Triệu chứng sa sút trí tuệ ở mỗi người khác nhau. Người bệnh cần theo dõi các triệu chứng bất thường để phát hiện bệnh sớm.
1. Thế nào là bệnh sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ là hội chứng suy giảm trí nhớ và các hoạt động hàng ngày. Bệnh không chỉ tác động tiêu cực đến thể chất, sức khỏe và kinh tế của người bị sa sút trí tuệ, mà còn ảnh hưởng tới những người chăm sóc họ.
Chứng sa sút trí tuệ phần lớn ảnh hưởng đến người cao tuổi. Song, bệnh không phải là quá trình lão hóa bình thường mà thường là hậu quả của một số yếu tố bệnh tật. Bệnh Alzheimer là một dạng sa sút trí tuệ phổ biến, chiếm 60-70% các trường hợp.
Ngoài ra, yếu tố nguy cơ dẫn tới sa sút trí tuệ còn có thể do tình trạng béo phì, tăng huyết áp tuổi trung niên; huyết áp thấp ở nhóm người cao tuổi; đái tháo đường; tăng mỡ máu; nhồi máu não đa ổ; tiền sử gia đình có người mắc hội chứng sa sút trí tuệ; trầm cảm; uống rượu và/hoặc dùng chất kích thích…
-
Người cao tuổi lá đối tượng thường bị sa sút trí tuệ
2. Triệu chứng sa sút trí tuệ nhận biết thế nào
Triệu chứng sa sút trí tuệ sẽ khác nhau tùy vào nguyên nhân.
2.1. Triệu chứng sa sút trí tuệ thường gặp
– Thay đổi nhận thức
– Suy giảm trí nhớ
– Phiền muộn, lo âu
– Thay đổi tâm lý, tính cách thường xuyên
– Khó giao tiếp hoặc khó tìm từ ngữ để giao tiếp
2.1. Triệu chứng sa sút trí tuệ trở nặng
– Suy giảm chức năng thị giác – không gian, ví dụ bị lạc khi lái xe
– Khó khăn khi tranh luận, biện luận hoặc giải quyết các vấn đề
– Khó xử lý các công việc phức tạp hay khi lập kế hoạch công việc
– Khó phối hợp các chức năng vận động
– Dễ nhầm lẫn, mất phương hướng
– Hành vi không bình thường
– Chứng hoang tưởng, ảo giác
– Dễ kích động
3. Nguyên nhân gây nên tình trạng sa sút trí tuệ
Chứng sa sút trí tuệ xảy ra do tổn thương hay mất các tế bào thần kinh cũng như các kết nối giữa chúng trong não. Tùy vào khu vực não bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến các triệu chứng khác nhau.
Sa sút trí tuệ được chia theo nhóm dựa trên đặc điểm chung, như bệnh protein Tau hay Alpha-synuclein protein. Các protein bất thường tích tụ ở phần não bị ảnh hưởng. Một số bệnh khác có biểu hiện giống chứng sa sút trí tuệ do tác dụng phụ của thuốc, thiếu vitamin. Các triệu chứng giống sa sút trí tuệ này có thể cải thiện khi điều trị.
Các nguyên nhân phổ biến gây sa sút trí tuệ gồm:
– Bệnh thoái hóa thần kinh, gồm bệnh Alzheimer, Parkinson, Huntington, sa sút trí tuệ thể Lewy…
– Sa sút trí tuệ mạch máu.
– Bệnh xơ cứng rải rác.
– Chấn thương sọ não do gặp tai nạn.
– Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, gồm viêm màng não, HIV hay bệnh Creutzfeldt-Jakob.
– Lạm dụng bia rượu và dùng chất kích thích trong thời gian dài.
– Bệnh đầu nước.
4. Biến chứng nguy hiểm do sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng của cơ thể như:
4.1. Dinh dưỡng kém
Nhiều người mắc chứng sa sút trí tuệ thường giảm hoặc ngừng ăn. Điều này ảnh hưởng đến hàm lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Sau một thời gian, người bệnh có thể không nhai, không nuốt được.
4.2. Viêm phổi
Nuốt khó tăng nguy cơ nghẹn, hít thức ăn vào phổi, gây tắc thở và viêm phổi hít.
-
Người bị sa sút trí tuệ thường có nguy cơ cao mắc viêm phổi
4.3. Mất khả năng tự chăm sóc
Khi mắc chứng sa sút trí tuệ người bệnh thường bị suy giảm khả năng thực hiện độc lập các hoạt động hằng ngày như: mặc quần áo, chải tóc, tắm, đánh răng, uống thuốc sao cho đúng…
4.4. Mất an toàn cá nhân
Một số tình huống sa sút trí tuệ có thể gây ra các vấn đề mất an toàn khi lái xe, nấu ăn hoặc di chuyển, vận động.
4.5. Tử vong
Chứng sa sút trí tuệ giai đoạn muộn có thể dẫn đến tử vong, thông thường do nhiễm trùng.
5. Chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ bằng cách nào?
Để đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh này, các bác sĩ phải xem xét kỹ những triệu chứng sa sút trị tuệ của người bệnh. Bên cạnh đó, tiền sử bệnh tật cũng là yếu tố quan trọng không thể bỏ qua. Sau đó khi khai thác thông tin tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất, đồng thời chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.
5.1. Đánh giá nhận thức
Trước khi tiến hành điều trị bệnh, bạn sẽ trải qua quá trình đánh giá về chức năng nhận thức và tư duy từ các bác sĩ. Một số bài kiểm tra các kỹ năng như: trí nhớ, tư duy, sự chú ý, tập trung, phán đoán, lý luận và kỹ năng ngôn ngữ.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ đánh giá thần kinh của bạn qua các bài nhận thức thị giác, ngôn ngữ, kỹ năng cân bằng, cách giải quyết vấn đề, các chuyển động, phản xạ, sự chú ý và các lĩnh vực có liên quan khác.
5.2. Chụp não
Những kỹ thuật được sử dụng nhiều trong quá trình điều trị sa sút trí tuệ là chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT). Các phương pháp này có khả năng phát hiện ra dấu hiệu khối u, tràn dịch não hoặc chảy máu não…
Ngoài ra, PET scan có tác dụng tìm mảng protein amyloid, đồng thời thể hiện mô hình hoạt động của não. Thông qua đó, các dấu hiệu bệnh Alzheimer được phát hiện một cách rõ ràng.
5.3. Xét nghiệm máu
Các vấn đề thể chất ảnh hưởng đến não có thể phát hiện qua các xét nghiệm máu. Điển hình như suy giảm hoạt động tuyến giáp hay thiếu vitamin B12. Đôi khi, tình trạng dịch não tủy cũng được kiểm tra như viêm, nhiễm trùng hoặc bệnh thoái hóa khác.
-
Xét nghiệm máu là bước chẩn đoán sa sút trí tuệ cần thiết
5.4. Đánh giá tâm thần
Các triệu chứng của bệnh này có thể xuất hiện với tần suất cao hơn bình thường khi người bệnh bị ảnh hưởng do chứng trầm cảm. Vì vậy, kiểm tra sức khỏe tâm thần là bước quan trọng trong chẩn đoán sa sút trí tuệ.
6. Điều trị sa sút trí tuệ thế nào?
Bệnh sa sút trí tuệ không thể chữa khỏi và không thể thay đổi quá trình tiến triển. Dù vậy, nếu phát hiện sớm, người bệnh có thể chẩn đoán chính xác và điều trị các sa sút trí tuệ và nguyên nhân gây bệnh. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được sự hỗ trợ và chăm sóc từ người thân gia đình, bạn bè.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.