Mất ngủ là bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên người cao tuổi thường dễ mắc căn bệnh này hơn. Bệnh mất ngủ ở người già có thể là ảnh hưởng quá sự lão hóa tự nhiên nhưng cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh và phương pháp điều trị.
1. Mất ngủ ở người cao tuổi có những biểu hiện gì?
Bệnh mất ngủ ở người già thường có những biểu hiện sau:
– Khó ngủ: người bệnh thường nằm trằn trọc rất lâu mới có thể đi vào giấc ngủ, nhiều người thức đến sáng mới chợp mắt được.
– Tỉnh giấc giữa đêm và không thể ngủ lại hoặc mất nhiều thời gian để ngủ lại.
– Thường dậy từ sớm và nằm trằn trọc.
– Việc mất ngủ kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần ở người cao tuổi. Họ cảm thấy uể oải, kiệt sức vào ban ngày. Do không ngủ đủ giấc, họ sinh ra cáu gắt, bực dọc với người xung quanh.
Mất ngủ đêm khiến người già mệt mỏi, uể oải vào ban ngày
2. Điều trị bệnh mất ngủ ở người già – phương pháp không dùng thuốc
2.1. Tránh xa các chất kích thích
Người cao tuổi nên tránh uống các đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà, socola và một số loại nước tăng lực vào buổi chiều tối. Những người nhạy cảm với caffeine thì nên hạn chế tối đa hoặc không uống. Caffeine ngăn chặn tác dụng của adenosin – một chất của não tiết ra với mục đích thúc đẩy giấc ngủ.
Hạn chế việc uống rượu, bia vì chúng gây cản trở giấc ngủ sâu và ảnh hưởng đến việc thở. Người lớn tuổi cũng nên bỏ hút thuốc và tránh những nơi có khói thuốc lá. Nicotin là chất gây khó ngủ và làm khó ngủ sâu giấc.
2.2. Hạn chế ngủ ngày, ngủ trưa ngắn
Người bệnh không nên ngủ vào ban ngày hay ngủ trưa quá dài. Nếu không thể tỉnh táo vào buổi chiều, chỉ nên ngủ trưa ngắn từ khoảng 15-20 phút. Thời gian này vừa đủ làm tỉnh táo nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ buổi tối.
2.3. Tập thể dục – tập yoga, dưỡng sinh, đi bộ
Người lớn tuổi có thể tập những môn nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, tập dưỡng sinh … để có thể ngủ nhanh, ngủ sâu hơn. Tập luyện giúp đầu óc thoải mái, cơ thể thư thái từ đó ít bị thức giấc giữa đêm. Tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng sớm cũng là biện pháp hấp thụ vitamin D hiệu quả.
Tập dưỡng sinh hoặc yoga giúp cải thiện giấc ngủ ở người cao tuổi
2.4. Thiết lập thời gian ngủ cố định một khung giờ
Ngủ – thức vào một giờ nhất định sẽ giúp đồng bộ chu kỳ của giấc ngủ. Nên duy trì trong vòng 1 tháng trở lên để cơ thể quen với khung giờ đó.
2.5. Tạo không gian ngủ thoải mái, thực hiện các hành động thư giãn
Người cao tuổi nên chọn những không gian thoải mái, sạch sẽ để ngủ. Phòng ngủ nên có nhiệt độ vừa phải, ánh sáng vừa đủ, chọn loại nệm phù hợp để có một giấc ngủ chất lượng.
Trước khi đi ngủ, có thể đọc sách hoặc ngồi thiền, ngâm chân bằng nước ấm để cơ thể thư giãn và dễ ngủ hơn. Tránh suy nghĩ và làm đầu óc căng thẳng trước khi ngủ.
2.6. Hạn chế uống nước vào chiều tối muộn
Đi tiểu đêm cũng là yếu tố khiến giấc ngủ bị gián đoạn. Người lớn tuổi không nên uống nhiều nước vào chiều tối, cũng không nên ăn quá nhiều canh.ở bữa tối để đảm bảo giấc ngủ được trọn vẹn.
2.7. Ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất
Thực đơn đầy đủ chất không chỉ tốt cho giấc ngủ mà còn hạn chế nhiều bệnh lý khác. Chuối, sữa, sữa chua, hạt óc chó, hạt hạnh nhân, hạt sen, cá, … là những thực phẩm có tác dụng cải thiện giấc ngủ. Bên cạnh đó người lớn tuổi có thể uống trà hoa cúc, trà atiso, trà tâm sen để ngủ ngon hơn.
Để cơ thể thoải mái, người già không nên ăn quá no, ăn những món nhiều dầu mỡ và cay nóng vào bữa tối. Vì các món này gây ợ hơi, khó tiêu và đầy bụng, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế chất béo xấu là điều người lớn tuổi nên làm.
3. Phương pháp điều trị mất ngủ ở người cao tuổi – phương pháp sử dụng thuốc
3.1. Tìm hiểu điều trị bệnh mất ngủ ở người già bằng thuốc
Nếu đã áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc mà không có tác dụng. Người bệnh có thể gặp bác sĩ để được điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên cần lưu ý tất cả loại thuốc an thần, thuốc ngủ có thể gây ra tác dụng phụ với người cao tuổi. Nhóm thuốc này có thể tăng tỷ lệ gãy xương, ảnh hưởng đến trí nhớ.
Tùy thuộc vào sức khỏe và nguyên nhân cụ thể của từng người, bác sĩ sẽ kê đơn và chỉ định thuốc phù hợp. Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị mất ngủ ở người cao tuổi là:
– Thuốc an thần: Thuốc an thần có thể là benzodiazepine (diazepam, lorazepam) hoặc không benzodiazepine (như zolpidem, zaleplon). Mục đích là thúc đẩy ngủ nhanh và làm giảm khó khăn trong việc ngủ.
– Thuốc tác động lên hormone giấc ngủ: Các loại thuốc tác động lên hormone giấc ngủ ví dụ như melatonin. Mục đích để điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
– Thuốc chống trầm cảm: với trường hợp mất ngủ là triệu chứng của trạng thái trầm cảm, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc chống trầm cảm để điều trị bệnh.
Lưu ý tất cả loại thuốc trên chỉ mang tính gợi ý và người bệnh không được tự ý sử dụng. Sử dụng sai thuốc sẽ khiến tình trạng mất ngủ tệ đi, khó điều trị và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Luôn sử dụng thuốc ngủ, thuốc an thần theo đơn của bác sĩ để bảo vệ sức khỏe
3.2. Một số lưu ý trong việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh mất ngủ ở người già
Khi sử dụng thuốc điều trị mất ngủ cho người cao tuổi, cần lưu ý những điều sau để đảm bảo an toàn:
– Tuân thủ hướng dẫn sử dụng về loại thuốc và liều lượng. Cần uống theo đúng đơn mà bác sĩ đã kê. Không tự ý tăng giảm liều lượng, không tự ý dừng uống giữa chừng. Nếu hết liệu trình cần đi khám lại chứ không được tự mua thuốc rồi sử dụng tiếp.
– Tìm hiểu về tác dụng phụ: nên hỏi bác sĩ các tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc ngủ, bao gồm mệt mỏi, buồn ngủ ban ngày, hoa mắt, rối loạn tiêu hóa và tác dụng phụ khác. Trong quá trình sử dụng nếu có sự thay đổi bất thường nào cũng phải báo với bác sĩ để xử lý kịp thời.
– Không dùng thuốc lâu dài: tránh sử dụng thuốc ngủ liên tục, trong thời gian dài. Mặc dù thuốc đem đến hiệu quả nhanh nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Người lớn tuổi chỉ nên uống theo thời gian bác sĩ đã chỉ định.
– Kết hợp với các phương pháp thay đổi lối sống, ăn uống lành mạnh. Để có kết quả tốt, người bệnh nên áp dụng các phương pháp tập luyện đều, ăn đủ chất, giữ tinh thần vui vẻ.
Hi vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm thông tin về bệnh mất ngủ ở người cao tuổi, từ đó có thể chăm sóc tốt bản thân hoặc bố mẹ của mình. Để được điều trị chứng mất ngủ, người bệnh nên đi khám ở chuyên khoa Nội thần kinh sớm nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.