Tuổi tác là yếu tố tỷ lệ nghịch với sức khỏe và chất lượng giấc ngủ. Các tình trạng như ngủ chập chờn, khó ngủ, ngủ muộn dậy sớm,… diễn ra ngày một nhiều khi tuổi càng cao. Đặc biệt, nhiều người cao tuổi bị mất ngủ có thể do bệnh lý. Vậy đâu là cách trị mất ngủ cho người già vừa an toàn vừa hiệu quả?
1. Mối quan hệ giữa tuổi tác với tình trạng mất ngủ
Giấc ngủ là điều tất yếu và rất quan trọng đối với sức khỏe của mỗi chúng ta. Đặc biệt là khi lão hóa thường kéo theo những tác hại nghiêm trọng và gây rối loạn giấc ngủ. Một vài biểu hiện đặc trưng của mất ngủ ở người lớn tuổi:
– Thay đổi về giờ giấc nghỉ ngơi: đồng hồ sinh học thay đổi theo tuổi tác. Càng cao tuổi thì giờ giấc ngủ nghỉ càng biến đổi nhiều hơn. Trên thực tế người cao tuổi sẽ phải trải qua các biểu hiện như: ngủ muộn, ngủ trưa nhiều, thức dậy rất sớm,…
– Tỉnh giấc bất ngờ giữa đêm: Khi già đi, chất lượng giấc ngủ cũng giảm dần theo. Người lớn tuổi sẽ tốn rất nhiều thời gian để đi vào giấc ngủ. Tuy nhiên giấc ngủ lại không được sâu và thoải mái.
– Xây dựng lại giờ giấc ngủ khó khăn. Lão hóa khiến cơ thể xuất hiện rất nhiều thay đổi trong cơ thể. Điều này khiến người cao tuổi khó có thể quay lại với lịch trình ngủ như cũ.
Tuổi tác càng cao nguy cơ dẫn đến khó ngủ mất ngủ càng nhiều
Bên cạnh những ảnh hưởng từ tuổi tác, mất ngủ còn có thế xuất hiện do các vấn đề như: trầm cảm, sự tập trung hay trí nhớ, thoái hóa xương khớp,… Khi mất ngủ ở người cao tuổi diễn ra với cường độ cao liên tục sẽ gây ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe tim mạch.
2. Những nguyên nhân chính gây mất ngủ ở người già
Theo một số nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến mất ngủ ở người cao tuổi có thể chia thành 4 nhóm chính như:
– Rối loạn giấc ngủ tiên phát: nhất là chứng ngừng thở lúc ngủ (chủ yếu ở đối tượng bị béo phì). Ngoài ra còn có các hiện tượng chân, tay tự cử động về đêm làm thức giấc.
– Rối loạn giấc ngủ thứ phát: Nổi trội nhất có thể nhắc tới là các chứng đau do bệnh lý về cơ xương khớp (thoái hóa, loãng xương,…). Cơn đau sẽ tăng lên về đêm và sáng làm bệnh nhân bị ngắt quãng giấc ngủ và khó ngủ lại được.
– Bệnh lý về thần kinh: Theo số liệu dự tính, có đến 30% người lớn tuổi (trong cộng đồng), 50% (trong viện dưỡng lão) mắc phải các chứng trầm cảm. Đây chính là yếu tố gây nhiều tác động nhất đến giấc ngủ. Khi này bệnh nhân thường sẽ rất khó để bắt đầu vào giấc và dễ tỉnh giấc giữa đêm. Ngoài ra một số người còn bị kích động đến không thể chợp mắt.
– Sử dụng thuốc: một số loại thuốc như corticoid, thuốc tuyến giáp, thuốc điều trị thần kinh, thuốc chẹn beta, thuốc huyết áp,… sẽ gây ra mất ngủ cho người dùng. Ngoài ra, một vài loại dược phẩm là thuốc ngủ nhưng khiến người cao tuổi bị đảo lộn giấc ngủ, ngủ ngày thức đêm.
3. Khắc phục mất ngủ ở người cao tuổi an toàn
Mong muốn của người bệnh là điều trị chứng mất ngủ đạt được hiệu quả tốt nhất. Điều đầu tiên cần: xác định được rõ nguyên nhân dẫn đến bệnh lý. Từ các nguyên nhân đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị sao cho phù hợp nhất.
3.1. Trị mất ngủ cho người già không sử dụng thuốc
Không dùng thuốc – thay đổi từ lối sống, chế độ sinh hoạt để điều chỉnh lại đồng hồ sinh học. Điều này giúp quá trình cải thiện được diễn ra tự nhiên nhất.
– Không gian, môi trường ngủ hợp lý. Với người cao tuổi, không gian ngủ cần được yên tĩnh, ánh sáng hợp lý.
– Không sử dụng các loại: cà phê, thuốc lá, rượu, bia quá nhiều trong ngày. Ngoài ra cũng nên hạn chế ăn uống quá nhiều gần sát giờ ngủ.
– Thực hiện, nghỉ ngơi và thức dậy đều đặn theo giờ. Không nên ngủ vào ban ngày quá nhiều, hay xem ti vi, thiết bị điện tử quá lâu.
– Rèn luyện thói quen: thể dục, thể thao thường xuyên hàng ngày (sáng khi vừa dậy).
Rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên giúp người cao tuổi cải thiện giấc ngủ tốt hơn
3.2. Trị mất ngủ cho người già bằng thuốc và những lưu ý cần biết
Điều trị bằng thuốc nhằm mục đích giúp người cao tuổi nhanh chóng cải thiện được chất lượng giấc ngủ. Bên cạnh đó cũng đòi hỏi không được gây các ảnh hưởng phụ khác đến sức khỏe người bệnh.
Việc sử dụng thuốc cần phải do các bác sĩ chuyên khoa thần kinh khám và kê đơn cụ thể. Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định từ bác sĩ và thăm khám định kỳ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng hay mua thuốc dùng, tự ý tăng giảm liều lượng thuốc. Người bệnh cũng có thể kết hợp thêm với một số loại thảo dược: tâm sen, trà hoa tam thất,…
Đặc biệt, người cao tuổi không nên tự ý sử dụng thuốc an thần gây ngủ: benzodiazepine (seduxen, valium). Loại này còn có khả năng dẫn đến các hệ lụy nguy hiểm như: suy hô hấp, trầm cảm, ngủ ngày triền miên,…
Những loại thuốc được phép sử dụng trong cải thiện giấc ngủ cho người lớn tuổi: thuốc nonbenzodiazepine, thuốc chống trầm cảm,… Khi mới sử dụng, bạn sẽ bắt đầu từ liều lượng thấp và dần tăng tới khi nhận được hiệu quả. Trong thời gian sử dụng, người bệnh cũng nên chú ý theo dõi về hiệu quả và cả các tác dụng phụ (nếu có).
– Zolpidem: loại thuốc an thần (gây ngủ) được sử dụng trong chữa mất ngủ ngắn hạn, mất ngủ tạm thời. Thuốc được chỉ định dùng 1 liều trước khi ngủ và sử dụng trong tối đa 2 tuần. Tuy nhiên thuốc cũng có thể xuất hiện tác dụng phụ như: khó thở, mê sảng, suy nhược cơ thể, chóng mặt, đau dạ dày,… Nếu người bệnh có thấy thì cần phải trao đổi liên hệ ngay với bác sĩ ngay.
– Eszopiclone: giúp giảm lo âu, căng thẳng và kéo dài giấc ngủ, hạn chế thức giấc giữa đêm. Một vài tác dụng phụ không mong muốn là: đau đầu, buồn nôn, dễ bị kích động, ảo giác. Vì vậy người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng, thay đổi liều lượng khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
– Melatonin được sử dụng với các trường hợp bị mất ngủ do thay đổi múi giờ. Loại này cũng được chỉ định sử dụng trong ngắn hạn và theo liều lượng phù hợp.
Sử dụng thuốc trong điều trị mất ngủ ở người cao tuổi cần chú ý theo chỉ dẫn của bác sĩ
Người bệnh cũng có thể kết hợp hai cách trên để có thể sớm cải thiện tình trạng mất ngủ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.