Ung thư da là loại ung thư phổ biến nhất ở Anh, với khoảng 100.000 trường hợp được chẩn đoán mỗi năm. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư da thấp hơn so với các bệnh ung thư khác.
Phân loại ung thư da
Ung thư da được chia thành 3 loại:
Ung thư da hắc tố (Melanoma): Đây là loại ung thư da phát triển từ các melanocytes.
Ung thư da không hắc tố. Đây là loại phổ biến hơn ung thư da hắc tố khoảng 20 lần. Chúng được chia thành:
Ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC) – ung thư da phát triển từ tế bào đáy.
Ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC) – ung thư da phát triển từ tế bào sừng.
Ung thư da là sự tăng trưởng mất kiểm soát của tế bào, tạo thành tế bào ung thư. Các khối u ác tính có thể xâm nhập vào các mô lân cận và gây ra thiệt hại. Hầu hết các loại khối u ác tính cũng có xu hướng lây lan (di căn) đến các bộ phận khác của cơ thể. Trong đó, ung thư da hắc tố có nguy cơ lây lan nhiều nhất, và rất hiếm trường hợp BCC hoặc SCC lây lan.
Ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC)
Ung thư da biểu mô tế bào đáy thường có màu đỏ, hồng, hoặc ngọc trai. Khối u có thể đóng vảy, loét hoặc gây chảy máu.
Đây là loại ung thư da phổ biến nhất ở người da trắng và hiếm gặp ở người có làn da sẫm màu. BCC cũng phổ biến hơn ở người lớn tuổi, từ 75 tuổi trở lên.
Ung thư biểu mô tế bào đáy thường phát triển ở những nơi thường xuyên tiếp xúc ánh nắng như đầu và cổ. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ phần da nào.
Dấu hiệu thường gặp là xuất hiện cục u nhỏ màu đỏ, hồng hoặc ngọc trai. Các khối u thường là hình vòm. BCC thường phát triển rất chậm và có thể mất nhiều tháng để tăng kích thước. Theo thời gian, khối u trên da có thể đóng vảy, loét hoặc chảy máu. BCC rất hiếm khi lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên, nếu không điều trị bệnh sẽ tiếp tục phát triển tại chỗ và gây thiệt hại đến cấu trúc da gần đó. Ví dụ, ung thư da trên mặt có thể làm xói mòn và hỏng mũi hoặc tai.
Ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC)
Nếu không điều trị, ung thư da biểu mô tế bào vảy có thể làm xói mòn và phá hủy các cấu trúc ở gần như mũi, tai, vv…
Đây là loại ung thư da phổ biến thứ hai ở người da trắng và cũng hiếm ở người da sẫm màu. Bệnh cũng phổ biến hơn ở người lớn tuổi.
Ung thư biểu mô tế bào vảy thường phát triển trên mặt, xung quanh tai hoặc môi. Tuy nhiên các vùng da bất kỳ đều có thể bị ảnh hưởng.
Triệu chứng ban đầu là một khu vực đóng vảy có màu đỏ hoặc hồng. Nó có thể phát triển thành một khối u trông giống như một mụn cóc. Ung thư biểu mô tế bào vảy ở giai đoạn sớm có kích thước, hình dạng, màu sắc khác rất nhiều so với giai đoạn muộn.
Một khối u có thể phát triển rộng hơn và sâu hơn, gây thiệt hại cấu trúc gần đó. Ví dụ, nếu không được điều trị, khối u gần mũi hoặc tai có thể gây xói mòn và phát hủy hoàn toàn mũi và tai. Khối u cũng có thể lây sang các khu vực khác. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều được phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu, trước khi bệnh lây lan.
Melanoma (ung thư da hắc tố)
Phân biệt giữa nốt ruồi thường và ung thư da hắc tố.
Ung thư da hắc tố là loại ít phổ biến nhất của ung thư da, nhưng lại nguy hiểm nhất. Ung thư da hắc tố thường lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi, và tỷ lệ mắc ở nữ giới cao gấp đôi so với nam giới.
Một khối u ác tính thường bắt đầu với một nốt ruồi, nó có thể phát triển từ phần da bình thường hoặc từ một nốt ruồi sẵn có.
Dấu hiệu của ung thư da hắc tố:
– Nốt ruồi bất đối xứng (không cân đối): Một nửa nốt ruồi hoặc vết chàm không cân xứng với phần còn lại.
– Cạnh nốt ruồi không đều: Các cạnh nốt ruồi không đều, hình chữ V, hoặc mờ nhạt.
– Màu sắc nốt ruồi bất thường: Màu sắc nốt ruồi khác thường so với các nốt ruồi còn lại trên cơ thể, chẳng hạn có màu hồng, đỏ, trắng, xanh… hoặc nhiều màu khác nhau.
– Đường kính nốt ruồi lớn: Những nốt ruồi có kích thước lớn trên 6mm rất có thể là dấu hiệu ung thư hắc tố
Dấu hiệu cảnh báo khác bao gồm:
– Một vết loét không lành
– Các sắc tố lây lan từ một điểm tới các phần da xung quanh
– Vùng da ngoài cạnh mép nốt ruồi bị đỏ, sưng
– Cảm giác bị ngứa, đau ở nốt ruồi
– Thay đổi bề mặt của một nốt ruồi: chảy máu, mủ, sưng
Nguyên nhân gây ung thư da?
Nguyên nhân chủ yếu gây ung thư da là tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời. Khoảng 9/10 trường hợp ung thư da là ung thư không hắc tố, và 6/10 trường hợp ung thư hắc tố là do tiếp xúc quá nhiều với tia UV trong ánh nắng mặt trời.
Điều trị và tiên lượng cho ung thư da
Tất cả các loại ung thư da đều có thể chữa được nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Đối với ung thư da không hắc tố: Tỷ lệ chữa khỏi bệnh lên tới trên 95%. Tuy nhiên, nếu ung thư đã phát triển rộng, việc điều trị sẽ gặp khó khăn hơn vì cần phải phẫu thuật rộng hơn.
Đối với các khối u ác tính: Nguy cơ lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể là rất cao. Đây là lý do tại sao điều trị sớm là việc hết sức cần thiết. Ung thư hắc tố thường được điều trị bằng phẫu thuật để loại bỏ các khối u ác tính. Nếu ung thư đã lan rộng đến các khu vực khác của cơ thể thì cơ hội chữa bệnh sẽ bị giảm đi. Phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị hay liệu pháp miễn dịch có thể được sử dụng cho các khối u ác đã lan rộng.
Các biện pháp phòng ngừa ung thư da
Luôn bôi kem chống nắng 2 giờ 1 lần khi ra ngoài nắng để bảo vệ da.
Hầu hết các trường hợp ung thư da là do tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, do vậy việc hạn chế tiếp xúc sẽ giúp phòng bệnh hiệu quả.
– Không nên ra ngoài vào thời điểm 11h sáng tới 3h chiều.
– Mặc quần áo rộng, dài, đội mũ rộng vành khi đi ra ngoài trời nắng
– Luôn sử dụng kem chống nắng có độ SPF ít nhất là 15, và SPF 30 dành cho trẻ em hoặc những người da sáng màu, và nên dùng kem chống nắng có bảo vệ cả tia UVA.
Để đặt lịch khám, hoặc tư vấn điều trị ung thư, bạn vui lòng liên hệ tới đường dây nóng 0936 388 288 để được hỗ trợ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.