Ung thư biểu mô cổ tử cung là ung thư tế bào biểu mô vảy hoặc biểu mô tuyến ở cổ tử cung hay còn gọi là ung thư cổ tử cung. Bệnh gây ra bởi nguyên nhân nào, triệu chứng và cách điều trị bệnh ra sao. Quý độc giả hãy cùng tìm lời đáp trong bài viết sau đây.
1. Ung thư biểu mô cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung là một trong hai căn bệnh ung thư (sau ung thư vú) hay gặp nhất ở phụ nữ. Đây cũng là căn bệnh gây tử vong thứ 2 sau ung thư vú. Theo nghiên cứu, độ tuổi trung bình mắc bệnh ung thư biểu mô cổ tử cung từ 48 đến 52 tuổi (Theo cổng thông tin Bộ y tế).
Cổ tử cung là một phần thuộc cơ quan sinh dục nữ, đây là nơi tiếp nối giữa âm đạo và thân tử cung. Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của biểu mô vảy và biểu mô tuyến cổ tử cung. Khi các tế bào phát triển bất thường, nhân lên không kiểm soát và xâm lấn các khu vực xung quanh. Ở giai đoạn muộn hơn, tế bào ung thư di căn đến các cơ quan khác của cơ thể.
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý gây tử vong thứ 2 (sau ung thư vú) ở phụ nữa
2. Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư biểu mô cổ tử cung
2.1. Virus HPV – Nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư biểu mô cổ tử cung
Theo nghiên cứu và thống kê, phần lớn ca mắc ung thư đều có nguyên nhân bắt nguồn từ nhiễm virus HPV.
Virus HPV (Human Papillomavirus) là một nhóm virus gồm hơn 200 chủng. Một phần trong số 200 chủng này lây lan qua đường tình dục. Trong 200 chủng HPV này được phân thành HPV nguy cơ thấp và HPV nguy cơ cao. Có đến 14 type HPV nguy cơ cao gây ung thư, trong đó type HPV 16 và 18 được xác định là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh ung thư.
Hầu như tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh hoạt tình dục đều nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời. Trong số đó, khoảng 50% trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung. Khi bị nhiễm virus HPV, cơ thể con người sẽ kích hoạt cơ chế miễn dịch để chống lại sự lây nhiễm này. Trường hợp bị nhiễm virus HPV nguy cơ cao bạn sẽ có khả năng bị ung thư trong tương lai.
2.2. Các nguyên nhân khác gây ung thư biểu mô cổ tử cung
Theo nghiên cứu, ngoài nguyên nhân chính gây bệnh là virus HPV, còn một số nguy cơ khác có thể tăng nguy cơ bệnh bao gồm:
Hàn trăm chất độc hại trong thuốc lá được chứng minh là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư cổ tử cung. Phụ nữ hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung lên gấp đôi.
Những phụ nữ có quan hệ tình dục sớm (dưới 17 tuổi), quan hệ với nhiều người. Và những phụ nữ quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ cũng thường là nạn nhân của bệnh ung thư biểu mô cổ tử cung.
Nhóm phụ nữ làm việc trong môi trường ô nhiễm và tiếp xúc với hóa chất độc hại
Không vệ sinh cơ quan sinh dục đúng cách, Bị viêm nhiễm cổ tử cung mãn tính, viêm lộ tuyến cổ tử cung không chữa dứt điểm…
Những phụ nữ sinh quá nhiều lần (trên 5 đứa con) và nạo phá thai nhiều cũng có nguy cơ cao.
Nhóm phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai đường uống kéo dài trên 5 năm cũng có nguy cơ cao hơn bình thường.
Ở những phụ nữ bị suy giảm miễn dịch, nguy cơ nhiễm HPV cao hơn, khả năng mắc bệnh ung thư cổ tử cung cũng cao hơn.
Virus HPV chủng 16, 18 là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư cổ tử cung
3. Triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư biểu mô cổ tử cung
Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu khả năng chữa khỏi hoàn toàn rất cao. Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh lúc này thường không rõ ràng. Điều này khiến bệnh nhân chủ quan không đi thăm khám sớm.
Khi bệnh có những biểu hiện rõ ràng thì ung thư đã tiến triển. Khi đó, các phương án chữa trị sẽ cho kết quả hạn chế. Chi phí điều trị cao, thời gian sống của bệnh nhân bị rút ngắn.
Vì thế khi gặp bất cứ một triệu chứng nào sau đây, chị em phụ nữ nên đến bệnh viện để thăm khám ngay.
Bị chảy máu bất thường giữa các chu kỳ kinh, hoặc chảy máu sau mãn kinh. Bị chảy máu sau khi giao hợp.
Tăng dịch tiết bất thường tại âm đạo, có mùi hôi, khó chịu.
Xuất hiện cảm giác đau vùng chậu (không liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt).
Cảm giác đau khi giao hợp.
Đi tiểu nhiều lần trong ngày và cảm giác đau khi đi tiểu.
Ngoài ra, chị em phụ nữ sẽ gặp phải những triệu chứng toàn cơ thể như thiếu máu, sụt cân, cơ thể mệt mỏi…
Không có một triệu chứng đặc trưng nào cho ung thư giai đoạn sớm. Chính vì thế, tầm soát ung thư cổ tử cung qua khám sàng lọc là phương pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh.
Bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng
4. Điều trị bệnh ung thư biểu mô cổ tử cung như thế nào?
Hiện nay có 3 phương pháp điều trị là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Phương pháp điều trị được bác sĩ chỉ định dựa trên giai đoạn phát triển của bệnh cũng như sức khỏe của bệnh nhân.
Dưới đây là các phương pháp chữa trị phù hợp với sự phát triển của bệnh như sau:
Khi bệnh ở giai đoạn mới phát hiện: Khi các tế bào ung thư mới xuất hiện ở lớp lót cổ tử cung thì áp dụng thủ thuật cắt hình nóng, phẫu thuật bằng tia laser…
Ở giai đoạn thứ nhất của bệnh: Khi tế bào ung thư khu trú trong cổ tử cung. Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u được chỉ định. Bác sĩ cân nhắc xem có cần cắt bỏ tử cung hay cổ tử cung hay không.
Giai đoạn 2, 3 của bệnh khi tế bào ung thư đã lan ra ngoài cổ tử cung, âm đạo… Cần kết hợp cả hóa trị và xạ trị trong điều trị. Trong một số trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ tử cung và buồng trứng của bệnh nhân kết hợp hóa xạ trị.
Ung thư giai đoạn 4 khi các tế bào ung thư lan rộng và di căn đến các bộ phận khác như trực tràng, bàng quang, gan, phổi… điều trị nhằm mục đích giảm nhẹ và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm nhưng chị em phụ nữ hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Tiêm phòng vắc xin phòng virus HPV và tầm soát định kỳ giúp chị em an tấm sống khỏe.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.