Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ người mắc bệnh ung thư tuyến giáp khá cao so với thế giới. Đây là căn bệnh có tính phổ biến nhưng tiên lượng tốt, hầu hết các trường hợp phát hiện sớm đều có thể chữa khỏi. Vậy cách phát hiện ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu cụ thể ra sao?
1. Khái quát về ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu
Ung thư tuyến giáp là bệnh ác tính thuộc vùng đầu – mặt – cổ và thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Đối tượng mắc bệnh có thể nằm trong bất cứ độ tuổi nào, phổ biến nhất là khi bắt đầu bước sang tuổi 30.
Ung thư tuyến giáp tồn tại ở nhiều thể khác nhau. Do đó, các giai đoạn phát triển của bệnh cũng có sự phân hóa tùy thuộc từng thể ung thư tuyến giáp cũng như tuổi tác của người bệnh.
Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu có thể hiểu là khi khối u mới chỉ hình thành và tồn tại hoàn trong trong tuyến giáp, chưa lan tới các hạch bạch huyết hay các cơ quan ở gần. Thông thường, khối u ở giai đoạn đầu có kích thước không quá 2cm.
Nếu phát hiện ung thư tuyến giáp trong giai đoạn đầu thì cơ hội chữa khỏi bệnh rất cao, tỉ lệ sống trên 5 năm lên tới 100%.
2. Nhận biết và chẩn đoán sớm ung thư tuyến giáp
2.1. Cách nhận biết ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu
Trong giai đoạn đầu của ung thư tuyến giáp, bệnh nhân không xuất hiện nhiều triệu chứng rõ ràng. Hầu hết các trường hợp phát hiện bệnh khi đi khám sàng lọc.
Những dấu hiệu sớm nhất của ung thư tuyến giáp bao gồm:
– Có cảm giác khó nuốt
– Hình thành u giáp trạng, di động theo nhịp nuốt
– Xuất hiện hạch mềm, nhỏ ở vùng cổ, có thể di động lên xuống
Sờ thấy hạch ở cổ là một trong những dấu hiệu đầu tiên của ung thư tuyến giáp
Nếu khối u chưa được phát hiện ngay ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể xuất hiện thêm các triệu chứng rõ ràng hơn như:
– Giọng khàn và khó thở
– Khối u to dần và rắn hơn, cố định ở trước cổ
– Một vùng da nhất định ở cổ có thể sẫm màu hơn hoặc sùi loét và chảy máu
2.2. Cách chẩn đoán sớm ung thư tuyến giáp
Do các dấu hiệu ban đầu còn khá mờ nhạt, ung thư tuyến giáp thường được chẩn đoán thông qua các phương pháp sau:
– Thăm khám lâm sàng: Người bệnh được khám với bác sĩ thông qua quan sát và thăm hỏi triệu chứng.
– Siêu âm tuyến giáp: Đây là phương pháp phổ biến nhất giúp phát hiện sớm các bất thường ở tuyến giáp. Hình ảnh siêu âm sẽ cho thấy vị trí và kích thước khối u.
– Xét nghiệm máu: Nồng độ hormone đo được trong máu sẽ giúp đánh giá chức năng hoạt động của tuyến giáp, xem tuyến giáp có đang khỏe mạnh hay không.
– Chọc hút tế bào kim nhỏ: Sau khi xác định tuyến giáp có tồn tại khối u, bác sĩ sẽ chỉ định chọc hút tế bào bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm. Mẫu tế bào nghi ngờ sẽ được đưa đi quan sát dưới kính hiển vi, từ đó giúp bác sĩ kết luận được u là lành tính hay ác tính.
Hầu hết những trường hợp mắc ung thư tuyến giáp đều phát hiện bệnh nhờ siêu âm
3. Phác đồ điều trị ung thư tuyến giáp ở giai đoạn đầu
Như có đề cập ở trên, ung thư tuyến giáp có tỉ lệ điều trị thành công rất cao. Bởi lúc này khối u vẫn chưa lan rộng ra các vị trí ngoài tuyến giáp. Các phương pháp thường được sử dụng để điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu gồm có phẫu thuật, điều trị i-ốt phóng xạ và điều trị nội tiết.
3.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị đầu tay cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp. Bằng cách cắt bỏ một thùy và eo giáp trạng hoặc cắt toàn bộ tuyến giáp, khối u sẽ được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi cơ thể người bệnh.
Trong trường hợp toàn bộ tuyến giáp bị loại bỏ, bệnh nhân sẽ cần duy trì uống thuốc hormone đến hết đời.
Nếu điều trị ngay từ giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để lấy đi toàn bộ khối u
3.2. Điều trị i-ốt phóng xạ
I-ốt phóng xạ hay còn gọi là điều trị I-131 thường được chỉ định sau khi bệnh nhân đã phẫu thuật tuyến giáp. Trước khi điều trị i-ốt phóng xạ, người bệnh cần ngừng uống hormone tuyến giáp ít nhất 4-6 tuần để có thể tăng khả năng hấp thu I-131.
Nhờ lợi dụng đặc tính hấp thụ i-ốt của tế bào tuyến giáp, điều trị I-131 được thực hiện nhằm tiêu diệt nốt các mô giáp lành tính và ác tính còn sót lại sau phẫu thuật. Trong khi đó, các tế bào khỏe mạnh ở các cơ quan khác không có đặc tính này nên sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, I-131 vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như khiến người bệnh cảm thấy khô miệng.
3.3. Điều trị nội tiết
Sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp cũng như sau điều trị I-131, người bệnh có thể cần bổ sung hormone tuyến giáp đã bị thiếu hụt. Liều lượng cụ thể sẽ được bác sĩ cân đối dựa theo tình trạng sức khỏe của người bệnh ở từng thời điểm.
Ngoài ra, bệnh nhân điều trị ung thư tuyến giáp cũng cần kết hợp với một chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng như kế hoạch chăm sóc và vận động khoa học để có thể hồi phục nhanh hơn.
Đặc biệt, ung thư tuyến giáp là bệnh có thể tái phát, vì vậy sau khi kết thúc điều trị người bệnh không nên chủ quan mà hãy chủ động uống thuốc và tái khám đều đặn theo lịch hẹn của bác sĩ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.