Ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 có tiên lượng khá tốt, hãy cùng tìm hiểu những dấu hiệu nhận biết sớm bệnh để kịp thời và chủ động trong việc thăm khám và điều trị, mức độ bệnh tiến triển bệnh ra sao trong thời điểm này để từ đó có phương hướng điều trị phù hợp, đạt kết quả tốt nhất.
1. Thông tin chung về ung thư cổ tử cung – giai đoạn 2
1.1 Mô tả sự tiến triển giai đoạn 2 của ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 được xác định là khi các tế bào ác tính đã vượt ra ngoài cổ tử cung và tử cung, lan đến ⅔ trên của âm đạo hoặc đến mô xung quanh tử cung, chưa lan qua ranh giới thành của khung chậu và phần dưới của âm đạo. Ở giai đoạn này bệnh được chia thành hai cấp độ bệnh khác nhau là 2A và 2B, dựa trên mức độ di căn của các tế bào ung thư cổ tử cung.
– Trong giai đoạn 2A, các tế bào ác tính đã lan từ cổ tử cung đến ⅔ trên của âm đạo nhưng chưa xâm lấn đến các mô xung quanh tử cung. Tế bào ung thư thời điểm này cũng không lây lan đến các hạch bạch huyết gần đó cũng như những cấu trúc xa hơn. Kích thước khối u ở giai đoạn này có thể là nhỏ hơn 4cm hoặc từ 4cm trở lên tùy vào mức độ phát triển của khối u ở giai đoạn 2A.
– Giai đoạn 2B được xác định là khi tế bào ung thư lan ra ngoài cổ tử cung, tử cung, lan đến các mô cạnh tử cung, nhưng chưa xâm nhập đến thành chậu.
Là giai đoạn ung thư chưa lan qua ranh giới thành của khung chậu và phần dưới của âm đạo, phát hiện sớm và điều trị kịp thời ở giai đoạn 2 này người bệnh vẫn có cơ hội sống cao.
1.2 Dấu hiệu điển hình của giai đoạn 2 – ung thư cổ tử cung
Bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 thường được phát hiện khi người bệnh thực hiện phương pháp xét nghiệm PAP hoặc thăm khám vì có bất thường ở vùng chậu. Là giai đoạn bệnh chưa gây ra nhiều triệu chứng đặc trưng, khiến người bệnh lầm tưởng về bệnh lý phụ khoa thông thường. Một số dấu hiệu ung thư cổ tử cung ở giai đoạn 2 có thể xuất hiện đó là:
– Xuất huyết âm đạo: Chảy máu bất thường sau quan hệ, chảy máu giữa các kỳ kinh hoặc sau mãn kinh, xuất huyết sau đại tiện gắng sức.
– Rối loạn kinh nguyệt, có kinh nguyệt nhiều hơn so với bình thường.
– Có dịch bất thường ở âm đạo, ra khí hư nhiều, có mùi hôi, khí hư lẫn máu
– Xuất hiện cảm giác đau khi quan hệ tình dục, đau khu vực lưng dưới, đau khu vực giữa xương chậu hoặc bụng dưới.
– Sụt, giảm cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi kéo dài
Những triệu chứng ung thư cổ tử cung phát triển đến giai đoạn này khá phổ biến và có thể là của nhiều bệnh lý phụ khoa khác nhau, chẳng hạn như bị u xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, dù là triệu chứng nào thì khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong số các triệu chứng kể trên, bạn nên đi thăm khám ngay. Bởi phát hiện sớm ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm người bệnh có nhiều cơ hội điều trị tích cực, bảo tồn chức năng sinh sản cao hơn.
1.3 Tiên lượng sống cho người bệnh
Ở giai đoạn 2 tiên lượng sống sau 5 năm cho người bệnh ung thư buồng trứng là trên 60%. Con số này không chính xác đối với một bệnh nhân cụ thể nào mà là một số liệu tổng hợp dựa trên loại bệnh, giai đoạn bệnh, loại khối u.
Vậy nên ở mỗi cá nhân tỷ lệ sống này sẽ thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố như: Loại giải phẫu bệnh, tuổi tác, sức khỏe chung, các bệnh lý đi kèm, bệnh sử, phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng của cơ thể với phác đồ điều trị…
Thông qua những xét nghiệm chẩn đoán, các yếu tố sức khỏe, tuổi tác liên quan bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn phương hướng điều trị phù hợp.
2. Phương hướng và lời khuyên trong điều trị ung thư cổ tử cung – giai đoạn 2
2. 1 Cách điều trị ung thư cổ tử cung phát triển ở giai đoạn 2
Trước hết để xác định phương án điều trị phù hợp, hiệu quả, bệnh nhân cần tiến hành xét nghiệm để xác định chính xác mức độ xâm lấn của tế bào ung thư cổ tử cung. Sau đó, dựa vào cả mong muốn, nhu cầu sinh sản của người bệnh, bác sĩ sẽ tổng hợp, và xây dựng phác đồ điều trị.
– Hóa xạ trị đồng thời là phương pháp được ưu tiên sử dụng trong điều trị ung thư cổ tử cung ở giai đoạn 2. Xạ trị được thực hiện bằng cách xạ trị bên ngoài kết hợp xạ trị áp sát (xạ trị bên trong), trong quá trình xạ trị, bác sĩ sẽ kết hợp sử dụng thuốc hóa trị để tăng hiệu quả điều trị bệnh.
– Phẫu thuật được chỉ định trong điều trị bệnh ở giai đoạn 2 là cắt bỏ tử cung, cổ tử cung, hai phần phụ, đồng thời nạo vét hạch khu vực chậu hai bên. Căn cứ vào kết quả sau phẫu thuật bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định thêm điều trị bổ trợ là hóa xạ trị kết hợp nhằm loại bỏ triệt để tế bào ung thư cổ tử cung vẫn sót lại.
Tuân thủ điều trị kết hợp lối sống khoa học lành mạnh sẽ giúp người bệnh đạt kết quả tích cực trong quá trình điều trị và duy trì tốt kết quả ấy về sau này.
2.2 Nâng cao hiệu quả điều trị bệnh ung thư cổ tử cung ở giai đoạn 2
Khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở giai đoạn này, người bệnh không nên quá lo lắng bởi bạn vẫn có cơ hội chữa khỏi, và sống khỏe mạnh sau nhiều năm nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị đúng hướng, trúng đích.
Bên cạnh đó người bệnh cần có tinh thần lạc quan, tích cực để tâm trạng thoải mái, không ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó cũng giúp quá trình chữa bệnh diễn ra thuận lợi. Bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến quá trình hồi phục, tăng cường sức khỏe cho bệnh nhân ung thư.
Người nhà bệnh nhân cũng cần lưu ý xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với chế độ tập luyện thể dục đều đặn để cơ thể khỏe mạnh, người bệnh có sức khỏe để theo đúng tiến trình điều trị của bác sĩ, đồng thời cũng tăng cường miễn dịch, phục hồi sau điều trị.
Cuối cùng, việc điều trị kịp thời, đúng phương pháp sẽ mang đến cơ hội sống sau 5 năm tốt hơn cho bệnh nhân ở giai đoạn này, do đó, người bệnh nên tìm đến các bệnh viện uy tín, có chuyên khoa ung bướu, bác sĩ giỏi để được phối hợp hội chuẩn và lựa chọn các phương pháp điều trị tối ưu nhất.
Chắn hẳn với những thông tin phía trên v
ề bệnh ung thư cổ tử cung ở giai đoạn 2 bạn đã cho bạn kiến thức hữu ích để nhận biết và làm sao để điều trị bệnh đạt hiệu quả, nâng cao cơ hội sống cho chính mình hoặc người thân trong gia đình. Và lời khuyên dành cho chị em phụ nữ là để có thể bảo vệ được sức khỏe của bản thân tốt nhất, nên tiến hành khám tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ 1 lần trong năm nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.