kết hợp giữa cả liệu pháp tâm lý, đời sống và dùng thuốc. Dưới đây là các cách chữa mất ngủ thông dụng được nhiều người biết đến và áp dụng:
3.1. Liệu pháp vệ sinh giấc ngủ – Một trong 3 cách chữa mất ngủ thường dùng
Đây được xem là hình thức điều trị được bệnh nhân ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Điểm chính ở liệu pháp này là cần được thực hiện đúng và vệ sinh giấc ngủ đảm bảo. Nếu thực hiện không đúng và không đều đặn có thể khiến tình trạng mất ngủ không được khắc phục mà còn làm tiến triển nặng hơn.
– Nếu bạn đã nằm hơn 30 phút nhưng không thể vào giấc được, hãy dậy và ra khỏi giường có thể đi lại nhẹ nhàng hoặc đọc sách, nghe nhạc thư giãn. Chỉ nên trở lại giường khi thực sự buồn ngủ. Chỉ lên giường để nghỉ ngơi và hạn chế các loại hoạt động khác.
– Thực hiện ngủ và thức dậy theo đúng khung giờ nhất định. Hạn chế ngủ trưa dài để có thể đảm bảo tốt nhất giấc ngủ vào buổi tối.
– Không nên sử dụng quá nhiều cà phê sau bữa trưa. Buổi tối nên hạn chế uống rượu nhất là gần giờ đi ngủ.
– Thiết lập chế độ thể dục thể thao đều đặn, tối thiểu từ 30 – 40 phút/ngày. Đặc biệt nên tập luyện trước giờ ngủ từ 4 – 6 tiếng.
– Đảm bảo môi trường ngủ được yên tĩnh, ánh sáng hợp lý và hạn chế về tiếng ồn xung quanh. Không nên xem ti vi hay các thiết bị điện thoại quá sát giờ đi ngủ vì nó có thể gây kích thích nhận thức và kéo dài mức độ tỉnh táo của bạn.
– Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm nhiều vitamin B như: cá hồi, bơ, hạt óc chó,… giúp hỗ trợ giấc ngủ được đảm bảo.
– Không nên ăn tối quá nhiều sát giờ đi ngủ, vì điều này có thể khiến hệ tiêu hóa phải hoạt động liên tục, cơ thể không thể nghỉ ngơi hoàn toàn.
Cung cấp đủ hàm lượng vitamin B để cải thiện giấc ngủ
3.2. 3 cách chữa mất ngủ – sử dụng thuốc Đông y
Đối với phương pháp điều trị mất ngủ bằng Đông y cần phải xác định rõ để đưa ra phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh. Đông y hiện được chia làm 2 phương pháp chính:
– Dùng thuốc Đông Y để chữa bệnh: là áp dụng các bài thuốc cổ phương và các kinh nghiệm truyền miệng như bài thuốc chữa mất ngủ bằng tâm sen, lá vông, lạc tiên, bình vôi, viễn chí, toan táo nhân… Tùy theo mức độ bệnh để kết hợp các loại thảo dược này trong từng bài thuốc. Phương pháp này đòi hỏi người bệnh cần kiên trì thực hiện thường xuyên mới thấy được hiệu quả. Bên cạnh đó cách này cũng chỉ nên áp dụng với trường hợp bệnh nhẹ và kết hợp chung với phương pháp khác.
– Phương pháp không sử dụng đến thuốc như: châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, ngâm chân, hay xông, tắm thảo dược.
Áp dụng châm cứu giúp người bệnh thư giãn và ngủ ngon hơn
3.3. Liệu pháp dùng thuốc Tây y
– Nhóm 1: thuốc an thần benzodiazepine.
Đây là nhóm thuốc đã có từ lâu đời, với tác dụng giúp an thần, giải tỏa lo âu, gồm: diazepam, lorazepam, bromazepam, alprazolam,…
Tuy nhiên những loại thuốc này còn có thể gây một vài tác dụng phụ như: chóng mặt, nhức đầu. Vì vậy bạn cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc. Khi dùng kéo dài có thể bị lệ thuộc và nghiện thuốc.
– Nhóm 2: thuốc giúp an thầnNon – benzodiazepins.
Loại này gồm các thuốc như etifoxine HCL, sedanxio, zopiclon,… có thời gian bán hủy ngắn hơn so với nhóm benzodiazepine ở trên nên có thể hạn chế một số tác dụng phụ. Tuy nhiên việc sử dụng vẫn đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ theo quy định.
– Nhóm 3: thuốc chống trầm cảm.
Những thuốc thuộc nhóm này như: Amitriptyline, mirtazapine, trazodone, doxepin,… có tác dụng chống trầm cảm và cải thiện giấc ngủ. Nhóm này tuy ít gây nghiện nhưng lại có tác dụng phụ: đắng miệng, táo bón hay bí tiểu…. Cần lưu ý sử dụng thuốc từ 3 – 4 tuần mới có hiệu quả.
– Nhóm 4: thuốc kháng Histamin.
Các loại thuốc tiêu biểu ở nhóm này là diphenhydramine và doxylamine. Đây là hai loại được đánh giá an toàn cả trong thai kỳ. Tuy nhiên cũng có một số loại thuốc an thần không dùng được với phụ nữ mang thai. Vì vậy cần chú ý tham khảo tư vấn cụ thể của bác sĩ.
Ngoài ra còn có một số nhóm thuốc hỗ trợ khác như: nhóm nuôi dưỡng tế bào thần kinh (piracetam, ginkgo biloba, choline,…)
Trên đây là 3 cách chữa mất ngủ thường được áp dụng và đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên người bệnh khi phát hiện có các triệu chứng cần khám bác sĩ sớm. Việc thăm khám giúp xác định được mức độ bệnh và tình hình sức khỏe từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị hợp lý.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.