Theo thống kê của Globocan, ung thư vú đứng thứ ba về số ca mắc mới tại Việt Nam trong năm 2020. Đây là căn bệnh ác tính vô cùng phổ biến ở phái nữ và ngày càng có xu hướng gia tăng. Vậy ung thư vú có thể chữa được không? Hãy tìm hiểu các phương pháp điều trị ung thư vú phổ biến nhất hiện nay thông qua bài viết này nhé!
1. Tổng quan về ung thư vú
1.1. Ung thư vú là gì?
Ung thư vú là tình trạng các khối u ác tính xuất hiện ở vú. Những khối u này được hình thành do một số tế bào tuyến vú phát triển liên tục mà không kiểm soát được, chúng có khả năng phân chia rất mạnh, có thể xâm lấn những vị trí xung quanh và di căn xa đến các cơ quan khác trong cơ thể.
1.2. Một số dấu hiệu nhận biết ung thư vú
– Đau vùng vú: đau thành từng cơn không thường xuyên hoặc thỉnh thoảng đau nhói như bị kim châm.
– Đầu vú chảy dịch: một số bệnh nhân có hiện tượng chảy dịch ở đầu núm vú, dịch có thể lẫn máu.
– Nổi u ở vùng vú hoặc hạch ở hố nách, có thể sờ thấy bằng tay.
– Ở giai đoạn muộn, khối u có thể xâm lấn gây lở loét, hoại tử ngoài da, chảy dịch có mùi hôi.
– Đặc biệt, khi ung thư đã di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể thì người bệnh còn có một số triệu chứng như: đau xương, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,… Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân nhanh, đôi khi có biểu hiện sốt.
Nổi u, hạch ở hố nách có thể báo hiệu nguy cơ mắc ung thư vú
2. Các giai đoạn phát triển của ung thư vú
– Giai đoạn 1: Khối u rất nhỏ, đường kính lớn nhất khoảng 2cm hoặc nhỏ hơn. Không có hạch di căn tới vùng nách.
– Giai đoạn 2: Giai đoạn này được đặc trưng bởi khối u có đường kính từ 2-5cm, có thể xuất hiện hạch nách di căn cùng bên, di động được.
– Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư đã phát triển mạnh và xâm lấn các hạch bạch huyết nhưng chưa lan sang các bộ phận khác. Dựa vào kích thước khối u và khối lượng của hạch bạch huyết mà giai đoạn này chia thành ba loại: 3A, 3B và 3C.
– Giai đoạn 4: Ung thư vú đã lan rộng hoặc di căn đến các bộ phận khác trên cơ thể, thường là xương, gan, não, hoặc phổi.
3. Các phương pháp điều trị ung thư vú
3.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp can thiệp ngoại khoa để cắt bỏ khối u ở vú, thường được áp dụng khi khối u chưa lan rộng sang các bộ phận khác trên cơ thể.
Phẫu thuật cũng là phương pháp được áp dụng rộng rãi nhất khi điều trị ung thư vú, bao gồm các loại sau đây:
– Phẫu thuật cắt bỏ khối u trong vú: Tập trung loại bỏ khối u và một số mô lành xung quanh vị trí khối u.
– Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú: Loại bỏ toàn bộ vú chứa tế bào ung thư và nạo vét hạch.
– Phẫu thuật loại bỏ hạch bạch huyết: Áp dụng khi ung thư vú đã di căn đến hạch bạch huyết, thường chỉ cắt bỏ những hạch ở gần, đã di căn hoặc có nguy cơ di căn cao, bảo tồn các hạch còn lại.
Sau phẫu thuật, người bệnh có thể cân nhắc thực hiện tái tạo vú bằng silicon hoặc sử dụng mô vú để tái tạo nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ.
3.2. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia năng lượng cao hoặc các tia phóng xạ khác nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của chúng và làm giảm nguy cơ tái phát.
Xạ trị có thể được thực hiện ở trong hoặc ngoài cơ thể và có thể được chỉ định kết hợp với phương pháp phẫu thuật.
Thời gian thực hiện xạ trị ung thư vú có thể kéo dài từ 3 ngày đến 6 tuần tùy theo phác đồ điều trị.
3.3. Hóa trị
Hóa trị chú trọng sử dụng các loại thuốc đặc hiệu hoặc hóa chất có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư và giảm tốc độ phát triển cũng như lây lan của chúng sang các cơ quan khác.
Hóa trị có tác dụng toàn thân nên có thể được sử dụng trong cả giai đoạn ung thư di căn xa, giúp kiểm soát hiệu quả các triệu chứng, giảm tiến triển bệnh và giảm đau đớn cho bệnh nhân.
Hầu hết các loại thuốc hóa trị được đưa vào cơ thể thông qua tiêm tĩnh mạch
3.4. Liệu pháp hormone
Phương pháp này được sử dụng để ngăn chặn hoạt động của các loại hormone và kìm hãm sự phát triển của khối u. Liệu pháp hormone chỉ phát huy tác dụng với các loại ung thư vú nhạy cảm với hormone, hay còn được gọi là ung thư thụ thể progesterone dương tính, estrogen dương tính,…
Liệu pháp hormone có thể được thực hiện trước hoặc sau phẫu thuật và thường được kết hợp với các phương pháp khác nhằm ngăn ung thư tái phát. Với ung thư giai đoạn di căn, liệu pháp hormone sẽ giúp thu nhỏ và kiểm soát khối u tốt hơn.
Một số liệu pháp hormone thường được sử dụng có thể kể đến như:
– Thuốc ngăn hormone dính lấy tế bào ung thư
– Thuốc ngăn cơ thể sản sinh estrogen (dùng cho phụ nữ mãn kinh)
– Phẫu thuật hoặc thuốc ngăn sản sinh hormone buồng trứng
3.5. Liệu pháp điều trị đích
Một số loại thuốc đặc hiệu có khả năng tấn công chính xác vào tế bào ung thư ác tính mà không gây hại đến các tế bào khỏe mạnh xung quanh. Phương pháp này giúp đem lại hiệu quả cao trong điều trị ung thư vú, nhưng mức độ phổ biến còn hạn chế bởi giá thành cao.
Liệu pháp nhắm trúng đích giúp hạn chế tác động xấu tới các mô lành xung quanh khối u
3.6. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là sử dụng chính hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại và tấn công tế bào ung thư. Nguyên nhân là do tế bào ung thư có thể sản sinh protein “đánh lừa” hệ miễn dịch, liệu pháp này sẽ can thiệp vào quá trình đó để định vị được chúng.
Liệu pháp miễn dịch có thể đáp ứng tốt các trường hợp ung thư không có thụ thể progesterone, estrogen hoặc HER2.
Căn cứ vào từng giai đoạn bệnh, kích thước khối u, tuổi tác và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng một hoặc kết hợp các phương pháp điều trị ung thư vú theo phác đồ phù hợp nhất để có thể tối ưu hiệu quả. Nếu có bất cứ thắc mắc nào trong quá trình điều trị, bạn đừng ngần ngại mà hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩ
n đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.