Mạch vành (gọi tắt của động mạch vành) là động mạch có vai trò chính đưa máu đến nuôi dưỡng cơ tim. Nếu động mạch này bị tổn thương có thể gây ra rất nhiều triệu chứng tại tim cũng như trên toàn bộ cơ thể. Dưới đây là những triệu chứng mạch vành bị tổn thương mà bạn có thể nhận biết được nếu chú ý, từ đó chủ động thăm khám và điều trị sớm, phòng tránh bệnh tiến triển gây những biến chứng nguy hiểm.
1. Các tổn thương thường gặp ở mạch vành
Mạch vành là mạch máu có vai trò quan trọng cung cấp máu cho cơ tim. Chỉ khi cơ tim được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, tim mới có thể hoạt động bình thường, bơm máu giàu dinh dưỡng và oxy đi nuôi khắp cơ thể. Nhưng khi động mạch vành gặp phải những khiếm khuyết hoặc tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau, thì bệnh nhân có thể gặp phải những triệu chứng khó chịu gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như ẩn chứa nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.
Các tổn thương thường xảy ra ở động mạch vành bao gồm:
– Xơ vữa mạch vành
– Co thắt mạch vành
– Bóc tách mạch vành
– Cầu cơ mạch vành
Xơ vữa mạch vành là tình trạng tổn thương thường gặp nhất của động mạch vành.
2. Các triệu chứng mạch vành bị tổn thương
2.1 Đau ngực – Triệu chứng mạch vành tổn thương điển hình
Đau ngực là một trong những triệu chứng điển hình nhất, thường gặp ở hầu hết các trường hợp có tổn thương mạch vành. Tùy vào từng loại tổn thương và từng người bệnh mà các biểu hiện đau ngực có thể khác nhau.
– Đau ngực do xơ vữa mạch vành
Cơn đau ngực có nguyên nhân từ sự hình thành và tiến triển của các mảng xơ vữa xơ vữa, gây hẹp tắc lòng mạch, khiến cơ tim bị thiếu máu và hoại tử.
Cơn đau thắt ngực do xơ vữa thường xuất hiện dưới 2 dạng: cơn đau thắt ngực ổn định và cơn đau thắt ngực không ổn định.
Cơn đau thắt ngực ổn định thường gây cảm giác trái tim bị bóp chặt, đau đớn ở ngực, dưới xương ức. Cơn đau có thể lan ra cổ, cánh tay, bụng, lưng và vai trái. Trong khi đó, ở các trường hơp đau thắt ngực không ổn định, triệu chứng đau ngực có thể không xảy ra thường xuyên nhưng mỗi lần thường đột ngột ngay cả khi người bệnh không gắng sức, gây đau dai dẳng ngay cả khi người bệnh đã nghỉ ngơi.
Cơn đau thắt ngực không ổn định không liên quan đến gắng sức, thường xảy ra bất chợt. Bệnh nhân có cảm giác tim đang bị bóp nghẹt và đè nén ở trong lồng ngực. Mỗi lần cơn đau thường sẽ kéo dài vài phút nhưng không quá 15 phút. Nếu đau trên 15 phút, cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay.
Cá biệt, ở phụ nữ, người già và những người có bệnh tiểu đường, triệu chứng đau ngực có thể không xuất hiện hoặc không rõ ràng mà thay vào đó và những triệu chứng khác.
– Đau ngực do tình trạng co thắt mạch vành
Trong khi đó, những người bệnh bị đau ngực do co thắt mạch vành thường xuất hiện cơn đau thắt ngực biến thể – Prinzmetal. Biểu hiện với cơn đau tức vùng ngực trái, dưới xương ức hoăc cảm giác ngực bị đè nén, nặng, chén ép, nóng ran, lan dần ra cổ, hàm, vai hoặc cánh tay. Cơn đau thường xuất hiện vào sáng sớm, không liên quan đến gắng sức và thường kéo dài trong khoảng từ 5 – 30 phút. Nguyên nhân là do rối loạn chức năng lớp nội mạc mạch máu khiến lưu lượng máu về nuôi dưỡng cơ tim bị giảm đi nhanh chóng.
– Đau ngực do bóc tách mạch vành
Bóc tách mạch vành là tình trạng khẩn cấp hiếm gặp xảy ra khi một vết rách hình thành trong những mạch máu nuôi tim, khiến máu chảy chậm lại hoặc ngăn chặn lưu lượng máu đến tim. Vì vậy, triệu chứng đau ngực trong những trường hợp này cũng xảy ra bất ngờ và đạt tối đa rất nhanh. Người bệnh có thể gặp một cơn đau tim, rối loạn nhịp tim bất thường hoặc tử vong đột ngột.
– Đau ngực trong bệnh lý cầu cơ
Cầu cơ mạch vành (myocardial bridging) là dị dạng tim bẩm sinh hiếm gặp, xảy ra khi có một phần của động mạch vành chui sâu xuống dưới lớp cơ, thay vì đi trên bề mặt quả tim.
Điều này khiến tim bị bóp chặt trong quá trình co bóp để đẩy máu ra khỏi buồng tim gây ra tình trạng tắc nghẽn.
Triệu chứng đau ngực thường không biểu hiện ở những người trẻ tuổi. Vì khi còn trẻ, dải cơ tim phía trên đoạn cầu cơ còn mềm mại, máu qua đoạn động mạch này vẫn được cung cấp đủ nên triệu chứng đau ngực hầu như không xảy ra. Chỉ đến khi ở tuổi trung niên, sự giãn nở của cơ tim kém dần đi mới khiến cho đoạn cầu cơ bị bó chặt, khó giãn. Lúc này, cơn đau thắt, nặng ngực do thiếu máu cơ tim cục bộ mới biểu hiện rầm rộ cùng với các triệu chứng khác tương tự như bệnh mạch vành.
Đau ngực là triệu chứng tổn thương mạch vành điển hình nhất.
2.2 Các triệu chứng mạch vành suy yếu khác
Trong nhiều trường hợp, triệu chứng đau ngực có thể không điển hình mà thay vào đó là các triệu chứng mạch vành đang bất ổn khác như:
– Khó thở
Các vấn đề của mạch vành kể trên đều dẫn đến tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim, gây suy yếu chức năng co bóp và tống máu của cơ tim. Máu không được tống đi tích tụ ở phổi làm tăng áp lực trong phổi và làm giảm khả năng trao đổi oxy, dẫn đến khó thở.
– Mệt mỏi
Điều này xảy ra khi các cơ quan trong cơ thể không nhận đủ máu để duy trì hoạt động.
– Hồi hộp, tim đập nhanh
Do tim phải có bóp nhiều hơn để bù vào lượng máu thiếu hụt nên người bệnh có thể cảm thấy tim đập nhanh. Đôi khi tim có bóp không đều có thể khiến nhịp chậm, lúc nhanh lúc chậm, bỏ nhịp hoặc rung trong lồng ngực.
– Đau bụng
Lượng máu giàu oxy đến cơ quan tiêu hóa bị thiếu hụt có thể khiến khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn bị ảnh hưởng, gây đau bụng, ợ nóng sau khi ăn.
– Buồn nôn, chóng mặt
Máu đi qua mạch vành khó khăn hoặc giảm đột ngột có thể gây giảm lượng máu cung cấp cho não, đó là nguyên nhân gây ra các cơn chóng mặt ở các bệnh nhân này.
– Đổ mồ hôi lạnh
Đây là phản ứng của hệ thần kinh giao cảm trước phản ứng đau. Với người bệnh mạch vành thì đổ nhiều mồ hôi kèm theo đau ngực, khó thở mà không thực hiện bất kỳ hoạt động thể chất nào có thể là dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim đang đến gần.
Đổ mồ hôi lạnh, đầy bụng, chóng mặt, khó thở,… cũng có thể là biểu hiện tổn thương mạch vành.
Các triệu chứng mạch vành bị suy yếu rất đa dạng và đôi khi không biểu hiện rõ ràng, nhưng bằng cách “lắng nghe” cơ thể, bạn vẫn có thể phát hiện bệnh sớm, tránh những hậu quả lâu dài. Lưu ý, những thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên thăm khám và kiểm tra sức khỏe thường xuyên tại chuyên khoa tim mạch để có những chẩn đoán chính xác nhất và hướng điều trị đúng. Nếu có nhu cầu đặt lịch thăm khám, bệnh nhân vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.