Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3 đã phát triển đến lớp cơ dạ dày, có khả năng lan đến nhiều hạch bạch huyết nhưng chưa di căn đến các cơ quan ở xa. Nếu được điều trị tích cực, bệnh nhân ung thư giai đoạn này vẫn có cơ hội kiểm soát bệnh, kéo dài thời gian sống.
1. Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3 tiến triển như thế nào?
Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến ở cả nam giới và nữ giới, đặc biệt là ở các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Biểu hiện bệnh ung thư dạ dày có thể xuất hiện sớm nhưng lại khá mơ hồ và rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh lý đường tiêu hóa thông thường. Chính vì vậy mà có đến khoảng 80% bệnh nhân ung thư dạ dày đến viện khám đã ở giai đoạn muộn và di căn (giai đoạn 3 và 4).
Ung thư dạ dày phát hiện muộn khi đã tiến triển tới giai đoạn 3, giai đoạn 4.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3 phát triển theo hướng:
1.1. Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3A
Ung thư phát triển đến lớp màng mô liên kết, có thể lan đến 7 – 15 hạch bạch huyết gần đó; ung thư cũng có thể lan đến 3 – 6 hạch bạch huyết; ung thư có thể phát triển qua thành dạ dày lan đến 1 – 2 hạch bạch huyết hay 3 – 6 hạch bạch huyết… Ung thư giai đoạn này chưa di căn đến các cơ quan ở xa.
1.2. Ung thư dạ dày giai đoạn 3B
Ung thư phát triển xâm lấn lớp cơ dưới niêm mạc, có thể lan đến trên 16 hạch bạch huyết; ung thư cũng có thể xâm lấn tới lớp cơ hay dưới thanh mạc; u cũng có thể xâm lấn qua thành dạ dày đến các cấu trúc lân cận…
1.3. Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3C
Đối với ung thư dạ dày ở giai đoạn 3C, tế bào ác tính dần xâm lấn đến thanh mạc và ít nhất 7 hạch lympho. Giai đoạn này cũng được xác định khi tế bào ung thư xâm lấn tới các cơ quan gần dạ dày và xuất hiện từ 3 hạch bạch huyết trở lên.
2. Những biểu hiện bệnh ở giai đoạn 3
Không giống như ung thư dạ dày giai đoạn đầu, khi bệnh phát triển tới ung thư giai đoạn 3 đã có những biểu hiện rõ ràng hơn rất nhiều. Một số triệu chứng có thể gặp ở bệnh nhân ung thư giai đoạn này là:
– Sút cân
– Đau bụng âm ỉ
– Buồn nôn, nôn ói liên tục
– Chán ăn
– Khó nuốt
– Đi ngoài phân đen
– Xuất hiện nhiều hạch quanh rốn
Ung thư dạ dày khởi phát với các triệu chứng “cỏn con” khó lường, chỉ khi các dấu hiệu này “lớn dần” và gây ảnh hưởng mạnh tới sức khỏe thì người bệnh mới chủ động thăm khám. Lúc này, bệnh đã phát triển ở giai đoạn nặng thường là giai đoạn 3 hoặc 4, gây nhiều khó khăn cho việc điều trị cùng tiên lượng bệnh xấu.
Các triệu chứng ung thư ở giai đoạn 3 dần rõ ràng hơn và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người bệnh.
3. Điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 3 như thế nào?
Điều trị bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3 như thế nào, thực hiện cụ thể ra sao sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại ung thư, giai đoạn phát triển, thể trạng người bệnh, mong muốn điều trị của người bệnh…
Phẫu thuật với mục đích điều trị triệt căn có thể là lựa chọn cho bệnh nhân ung thư giai đoạn này nếu quá trình thăm khám không có di căn hạch lan rộng. Xạ trị và hóa trị sau mổ cũng phổ biến cho bệnh nhân ung thư giai đoạn 3 với vai trò bổ trợ điều trị.
Trên hết, người bệnh cần giữ một tinh thần ổn định và thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được lên phác đồ điều trị chi tiết. Sau đó, tiếp nhận việc điều trị và tuân thủ đúng các chỉ định.
Người bệnh ung thư dạ dày cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được lên phác đồ điều trị cụ thể.
3. Ung thư dạ dày giai đoạn 3 sống được bao lâu?
Tỷ lệ sống 5 năm đối với ung thư dạ dày giai đoạn 3 sẽ giảm dần theo tiến triển của bệnh cụ thể:
– Tỷ lệ sống 5 năm của ung thư dạ dày ở giai đoạn 3A là khoảng 20%.
– Tỷ lệ sống 5 năm của ung thư dạ dày ở giai đoạn 3B là khoảng 14%.
– Tỷ lệ sống 5 năm của ung thư dạ dày ở giai đoạn 3C là khoảng 9%.
Tuy nhiên, người bệnh ung thư dạ dày sẽ sống được bao lâu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau và không dễ kiểm soát. Việc người bệnh cần làm hơn hết đó là tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ chỉ định đồng thời thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học và luôn giữ cho mình một tinh thần lạc quan, đối diện với bệnh tật một cách tích cực. Trên thực tế, yếu tố tinh thần là một phần hết sức quan trọng và mang tới ảnh hưởng trực tiếp xuyên suốt tới quá trình điều trị.
Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3 nguy hiểm nhưng chưa phải “án tử” với người bệnh. Cách đối phó tốt nhất với ung thư đó là phát hiện sớm, điều trị sớm bằng cách sàng lọc khám sức khỏe định kỳ. Vì vậy, mỗi người đặc biệt là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc ung thư dạ dày, cần chủ động thăm khám và sàng lọc ung thư đúng cách để kịp thời đối phó với bệnh khi cần thiết.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.