Biến chứng tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 liên quan đến biến cố tim mạch có thể lên tới 52 – 80%. Tuổi thọ trung bình của những người bệnh này giảm đi 12 năm. Trong đó, xơ vữa động mạch là biến chứng tim mạch chiếm tỉ lệ rất cao. Khoảng 85% bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ gặp biến chứng tim mạch hoặc đã từng có biến cố bệnh tim mạch do xơ vữa.
1. Xơ vữa động mạch là bệnh gì?
Đây là tình trạng hẹp lòng các động mạch trong cơ thể, chủ yếu do quá trình lắng đọng các chất béo, canxi và các chất thải của tế bào trên thành các động mạch bao gồm động mạch vành, động mạch não và động mạch ngoại biên. Ở bệnh nhân đái tháo đường, bệnh tim mạch có thể xảy ra do xơ vữa động mạch hoặc các nguyên nhân khác.
Xơ vữa động mạch ở người đái tháo đường có thể xảy ra trên cả 3 loại mạch kể trên, với các bệnh cảnh tương ứng gồm:
– Bệnh mạch vành: Thiếu máu cục bộ cơ tim thầm lặng, đau thắt ngực ổn định, nhồi máu cơ tim và đau thắt ngực không ổn định.
– Bệnh mạch máu não: Gồm có đột quỵ nhồi máu não, xuất huyết não và cơn thiếu máu não thoáng qua.
– Bệnh động mạch ngoại biên: Gồm xơ vữa động mạch ở chi dưới, chi trên, động mạch cảnh, động mạch mạc treo, động mạch thận…
Các mảng bám gồm chất béo, canxi và các chất thải khác của máu xuất hiện trên thành mạch được gọi là các mảng xơ vữa.
2. Tại sao bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ cao bị xơ vữa động mạch?
Theo các nghiên cứu, khoảng 85% bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ gặp biến chứng tim mạch hoặc đã từng có biến cố bệnh tim mạch do xơ vữa. Tỷ lệ tử vong do biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường lên tới 52 – 80%. Các bệnh nhân đái tháo đường type 2 có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 2 – 4 lần so với người không bị đái tháo đường.
Bệnh đái tháo đường đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết mạn tính, từ đó tạo ra nhiều chất trung gian làm tổn thương và rối loạn chức năng của các tế bào ở lớp trong của thành động mạch, khiến cho các phân tử cholesterol dễ bám dính, lắng đọng vào và tiến triển thành các mảng xơ vữa gây hẹp tắc các động mạch nuôi tim và nuôi cơ thể.
Bên cạnh đó, nhiều yếu tố nguy cơ ở người bệnh đái tháo đường có thể góp phần thúc đẩy diễn tiến của xơ vữa động mạch, gây ra các biến cố tim mạch nguy hiểm, bao gồm:
– Các yếu tố không thay đổi được như tuổi tác, giới tính, chủng tộc, tiền sử gia đình
– Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được gồm: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, bệnh thận mạn, hút thuốc lá, lười vận động, ăn uống các thực phẩm không lành mạnh, uống nhiều rượu bia, tiếp xúc với ô nhiễm không khí hoặc chất độc hại, stress, lo âu và trầm cảm…
3. Vữa xơ động mạch ở người bệnh đái tháo đường nguy hiểm như thế nào?
Hiện tượng động mạch xơ vữa có thể gây nguy hiểm cho tất cả bệnh nhân nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên tình trạng này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn nếu xảy ra với những người có nền bệnh đái tháo đường.
3.1 Nguy cơ đối với tim
Cụ thể, nếu các mảng xơ vữa nứt vỡ gây tắc hẹp mạch vành cục bộ, gây nhồi máu cơ tim. Ở người bình thường, tình trạng này có thể dẫn đến tình trạng đau thắt ngực đột ngột, dữ dội. Cơn đau có thể xuất hiện sau xương ức, lan lên vai, hàm dưới, mặt trong cánh tay và cẳng tay trái. Cơn đau có thể kéo dài hơn 20 phút kèm khó thở, vã mồ hôi. Trong những trường hợp cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong do suy tim cấp, rối loạn nhịp tim, vỡ tim… Các biến cố này có thể diễn tiến thành suy tim mạn về sau, làm giảm khả năng gắng sức, khiến bệnh nhân phải tái nhập viện nhiều lần và có nguy cơ tử vong dài hạn.
Tuy nhiên ở bệnh nhân đái tháo đường, cơn đau ngực thường không biểu hiện điển hình mà thay vào đó là các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, vã mồ hôi,… Điều này có thể khiến người bệnh chủ quan, không để ý, gây ra những hậu quả nặng nề đe dọa tới tính mạng.
Các động mạch vành ở tim nếu bị xơ vữa có thể gây tắc nghẽn, nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm.
3.2 Nguy cơ đối với não
Người bệnh đái tháo đường có bị đột quỵ do tắc hay vỡ các mạch máu não . Các triệu chứng gồm: nói khó, yếu liệt tay chân, đau đầu, chóng mặt, giảm thị lực,…. Thậm chí người bệnh có thể tử vong trong giai đoạn cấp hoặc gánh chịu những di chứng tàn tật, rối loạn về vận động, cảm giác và ngôn ngữ.
3.3 Nguy cơ với hệ động mạch ngoại biên
Ngoài ra, những biến chứng bệnh động mạch ngoại biên ở người bệnh đái tháo đường có thể trầm trọng hơn so với người bình thường. Bởi đái tháo đường làm cho các mạch máu ở chân dễ bị tổn thương hơn. Người bệnh có thể cảm thấy những cơn đau cách hồi khi đi lại hay nghỉ ngơi, những vết loét chân lâu lành hơn dẫn đến hoại tử chi và đoạn chi nếu không được xử trí kịp thời.
4. Điều trị và phòng ngừa bệnh tim mạch do xơ vữa ở người đái tháo đường
4.1 Điều trị xơ vữa động mạch ở các bệnh nhân đái tháo đường
Tùy vào tình trạng xơ vữa và mức độ bệnh của người bệnh đái tháo đường mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp bao gồm:
– Điều trị bằng thuốc
Nhiều loại thuốc khác nhau có thể được sử dụng để kiểm soát các chỉ số đường huyết, huyết áp, mỡ máu, cải thiện triệu chứng tim mạch như đau ngực, đau cách hồi, phòng ngừa tái phát nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong.
– Trong một số trường hợp tắc nghẽn cấp tính do xơ vữa, bệnh nhân sẽ được tái thông mạch máu bằng cách dùng thuốc tiêu sợi huyết, hoặc tiền hành các biện pháp can thiệp, phẫu thuật khác.
Các biện pháp điều trị trên chỉ mang tính tham khảo. Mỗi cơ sở y tế, mỗi bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp khác nhau. Muốn biết Thu Cúc TCI đang sử dụng các phương pháp điều trị nào hoặc phương pháp nào phù hợp với bạn, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp chi tiết.
4.2 Phòng tránh xơ vữa động mạch ở bệnh nhân đái tháo đường
Điều chỉnh lối sống là liệu pháp nền tảng giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch do xơ vữa ở người đái tháo đường. Các biện pháp bao gồm:
– Ngưng hút thuốc lá
Đây là biện pháp hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để ngăn ngừa tiến trình xơ vữa động mạch. Nếu không phải là người nghiện thuốc, cũng hãy tránh xa khói thuốc vì theo các nghiên cứu, hút thuốc lá thụ động cũng gây ra những tổn hại nghiêm trọng với sức khỏe.
– Hạn chế uống rượu bia
Theo các khuyến cáo, nam không nên uống quá 2 đơn vị rượu mỗi ngày, tương ứng với 2 lon bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu mạnh. Nữ giới thì không quá một nửa số đó.
Thăm khám và điều trị tại chuyên khoa tim mạch sẽ giúp điều trị tình trạng xơ vữa một cách hiệu quả.
– Vận động thường xuyên
Bệnh nhân cần vận động với cường độ vừa phải mỗi 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần.
– Hạn chế các thực phẩm có hại
Đối với cả bệnh tiểu đường và tim mạch, chế độ ăn đều có vai trò rất quan trọng. Bệnh nhân cần hạn chế các thực phẩm có chỉ số đường cao, giảm ăn mặn và hạn chế chất béo bão hòa. Thay vào đó nên ăn nhiều cá (ít nhất 1-2 lần/tuần), chọn thức ăn nhiều chất xơ, ăn nhiều hoa quả nhưng tránh các loại hoa quả có nhiều đường.
– Giảm cân
Nếu thừa cân hoặc béo phì, bệnh nhân đái tháo đường cần giảm cân, duy trì chỉ số khối cơ thể thích hợp.
– Điều trị hiệu quả
Khi đã mắc bệnh tiểu đường, bạn cần tiến hành điều trị ngay theo phác đồ của bác sĩ để kiểm soát chỉ số đường huyết của mình. Kèm theo đó là thay đổi lối sống để ngăn bệnh tiểu đường cùng như các bệnh lý liên quan tiến triển gây biến chứng tim mạch.
Tóm lại, tình trạng xơ vữa động mạch ở bệnh nhân đái tháo đường một khi đã xảy ra sẽ diễn tiến rất nhanh và đe dọa đến tính mạng hoặc gây tàn phế, giảm khả năng vận động và suy giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy, bệnh nhân đái tháo đường thăm khám, điều trị sớm và tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ mới có thể phòng ngừa các bệnh tim mạch do xơ vữa.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.