Triệu chứng mạch vành dễ nhận biết nhất là các cơn đau thắt ngực đi kèm biểu hiện khó thở, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa…
1. Thế nào là bệnh mạch vành?
Bệnh mạch vành là tình trạng động mạch vành tim xuất hiện một hoặc nhiều nhánh bị hẹp hoặc bị cản trở do các mảng xơ vữa. Điều này làm giảm lưu lượng máu và oxy đến cơ tim, gây ra tình trạng đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim.
Nếu tình trạng tắc mạch vành dẫn tới thiếu máu kéo dài mà không được cải thiện, cơ tim có thể bị hoại tử và dẫn đến tử vong.
Bệnh mạch vành có nguy cơ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm
Tùy vào tình trạng bệnh cũng như thể chất mỗi người, triệu chứng mạch vành có thể khác nhau. Hầu hết các triệu chứng xuất hiện mơ hồ và không rõ ràng. Vì vậy, chúng ta cần lắng nghe cơ thể, để có thể nhận ra những thay đổi bất thường và kịp thời điều trị nếu mắc bệnh.
2. Các triệu chứng mạch vành
2.1. Đau thắt ngực dữ dội
Cơn đau thắt ngực có đặc điểm là: đau dữ dội, đột ngột, chủ yếu tập trung ở ngực trái. Người bệnh có cảm giác đè nặng và bị bóp chặt ở ngực. Cơn đau không chỉ tập trung ở ngực trái mà còn lan rộng ra cổ, vai, cánh tay và lưng.
Triệu chứng đau thắt ngực thường kéo dài khoảng vài phút. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hơn và cường độ cơn đau tăng dần, người bệnh cần chú ý theo dõi vì đây có thể đây là biến chứng nhồi máu cơ tim nguy hiểm.
Triệu chứng đau thắt ngực được chia thành 2 dạng:
– Dạng ổn định: Thường xuất hiện khi bệnh nhân vận động quá sức, thời tiết lạnh hoặc gặp cú sốc về tâm lý…
– Dạng không ổn định: Những cơn đau bất ngờ khiến người bệnh có thể bị nhồi máu cơ tim nếu không điều trị kịp thời.
2.2. Triệu chứng mạch vành: Khó thở
Nếu mạch máu nuôi dưỡng tim bị hẹp, lưu lượng máu nuôi tim giảm đi, sẽ làm giảm chức năng co bóp và lưu thông máu. Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Cơ quan bị ảnh hưởng trước tiên là phổi. Máu không lưu thông được bị ứ đọng ở phổi làm giảm chức năng hô hấp, khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở. Đồng thời, cảm giác tay chân rã rời, cử động khó khăn.
Nếu thường xuyên cảm thấy khó thở, bạn nên lưu ý vì rất có thể bệnh mạch vành đang tiến triển và biến chứng thành suy tim.
Khó thở có thể là dấu hiệu bệnh mạch vành biến chứng thành suy tim
2.3. Mệt mỏi, chóng mặt
Người bệnh mạch vành thường thấy mệt mỏi, chóng mặt. Đặc biệt, khi hoạt động quá sức, triệu chứng này càng biểu hiện rõ rệt hơn. Điều này xảy ra do mạch vành bị thu hẹp dẫn tới thiếu máu lên não và tuần hoàn máu kém gây choáng váng.
2.4. Rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim là tình trạng người bệnh có thể nghe được rõ ràng tiếng tim đập mạnh và nhanh. Lúc này, người bệnh sẽ có cảm giác hồi hộp, bồn chồn, run rẩy.
Bạn cần cẩn thận nếu xuất hiện những triệu chứng trên. Đây có thể là dấu hiệu bệnh mạch vành tiến triển thành chứng rung thất, nhịp nhanh thất. Đó là 2 loại rối loạn nhịp tim vô cùng nguy hiểm. Chứng rối loạn nhịp tim này có thể khiến người bệnh ngừng thở chỉ trong vài phút và dẫn đến tử vong.
2.5. Rối loạn tiêu hóa là triệu chứng mạch vành
Người bệnh thường chủ quan trước những triệu chứng tiêu hóa dẫn tới bệnh mạch vành
Hầu hết người bệnh chỉ biết rối loạn tiêu hóa là biểu hiện của bệnh lý về tiêu hóa, mà không nhận ra đây cũng là dấu hiệu của bệnh về tim mạch.
Nhiều bệnh nhân chia sẻ, họ thường xuyên cảm thấy đầy bụng, ợ nóng, buồn nôn… sau khi ăn no. Trong các bữa ăn chứa nhiều đạm, chất béo hay khi người bệnh thực hiện vận động ngay sau khi ăn, các triệu chứng càng xuất hiện nhiều hơn.
2.6. Khó chịu nửa thân trên
Triệu chứng mạch vành này thường thấy ở phụ nữ và bệnh nhân đái tháo đường. Người bệnh sẽ cảm thấy tê, ngứa ran, nóng, nặng ngực, lan ra hàm, vai và cánh tay. Ở một số trường hợp, triệu chứng này còn thể hiện rõ ràng hơn các cơn đau thắt ngực.
3. Điều trị triệu chứng mạch vành
Để điều trị các triệu chứng động mạch vành, người bệnh cần thực hiện kết hợp nhiều phương pháp. Quá trình điều trị bệnh nhân cần tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
3.1. Điều trị nội khoa
Bệnh nhân có thể điều trị bằng thuốc theo đơn mà bác sĩ chỉ định. Thông thường, các loại thuốc được bác sĩ kê đơn đó là:
– Thuốc chống đông máu: Ngăn ngừa hình thành cục máu đông và phòng nhồi máu cơ tim.
– Thuốc hạ mỡ máu: Hỗ trợ kiểm soát cholesterol máu, hạn chế tắc hẹp mạch máu do tình trạng xơ vữa động mạch.
– Thuốc giãn mạch: Giúp giãn động mạch vành để máu lưu thông tốt hơn. Đồng thời làm giảm các triệu chứng mạch vành, đặc biệt là đau thắt ngực.
3.2. Phẫu thuật
Với các ca bệnh nặng, có nguy cơ biến chứng cao, phương án phẫu thuật có thể được bác sĩ chỉ định. Hai phương án phẫu thuật là đặt stent mạch vành và phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Trong đó, đặt stent là giải pháp được ưu tiên hơn.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể tái hẹp mạch vành. Do đó, người bệnh cần theo dõi và đi kiểm tra thường xuyên để bệnh mạch vành không tái phát.
3.3. Chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh
Đây là phương pháp quan trọng giúp người bệnh cải thiện tình trạng bệnh mạch vành và ngăn bệnh tái phát. Người bệnh cần bổ sung rau xanh, trái cây, hạn chế ăn đồ mặn và thực phẩm nhiều chất béo.
Bệnh nhân cũng cần giữ tinh thần thoải mái, tránh suy nghĩ căng thẳng hay xúc động mạnh. Đồng thời, người bệnh nên thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, đạp xe. Tuy nhiên, bạn không nên tập luyện quá sức vì có thể ảnh hưởng đến tình trạng bệnh.
Bệnh mạch vành nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm. Do đó, bạn cần đi khám định kỳ và thực hiện kiểm tra ngay tại cơ sở y tế uy tín nếu nhận thấy các triệu chứng mạch vành kể trên nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.