Ung thư buồng trứng là bệnh ung thư ảnh hưởng đến một hoặc cả hai buồng trứng-tuyến được tìm thấy ở hai bên của tử cung, là nơi chứa trứng và sản xuất hormone. Ung thư buồng trứng là bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao thứ 5 ở phụ nữ.
Các loại ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ.
Ung thư buồng trứng gồm 3 loại khác nhau:
Ung thư biểu mô buồng trứng: Tế bào biểu mô là những tế bào bao phủ bề mặt của buồng trứng. 85-90% trường hợp ung thư buồng trứng thuộc loại này. Tiên lượng cho ung thư biểu mô buồng trứng khá kém.
Ung thư tế bào mầm: Tế bào mầm là những tế bào trong buồng trứng phát triển thành trứng. Loại này phổ biến hơn ở phụ nữ trẻ và có tỷ lệ khỏi cao.
Ung thư tế bào mô đệm: xảy ra trong cơ cấu nội bộ hoặc các mô liên kết của buồng trứng. Loại này cũng có tỷ lệ khỏi cao.
Nguyên nhân và nguy cơ gây ung thư buồng trứng
Sinh con và cho con bú bằng sữa mẹ có thể giúp giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Ngược lại, những người không sinh con, hoặc sinh con quá muộn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng chưa được xác định rõ, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng:
– Tiền sử gia đình bị ung thư vú, buồng trứng, đại tràng hoặc nội mạc tử cung
– Phụ nữ trên 55 tuổi
– Người từng bị ung thư vú
– Người không sinh con, hoặc sinh con đầu lòng quá muộn
– Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung
– Có gen đột biến BRCA1 hoặc gen BRCA2
– Có kinh nguyệt quá sớm, hoặc mãn kinh muộn
– Hút thuốc lá
Bên cạnh đó, các yếu tố được chứng minh là giúp bảo vệ chống lại bệnh ung thư buồng trứng là:
– Sử dụng thuốc ngừa thai
– Mang thai và sinh con
– Cho con bú bằng sữa mẹ
– Cắt bỏ tử cung hoặc buồng trứng và ống dẫn trứng trước khi phát triển bệnh ung thư
– Thắt ống dẫn trứng
– Lối sống lành mạnh như ăn nhiều rau quả và ngũ cốc nguyên hạt, tập thể dục thường xuyên.
Các dấu hiệu của ung thư buồng trứng
Dấu hiệu của ung thư buồng trứng thường không đặc hiệu, bao gồm: khó tiêu, đầy hơi, no nhanh chóng, vv…
Theo các bác sĩ, hầu hết phụ nữ bị ung thư buồng trứng có các triệu chứng đến vài tháng tới hơn 1 năm trước khi chẩn đoán. Sự chậm trễ trong việc khám xét là do tính chất không đặc hiệu của các triệu chứng, khiến phụ nữ lơ là và chủ quan không đi khám. Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư buồng trứng:
– Đầy hơi hoặc tăng chu vi vòng bụng
– Đau vùng chậu hoặc bụng
– Khó ăn hoặc cảm giác no nhanh chóng
– Thường xuyên đi tiểu
– Giảm cân nhanh chóng mà không có lý do
– Đổ mồ hôi đêm
– Cảm thấy mệt mỏi, đau lưng, khó tiêu, táo bón.
Các phương pháp chẩn đoán ung thư buồng trứng
Các phương pháp chẩn đoán ung thư buồng trứng bao gồm: xét nghiệm máu (tìm chất chỉ điểm khối u CA-125 trong máu), siêu âm, chụp CT, sinh thiết, vv.
Các giai đoạn bệnh ung thư buồng trứng
Các giai đoạn của ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng được chia làm 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1 – ung thư giới hạn ở một hoặc cả hai buồng trứng. Giai đoạn 1 được chia làm 3 giai đoạn nhỏ IA, IB và IC.
Giai đoạn 2 – ung thư đã lan đến tử cung, ống dẫn trứng hoặc một số khu vực khác trong khung chậu (vùng bụng). Giai đoạn 2 cũng được chia làm 3 giai đoạn IIA, IIB và IIC.
Giai đoạn 3 – ung thư đã lan vào phúc mạc (màng bụng), hoặc đến các hạch bạch huyết ở vùng bụng trên, háng hoặc phía sau tử cung. Hầu hết các trường hợp bệnh ung thư buồng trứng được chẩn đoán ở giai đoạn này. Giai đoạn 3 cũng được chia làm 3 giai đoạn IIIA, IIIB và IIIC.
Giai đoạn 4 – ung thư đã lan rộng ra khỏi bụng đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm các cơ quan như phổi hoặc gan.
Xử trí ung thư buồng trứng
Đội ngũ bác sĩ hỗ trợ điều trị ung thư giỏi từ Singapore đang hợp tác tại Khoa Ung bướu-Bệnh viện Thu Cúc.
Hỗ trợ điều trị ung thư buồng trứng dựa trên nhiều yếu tố như loại ung thư buồng trứng, kích thước của khối u và mức độ lan rộng. Thông thường, phương pháp hỗ trợ điều trị phổ biến là phẫu thuật cắt bỏ tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng. Hóa trị sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, cũng có thể được sử dụng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.