Quai bị tuy là bệnh nhẹ nhưng nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe thậm chí là khả năng sinh sản sau này. Thông qua những triệu chứng quai bị trong bài viết sau đây sẽ giúp độc giả phát hiện sớm bệnh.
Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại siêu vi thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh thường hay xuất hiện nhiều vào mùa hè, ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh quai bị sẽ gây biến chứng nguy hiểm đến não như: viêm màng não, sưng tinh hoàn.
Triệu chứng quai bị thường gặp
Sau khi bị nhiễm virus gây quai bị, người bệnh sẽ trải qua một thời gian ủ bệnh kéo dài 18 đến 25 ngày, không bộc lộ dấu hiệu và triệu chứng gì.
Triệu chứng bệnh quai bị thường gặp là trẻ sốt cao, nhức đầu, buồn nôn, sưng tuyến nước bọt
Giai đoạn khởi phát, người bệnh quai bị sẽ có các triệu chứng sốt 38-38,5 độ C, nhức đầu, nôn. Có thể có trước khi sưng tuyến nước bọt.
Triệu chứng dễ thấy nhất trong bệnh quai bị là tuyến mang tai sưng to, dái tai bạnh ra ngoài, má phệ. Sờ không nóng, không đỏ, da bóng, ấn vào đau tăng.
Thường tuyến ở một bên sưng lên nhiều ngày trước khi tuyến bên kia bị sưng. Trường hợp sưng cả 2 bên tuyến mang tai sẽ tạo bộ mặt của bệnh nhân có hình dáng như quả lê. Người bệnh nhai, nuốt khó khăn. Sau 6-7 ngày, tuyến sưng giảm dần rồi trở lại bình thường.
Sau đó, những cơn đau đầu sẽ ngày càng trở nên dữ dội sau khi các tuyến ở mang tai đã bị sưng lên. Ở thời điểm này, người bệnh thường sợ tiếp xúc với ánh sáng chói, chán ăn và có thể nôn. Triệu chứng đau đầu thậm chí vẫn còn tiếp diễn sau khi các tuyến ở vùng mang tai đã hết sưng.
Tuyến mang tai sưng to khi mắc quai bị khiến trẻ ăn uống khó khăn, thường xuyên quấy khóc
Bên cạnh đó, virut quai bị còn làm tổn thương ở ngoài tuyến nước bọt gây viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm não, viêm tụy cấp, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi kẽ, viêm đa khớp hoặc biểu hiện ở các cơ quan khác như tuyến lệ, tuyến ức, tuyến giáp, tuyến vú, buồng trứng. Các tổn thương này thường có các triệu chứng không điển hình, diễn biến lành tính.
Tuổi nào cũng có thể bị bệnh quai bị, khả năng mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Tuy nhiên ít gặp quai bị ở trẻ dưới 2 tuổi mặc dù trẻ chỉ được bảo vệ trong 6 tháng đầu nếu mẹ đã từng mắc bệnh quai bị. Sau 2 tuổi, tần suất bệnh tăng dần, đạt đỉnh cao ở lứa tuổi 10-19.
Bệnh quai bị ở người lớn thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể có các biến chứng nặng. Chính vì thế khi thấy triệu chứng quai bị vừa kể trên, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán chính xác tình trạng và mức độ bệnh. Từ đó có hướng xử trí đúng, kip thời, hiệu quả.
Bệnh quai bị có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin phòng ngừa ngay từ khi trẻ còn nhỏ
Để phòng ngừa bệnh quai bị thì ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Vắc xin phòng bệnh quai bị có tác dụng kích thích cho trẻ em sản sinh kháng thể kháng quai bị.
Nếu bắt đầu tiêm từ 9 tháng tuổi: tiêm 3 lần, lần 1 lúc 9 tháng tuổi, lần 2 sau lần 1 sáu tháng, lần 3 khi trẻ từ 4-12 tuổi. Nếu bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi: tiêm 2 lần, lần 1 lúc 12 tháng tuổi lần 2 từ 4-12 tuổi. Tiêm chủng khẩn cấp được chỉ định cho trẻ từ 12 tháng tuổi, trẻ vị thành niên và người lớn nếu đã có tiếp xúc với bệnh nhân quai bị nhưng chưa có tiền sử mắc quai bị và chưa được tiêm chủng theo lịch phòng bệnh quai bị. Trong trường hợp không có chống chỉ định, vắc xin cần được tiêm không muộn hơn 72 giờ kể từ khi có tiếp xúc với bệnh nhân.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.