Ung thư gan là căn bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Bệnh lý này bao gồm hai loại là ung thư gan nguyên phát và thứ phát. Hãy cùng tìm hiểu sự khác nhau giữa hai loại bệnh này về khái niệm, đặc điểm, tiên lượng sống, mục đích điều trị… trong bài viết dưới đây.
1. Thực trạng báo động của bệnh ung thư gan tại Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế Globocan năm 2020, ung thư gan là bệnh lý đứng đầu cả về tỷ lệ mắc mới và tử vong tại Việt Nam. Trong đó số lượng bệnh nhân mắc mới là 26.418 người/ năm chiếm 14,5% trong tổng số các bệnh ung thư ở cả hai giới, đặc biệt số lượng nam giới mắc bệnh lên đến 20.256 người. Số người tử vong vì căn bệnh này là 25.272 người vào năm 2020 chiếm tỷ lệ 20,6% trong tổng số các ca tử vong do ung thư.
Cũng theo cơ quan này, dự đoán vào năm 2040 số lượng bệnh nhân ung thư gan mắc mới sẽ còn tăng thêm 55,7% là 41.124 người, và tăng thêm 55,0% tương ứng với 39,172 người tử vong do ung thư gan tại Việt Nam.
2. Phân biệt ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát
Ung thư gan là một bệnh lý ác tính không chỉ lấy đi mạng sống của nhiều người bệnh tại Việt Nam mà còn nhiều bệnh nhân trên toàn thế giới. Trong đó ung thư gan gồm hai phân loại bệnh là ung thư gan nguyên phát và thứ phát. Hai phân loại bệnh này có nhiều sự khác nhau về cả cách hình thành và tiến triển, triệu chứng, tiên lượng điều trị…
2.1 Khái niệm
– Ung thư gan nguyên phát là ung thư có tế bào ác tính xuất phát bắt đầu tại gan. Các tế bào này trở nên đột biến, phát triển quá mức không kiểm soát từ đó hình thành nên khối u ác tính tại gan. Ở giai đoạn muộn các tế bào ác tính sẽ xâm lấn, di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.
– Ung thư gan thứ phát là ung thư không bắt nguồn từ tế bào tại gan mà do các tế bào ung thư từ một cơ quan khác ngoài gan di căn đến gan hình thành nên khối u ở đó. Các loại ung thư thường di căn sang gan hình thành nên ung thư gan thứ phát là ung thư dạ dày, đại trực tràng, ung thư vú, ung thư thực quản, ung thư phổi…
Ung thư vú giai đoạn cuối có thể di căn sang các cơ quan khác trên cơ thể, hình thành nên các khối u tại gan, phổi, não…
2.2 Triệu chứng của ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát
– Đối với ung thư gan nguyên phát: Người bệnh sẽ trải qua các giai đoạn phát triển của khối u, thông thường người bệnh sẽ phải đối mặt với các triệu chứng gây ra bởi khối u tại gan như là: Đau tức bụng bên phải, rối loạn tiêu hóa, chướng bụng, ngứa da, nước tiểu sậm màu, vàng da, vàng mắt… Khi bệnh tiến triển sang giai đoạn cuối người bệnh có thể vừa phải chịu đựng các triệu chứng do khối u nguyên phát tại gan và các triệu chứng khi ung thư di căn đến cơ quan khác.
Đau tức bụng bên phải là một trong những triệu chứng của bệnh ung thư gan nguyên phát
– Đối với ung thư gan thứ phát: Nghĩa là người bệnh đang ở giai đoạn cuối của một dạng ung thư nguyên phát nào đó ở quan khác trên cơ thể ngoài gan. Lúc này bệnh nhân sẽ có hàng loạt các triệu chứng do căn bệnh ung thư nguyên phát gây ra và kèm theo triệu chứng của ung thư gan.
1.3 Tiên lượng sống
Ung thư gan nguyên phát
Mắc ung thư gan nguyên phát người bệnh vẫn có cơ hội sống cao nếu như được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Khả năng chữa khỏi nếu khối u kích thước nhỏ. Với kích thước khối u dưới 3cm thì tỷ lệ sống trên 5 năm có thể là 80-90%. Tỷ lệ này sẽ giảm còn 60% nếu kích thước khối u đạt 3-6cm, và giảm sâu hơn nữa chỉ còn khoảng 10-15% cơ hội sống nếu kích thước khối u vượt quá 6cm. Và đến khi kích thước khối u lớn hơn 10cm thì khả năng không thể chữa khỏi được là rất cao.
Ung thư gan thứ phát
Khi phát hiện khối u thứ phát tại gan đồng nghĩa với việc bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư. Vậy nên tiên lượng sống rất xấu, thời gian sống không còn kéo dài, người bệnh không có cơ hội thoát bệnh hoàn toàn.
2.4 Điều trị ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát
Mục đích điều trị của ung thư gan nguyên phát và thứ phát là khác nhau.
Đối với ung thư gan thứ phát, nghĩa là bệnh ở giai đoạn cuối của một căn bệnh ung thư đã di căn đến gan, vì thế việc điều trị chỉ nhằm mục đích kéo dài thêm thời gian sống cho bệnh nhân, giảm nhẹ triệu chứng do ung thư tác động. Thời điểm này sẽ không có phương pháp nào có thể điều trị giúp khỏi hoàn toàn.
Khác với điều trị ung thư gan nguyên phát, mục đích điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, số lượng, vị trí, kích thước khối u, chức năng gan, mức độ di căn… Khi ung thư gan chưa tiến triển đến giai đoạn cuối thì mục đích điều trị chủ yếu là triệt căn, loại bỏ khối u ra khỏi cơ thể, tiêu diệt và kiểm soát sự phát triển của tế bào ác tính.
Các phương pháp điều trị có thể được sử dụng là phẫu thuật cắt bỏ phần gan có khối u, phẫu thuật ghép gan, tiêm cồn vào khối u gan, đốt sóng cao tần khối u gan, nút mạch hóa chất, xạ trị, hóa trị, điều trị đích.
Điều trị ung thư gan bằng phác đồ chuẩn Singapore tại Khoa Ung Bướu Singapore – Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc
3. Tầm soát ung thư – Giải pháp giúp phát hiện sớm bệnh hàng đầu
Để ung thư không là nỗi ám ảnh của người bệnh, và để gia tăng cơ hội điều trị khi ung thư được phát hiện ở trong giai đoạn sớm, thì thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư là điều cần thiết. Tầm soát ung thư sẽ giúp sàng lọc nguy cơ mắc bệnh ung thư gan và các bệnh lý ung thư ngoài gan. Đặc biệt còn giúp phát hiện sớm bệnh lý ung thư sớm, thậm chí là dấu ấn ung thư để từ đó có biện pháp điều trị thích hợp, ngăn chặn ung thư phát triển kịp thời, tránh diễn biến đến giai đoạn xấu, nâng cao cơ hội thoát bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.