Ung thư phổi là căn bệnh rất nguy hiểm, chỉ đứng sau ung thư gan về số ca mắc cũng như tỉ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam. Tuy nhiên, những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn đầu vẫn có tiên lượng sống cao vì khối u chưa phát triển quá lớn hay di căn xa.
1. Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi được xác định khi có một khối u ác tính xuất hiện và dần phát triển trong các vị trí như: biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc các tuyến của phế nang.
Khối u ác tính này được hình thành bởi các tế bào bất thường ở một hoặc cả hai bên phổi. Chúng phân chia vô cùng nhanh chóng rồi tấn công vào phổi và ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của phổi.
Ung thư phổi gồm 2 loại chính:
Ung thư phổi không tế bào nhỏ
Chiếm phần lớn trên tổng số trường hợp mắc ung thư phổi. Loại ung thư này có tốc độ phát triển chậm hơn so với ung thư phổi tế bào nhỏ nên có thể chữa khỏi nếu điều trị sớm bằng các phương pháp như phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị.
Ung thư phổi tế bào nhỏ
Đây là dạng rất ác tính bởi tế bào ung thư có tốc độ phát triển cực nhanh. Khối u có thể xâm lấn và di căn đến nhiều bộ phận khác thông qua đường máu. Đặc biệt, ung thư phổi tế bào nhỏ thường chỉ được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển nên phương pháp điều trị khả thi nhất là hóa trị.
2. Nguyên nhân dẫn tới bệnh ung thư phổi
Ung thư phổi có để đến từ những rối loạn ngay trong cơ thể người bệnh, tuy nhiên nguyên nhân này chỉ chiếm khoảng 10% số ca mắc. Thay vào đó, có tới hơn 80% người bị ung thư phổi có liên quan đến các yếu tố mà chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được, đó là:
– Thói quen hút thuốc lá: Thuốc lá và khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi. Ngay cả khi chỉ hít phải khói thuốc lá một cách thụ động thì bạn cũng có nguy cơ mắc ung thư phổi.
– Chế độ ăn uống kém khoa học: Các món ăn thường ngày có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của chúng ta. Nếu bạn thường xuyên ăn những loại thực phẩm không có lợi cho cơ thể thì cũng có thể dẫn tới ung thư.
– Ô nhiễm môi trường, thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, cái loại chất thải từ động cơ xe hay các chất phóng xạ.
– Mắc một số bệnh phổi mạn tính như lao phổi, viêm phổi,…
Thuốc lá có liên quan trực tiếp tới việc hình thành khối u ở phổi
3. Ung thư phổi giai đoạn đầu có dễ phát hiện không?
Ở giai đoạn đầu, ung thư phổi không biểu hiện rõ các triệu chứng trên cơ thể. Nếu để ý, chúng ta vẫn có thể phát hiện ra một số thay đổi nhất định. Tuy nhiên, chúng có thể dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của một số bệnh về hô hấp khác.
Dưới đây là những triệu chứng ung thư phổi giai đoạn đầu mà bạn nên cảnh giác:
– Thường xuyên bị ho: Có thể ho khan hoặc ho có đờm. Cơn ho xuất hiện liên tục và dai dẳng, ho tăng dần vào rạng sáng và có thể lẫn một ít máu.
– Lượng đờm khi ho có sự thay đổi về mức độ và màu sắc theo thời gian.
– Lưng, ngực và vai có thể xuất hiện cảm giác đau nhưng mức độ không đồng đều.
– Cảm thấy khó thở, thở khò khè và nặng nhọc.
– Giọng nói dần biến đổi, khàn hơn và âm thanh phát ra ngày càng khó khăn.
– Ăn không thấy ngon miệng, mất cảm giác thèm ăn, cân nặng giảm đột ngột.
– Luôn cảm thấy không có sức lực, dễ bị cảm hay sốt do suy giảm sức đề kháng.
– Mặt và cổ có thể bị sưng, cảm thấy đau ở xương và khớp.
Bên cạnh đó, một số trường hợp hiếm gặp có thể bị thay đổi hình dạng và màu sắc của da, móng tay hay ngón tay ở giai đoạn đầu của ung thư phổi.
4. Làm sao để chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn đầu?
Khi nghi ngờ các dấu hiệu ung thư phổi, bạn hãy đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác.
Các phương pháp chẩn đoán và tầm soát sớm ung thư phổi gồm có:
Chụp X quang phổi
Đây là phương pháp phổ biến và rất dễ thực hiện, hầu hết các bệnh viện đều được trang bị máy chụp X quang phổi. Kết quả chụp X quang cho phép phát hiện các tổn thương như khối u trong ngực với kích thước nhỏ.
Chụp X quang là phương pháp chẩn đoán ung thư phổi rất phổ biến
Chụp CT lồng ngực
Tương tự như chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cũng giúp xác định các tổn thương trong phổi, từ đó có thể sàng lọc ung thư.
Nội soi phế quản
Nội soi phế quản có thể được thực hiện bằng nguồn sáng NBI hoặc ánh sáng huỳnh quang. Bằng kỹ thuật này, các tổn thương trên niêm mạc phế quản sẽ được phát hiện. Từ đó bác sĩ có thể chỉ định thêm sinh thiết để xác định đó có phải ung thư hay không.
Xét nghiệm truy tìm các chất chỉ điểm ung thư
Ung thư phổi cũng có thể được sàng lọc bằng cách tìm ra sự tồn tại của các chất chỉ điểm ung thư có trong máu như CEA, SCC, Cyfra 21-1, Pro-GRP hay NSE. Nếu các chất này cho kết quả dương tính, người bệnh có thể sẽ được yêu cầu thực hiện sinh thiết tế bào phổi.
Có thể sàng lọc ung thư phổi bằng cách tìm các chất chỉ điểm ung thư
Qua những thông tin trên đây, chúng ta có thể thấy ung thư phổi giai đoạn đầu không dễ dàng phát hiện chỉ bằng những dấu hiệu thông thường. Chính vì vậy, để khẳng định được nguy cơ ung thư và có biện pháp xử lý sớm, bạn nên đi khám và tầm soát ung thư định kỳ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.