Các bệnh lây qua đường tình dục là những bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác thông qua hoạt động tình dục không an toàn. Người mắc phải có thể gặp nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe sinh sản và tình dục nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và tính chất nguy hiểm của chúng qua nội dung bài viết sau.
1. Làm rõ các bệnh lây qua đường tình dục là gì?
Các bệnh lây qua đường tình dục (STDs – Sexually Transmitted Diseases) hay còn gọi là các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs – Sexually Transmitted Infections) là những bệnh lây nhiễm có thể truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc tình dục. Đây là nhóm bệnh rất phổ biến, đặc biệt ở những người có nhiều bạn tình hoặc quan hệ tình dục không an toàn.
Nguyên nhân của hầu hết các bệnh lây qua đường tình dục là vi khuẩn, nấm và virus
Nguyên nhân gây ra các bệnh lây qua đường tình dục là do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc nấm. Chúng lây truyền khi:
– Quan hệ tình dục không an toàn qua đường âm đạo, tiếp xúc đường hậu môn hoặc bằng miệng.
– Tiếp xúc da kề da tại vùng kín chứa mầm bệnh.
– Sử dụng đồ chơi tình dục chưa vệ sinh, bị nhiễm khuẩn.
– Lây từ mẹ sang con trong mang thai hoặc quá trình chuyển dạ.
Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc phải, nếu không biết cách phòng ngừa, bảo vệ khoa học.
2. Các bệnh lây STDs phổ biến, mức độ nguy hiểm
Có khá nhiều bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nguy hiểm, cả nam và nữ, trong nhiều độ tuổi mắc phải. Trong đó, phổ biến hơn cả là những bệnh sau đây:
2.1. Bệnh lậu
Bệnh lậu là một trong các bệnh lây qua đường tình dục do vi khuẩn lậu cầu gây ra. Triệu chứng thường xuất hiện 2-5 ngày sau khi nhiễm bệnh bao gồm:
– Nam giới: Tiểu buốt, tiểu rắt, dịch tiết mủ từ dương vật
– Nữ giới: Khí hư bất thường, ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, đau bụng dưới
Nếu không điều trị, bệnh lậu có thể gây viêm vòi trứng, vô sinh ở nữ giới và viêm mào tinh hoàn ở nam giới.
Hiện nay, đã có nhiều loại kháng sinh được sử dụng để chữa lậu, bao gồm ceftriaxone, azithromycin hoặc doxycycline. Tuy nhiên, người bệnh không được tự ý mua thuốc, cần khám chuyên sâu với bác sĩ và điều trị bệnh theo đúng liệu trình, ngay cả khi đã hết triệu chứng.
2.2. Bệnh giang mai
Bệnh giang mai do xoắn khuẩn giang mai gây ra, có thể lây qua đường tình dục hoặc từ mẹ sang con. Giang mai gồm 3 giai đoạn:
Giang mai được phát hiện thông qua một số hình thức xét nghiệm
– Giai đoạn 1: Xuất hiện những vết loét không gây đau ở bộ phận sinh dục
– Giai đoạn 2: Phát ban xuất hiện trên da, sốt và đau cơ
– Giai đoạn 3: Tổn thương các cơ quan nội tạng, hệ thần kinh
Giang mai có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị như tổn thương não, tim, mạch máu.
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ cần thực hiện xét nghiệm máu hoặc dịch tổn thương. Dựa trên kết quả thăm khám, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng kháng sinh (thường là penicillin) tiêm bắp hoặc tĩnh mạch. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân phải được theo dõi và xét nghiệm định kỳ, đồng thời tránh quan hệ tình dục.
2.3. Nhiễm chlamydia
Chlamydia là một trong các bệnh lây qua đường tình dục phổ biến nhất do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra. Bệnh có thể gây viêm tắc vòi trứng và vô sinh nếu phát hiện và xử lý muộn. Tuy nhiên, người bệnh bị nhiễm chlamydia không có triệu chứng rõ ràng. Họ thường thấy:
– Tiểu buốt, tiểu rắt
– Dịch tiết bất thường từ âm đạo chị em hoặc dương vật của phái mạnh.
– Đau bụng dưới (nữ giới)
Để phát hiện bệnh từ sớm, chị em nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng 1 lần. Đối với vi khuẩn Chlamydia, phương pháp điều trị chính là sử dụng kháng sinh kê đơn. Thông thường, bệnh nhân được chỉ định dùng Azithromycin liều đơn hoặc Doxycycline dạng uống, dùng trong 7 ngày.
Chlamydia rất dễ tái nhiễm, vì vậy, cần điều trị đồng thời cho cả bạn tình của bạn, và kiêng quan hệ trong sau khi hoàn thành trị liệu 7 ngày.
2.4. Một số bệnh khác
Ngoài các bệnh trên, chị em và đấng mày râu còn có nguy cơ nhiễm một số bệnh khác khi quan hệ, như là:
– Mụn rộp sinh dục: Bệnh do virus Herpes simplex (HSV) gây ra, làm hình thành các mụn nước, vết loét đau ở bộ phận sinh dục. Bệnh có thể tái phát nhiều lần và không thể chữa khỏi hoàn toàn.
– Sùi mào gà: Sùi mào gà do virus HPV (Human papillomavirus) gây ra. Biểu hiện là các u nhú, mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Một số chủng HPV có thể gây ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Bệnh này có thể phòng ngừa bằng vắc xin HPV từ 9 tuổi, cho cả nam và nữ. Bố mẹ nên cho con đến Phòng tiêm chủng TCI (216 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy) tiêm vắc xin theo lịch tiêm chủng để hạn chế nguy cơ nhiễm HPV.
Tình dục không an toàn, HIV gõ cửa
– HIV/AIDS: HIV là virus gây suy giảm miễn dịch ở người, dẫn đến bệnh AIDS. Ngoài lây truyền qua đường tình dục, HIV còn lây qua máu và từ mẹ sang con. Nhiễm HIV có thể không có triệu chứng trong nhiều năm trước khi chuyển sang giai đoạn AIDS, không thể cứu chữa. Đặc biệt, đây là “căn bệnh xã hội” chưa có thuốc đặc trị, chưa có vắc xin.
3. Đặc điểm của các bệnh lây qua đường tình dục là gì?
Hầu hết các bệnh lây qua đường tình dục đều có những đặc điểm cơ bản sau đây, chúng ta cần cảnh giác.
– Lây lan nhanh chóng: Các bệnh lây qua đường tình dục có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, đặc biệt ở những người có nhiều bạn tình. Nhiều người mang mầm bệnh mà không biết, vô tình truyền bệnh cho người khác qua quan hệ tình dục không an toàn.
– Khó phát hiện sớm: Nhiều bệnh lây qua đường tình dục không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu hoặc có triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Điều này khiến việc phát hiện và điều trị sớm gặp nhiều khó khăn.
– Biến chứng nghiêm trọng: Nếu không được điều trị kịp thời, các bệnh lây qua đường tình dục có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Vô sinh, thai ngoài tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, tổn thương não, tim mạch, suy giảm miễn dịch, lây truyền từ mẹ sang con
– Tác động tâm lý: Ngoài tác động về mặt sức khỏe, các bệnh lây qua đường tình dục còn gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý và xã hội như: Khiến người bệnh lo lắng, trầm cảm, tự ti, bị kỳ thị, hoặc ảnh hưởng đến các mối quan hệ…
– Khó điều trị triệt để: Một số bệnh lây qua đường tình dục như HIV, mụn rộp sinh dục không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể kiểm soát. Điều này đòi hỏi người bệnh phải điều trị và theo dõi lâu dài.
– Chi phí điều trị cao: Việc điều trị các bệnh lây qua đường tình dục, đặc biệt là những bệnh suy giảm miễn dịch mạn tính như HIV/AIDS đòi hỏi chi phí rất lớn, gây gánh nặng cho người bệnh và hệ thống y tế.
4. Hướng dẫn phòng ngừa bệnh lây qua đường tình dục
Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục, các bác sĩ TCI khuyến cáo nam giới và phái nữ:
Đừng quên thứ này khi quan hệ tình dục, tránh lây nhiễm bệnh
– Luôn áp dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, ngừa lây nhiễm bệnh qua tiếp xúc trực tiếp.
– Tiêm phòng HPV đúng lịch
– Thực hiện xét nghiệm định kỳ với tất cả các bệnh lây qua đường tình dục.
– Cần tăng cường giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản đối với mọi đối tượng trong độ tuổi sinh sản.
– Ngay khi phát hiện triệu chứng của bất kỳ bệnh nào, đừng ngại thăm khám và chia sẻ với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Có thể nói, các bệnh lây qua đường tình dục là nhóm bệnh nguy hiểm, nhiều khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tâm lý và xã hội. Việc hiểu rõ về các bệnh này, cách phòng ngừa và phát hiện sớm là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Hãy quan hệ tình dục an toàn và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phòng ngừa các bệnh lây qua đường tình dục hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.