Ngoài các biểu hiện đặc trưng của người bị parkinson, đó là: run tay – chân, chậm chạp, đơ cứng, mất thăng bằng,… thì chảy nước dãi cũng gây ra nhiều phiền toái đối với người bệnh. Cùng tìm hiểu về bệnh parkinson gây chảy nước dãi như thế nào? Phương pháp nào để tránh được chứng chảy nước dãi? Những loại thuốc nào có thể giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng này.
1. Cơ chế khiến bệnh nhân parkinson bị chảy nước dãi
Mặc dù biểu hiện chảy nước dãi không có trong tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh parkinson, nhưng có đến ⅔ số bệnh nhân bị bệnh parkinson gặp phải vấn đề chảy nước dãi. Chảy nước dãi (chảy quá nhiều nước miếng) là chuyện rất phiền toái đối với bệnh nhân bị bệnh Parkinson.
Tìm hiểu về bệnh parkinson sinh cơ chế gây chảy nước dãi ở người bệnh: đó là do bệnh nhân bị Parkinson thường bị giảm các cử động của các cơ bắp. Các cơ ở bên trong miệng, phụ trách cử động của họng và lưỡi, cũng bị ảnh hưởng, gây ra khó nuốt. Vì thế các cơ này của người bệnh không thể cử động nuốt nước miếng thường xuyên được như ở người bình thường, từ đó gây ra chứng chảy nước dãi.
Chảy nước dãi trong bệnh Parkinson là do giảm nuốt nước miếng, chứ không phải là do tăng tiết nước miếng. Ngoài ra, đôi khi bệnh nhân bị Parkinson có tư thế đầu cúi ra trước và gục xuống, nên phần nước miếng dư ra sẽ bị dồn ra phía trước của miệng, kết quả là gây chảy dãi.
Ban đầu có thể chỉ chảy dãi vào ban đêm và bệnh nhân Parkinson thấy ướt gối khi thức dậy buổi sáng, nhưng về sau thì chảy dãi có thể gây phiền toái suốt cả ngày.
– Chảy nước dãi quá nhiều có thể làm cho hít nước dãi vào trong phổi và gây ra viêm phổi.
– Chảy dãi làm cho vệ sinh răng miệng kém và làm ướt đồ.
– Người bị chứng chảy dãi có thể sẽ mắc cỡ với xung quanh và tự giảm bớt các hoạt động giao tiếp, làm cho họ lại càng bị cô lập hơn và càng bị trầm cảm hơn.
Có đến ⅔ số bệnh nhân bị bệnh parkinson gặp phải vấn đề chảy nước dãi.
2. Phương pháp nào để tránh được chứng chảy nước dãi?
Do giảm động tác nuốt, nên nước miếng tích đọng ở trong miệng, vì thế người bệnh parkinson nên tự nhắc mình nuốt nước miếng thường xuyên.
Việc nhai kẹo cao su cũng giúp cho phản xạ nuốt tự động, vốn bị suy giảm trong bệnh Parkinson. Bạn cũng nên giữ cho tư thế người thẳng, sao cho đầu không bị chúi ra trước. Vì thế, bạn hãy lưu ý và thường xuyên chỉnh lại tư thế, khi bạn thấy tư thế đã trở thành vấn đề.
Ngoài ra, khi không ăn và uống, thì hãy tập ngậm chặt miệng. Cũng đừng dùng thức ăn có đường, vì sẽ gây tăng tiết nước miếng. Nhớ luôn đem theo khăn tay.
Những loại thuốc giúp cải thiện tình trạng chảy nước dãi
Có nhiều loại thuốc khác nhau dùng để trị chứng chảy dãi. Việc bác sĩ của bạn cho tăng thêm liều thuốc chữa bệnh Parkinson dạng dopaminergic cũng có thể giúp giảm chảy dãi. Có thể thử dùng các thuốc sau đây sau khi tham vấn bác sĩ của bạn:
– Amitriptyline là một thuốc chống trầm cảm và có tác dụng phụ là gây khô miệng.
– Trihexyphenidyl là một thuốc kháng cholinergic và có tác dụng phụ là gây khô miệng. Tuy nhiên thuốc này cũng khó dung nạp do các tác dụng phụ khác, nhất là ở người già.
– Atropin 1 % dạng giọt, nhỏ vào miệng 1-2 giọt, mỗi ngày 1-3 lần tùy theo nhu cầu.
– Scopolamine dạng miếng dán, dán phía sau tai, cứ 3 ngày 1 lần, cũng có thể giúp làm giảm chảy dãi.tìm hiểu về bệnh parkinson
– Tiêm chích botulinum toxin.
Cần ghi nhớ là các thuốc này cũng có thể có tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ có thể khó mà dung nạp được, nhất là trên người già. Chỉ dùng các thuốc này khi được bác sỹ theo dõi chặt chẽ. Bạn không nên cố tự điều chỉnh liều.
Người bệnh parkinson nên tự nhắc mình nuốt nước miếng thường xuyên.
3. Tìm hiểu về bệnh parkinson khi tiêm botulinum toxin
Botulinum toxin là độc tố thần kinh, khi tiêm vào thì có thể làm giảm chảy dãi. Thuốc được chích vào các tuyến tiết nước bọt. Botulinum toxin làm giảm lượng nước bọt do các tuyến này tiết ra và do vậy làm giảm chảy dãi.
Hầu hết nước bọt trong cơ thể chúng ta là do 2 tuyến tiết ra. Đó là các tuyến mang tai và tuyến dưới hàm. Tuyến dưới hàm tiết ra một lượng lớn hơn nhiều. Điều trị bằng botulinum toxin sẽ hiệu quả hơn nếu chích thuốc vào cả hai tuyến. Hiệu quả của phương pháp cũng còn phụ thuộc vào mức độ tiết nước dãi. Thường thì điều trị hiệu quả rõ rệt hơn nếu lượng chảy nước dãi còn ít. Khi số lần chảy nước dãi tăng lên, thì hiệu quả điều trị cũng giảm đi nhiều.
Liều lượng của botulinum toxin sẽ được gia giảm tùy theo tình trạng bệnh của người bệnh. Điều trị bằng botulinum toxin chỉ có tính tạm thời, hiệu quả điều trị kéo dài trong ba đến bốn tháng, sau đó thì phải chích lặp lại.
Botulinum toxin cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ, như khô miệng quá mức, khó nuốt hơn và đau ở chỗ chích. Ngoài ra, việc làm giảm tiết ọt kéo dài cũng có thể làm cho sâu răng.
Vì vậy nếu phải điều trị lâu dài, thì nên khám nha khoa định kỳ. Có vài bước giúp làm giảm các tác dụng phụ này. Khởi đầu điều trị nên dùng liều thấp và chỉ chích vào tuyến mang tai thôi, vì tuyến này tiết ít nước bọt.
Nếu chảy dãi không cải thiện được, thì dùng liều cao hơn. Những trường hợp kháng trị, thì có thể phải phẫu thuật, ví dụ thắt ống của tuyến bọt mang tai, chuyển vị tuyến, cắt dây thần kinh của tuyến, hoặc cắt bỏ tuyến.
4. Nhận biết các biểu hiện và chẩn đoán
4.1 Tìm hiểu về bệnh parkinson qua các biểu hiện lâm sàng
– Run trong bệnh Parkinson là run vô căn, tay run kiểu như vê thuốc lào hoặc kiểu đếm tiền, thường không đối xứng.
– Giảm động được đặc trưng bằng chậm chạp vận động toàn thân, đặc biệt là sự khéo léo của ngón tay và dáng bộ(thường kéo lê).
– Dáng đi đông cứng (đông cứng dáng đi), các khớp kiểu đơ cứng khi người khám gập duỗi chi.
– Mất thăng bằng tư thế có thể đánh giá bằng test “lôi kéo”, trong đó người khám đứng phía sau kéo vai bệnh nhân.
Những dấu hiệu như: mắt cứng đơ, chớp mắt giảm, tăng tiết nước bọt, loạn vận ngôn do giảm động, chữ viết nhỏ, và rối loạn giấc ngủ,… không có trong tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh parkinson nhưng đó là những triệu chứng có thể gặp ở những bệnh nhân bị parkinson.
– Sa sút trí tuệ trong bệnh Parkinson đặc thù là kiểu dưới vỏ não biểu hiện bằng trì trệ tâm thần, khó nhớ, và thay đổi nhân cách.
Các biểu hiện của bệnh parkinson trên lâm sàng.
4.2 Tìm hiểu về bệnh parkinson phân biệt với bệnh khác
Các dấu hiệu của parkinson rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý sau đây, cần chẩn đoán đúng:
– Sa sút trí tuệ thể Lewy
– Sa sút trí tuệ thuỳ trán thái dương
– Bệnh Alzheimer
– Thoái hoá vỏ não hạch nền
– Bệnh Hungtington
– Do thuốc (thuốc an thần, các thuốc đồng vận dopamine)
– Bệnh chuyển hoá (bệnh Wilson, thoái hoá thần kinh do ứ sắt)
– Nhiễm độc (carbon monoxide, manganese),….
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.