Ung thư tuyến giáp thể nhú chiếm khoảng 80-90% tổng số ca mắc ung thư tuyến giáp. Vậy nguyên nhân nào khiến cho loại ung thư này trở nên phổ biến như vậy? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra được lời giải cho vấn đề này.
1. Hiểu thế nào về ung thư tuyến giáp thể nhú?
Ung thư tuyến giáp thể nhú còn có tên gọi khác là ung thư biểu mô nhú. Đây là loại phổ biến nhất của ung thư tuyến giáp, trong đó tỉ lệ nữ giới mắc phải cao gấp 3 lần so với nam giới. Hầu hết bệnh nhân ung thư tuyến giáp nằm trong độ tuổi từ 30-60, tuy nhiên tỉ lệ người trẻ mắc phải căn bệnh này đang ngày càng tăng cao.
Loại ung thư thể nhú này thường tồn tại dưới dạng nhân hoặc nang không đồng đều, hoặc cũng có thể tồn tại như khối u trong mô tuyến giáp bình thường. Khi bước sang giai đoạn tiến triển, ung thư có thể di căn hạch cổ hoặc xâm lấn các cơ quan khác nhưng ít tấn công vào các mạch máu.
U tuyến giáp thể nhú thường có tiên lượng tốt hơn các loại khác
2. Quá trình phát triển của u tuyến giáp thể nhú
2.1. Giai đoạn 1
Là giai đoạn đầu tiên nên các triệu chứng chưa biểu hiện rõ ràng. Kích thước khối u ở giai đoạn này vẫn nhỏ, chỉ chưa đến 2cm và nằm hoàn toàn trong tuyến giáp, chưa có hiện tượng xâm lấn ra bên ngoài.
2.2. Giai đoạn 2
Đến giai đoạn thứ 2, khối u đã phát triển lớn hơn tới kích thước từ 2-4 cm. Lúc này ung thư cũng không chỉ giới hạn ở tuyến giáp mà có thể lan đến một số vị trí ở gần. Vì vậy, người bệnh có thể nhận thấy một số biểu hiện như khó nuốt, đau cổ họng,…
2.3. Giai đoạn 3
Với ung thư tuyến giáp thể nhú giai đoạn 3, khối u thường có kích thước trên 4 cm. Tuy kích thước khá lớn nhưng ung thư vẫn chưa xâm lấn hệ thống bạch huyết nên cơ hội điều trị thành công vẫn khá cao. Giai đoạn này thường đi kèm các cơn đau ở cổ họng với mức độ thường xuyên hơn cũng như cảm giác khó nuốt ngày càng rõ ràng. Do đó, người bệnh cần đặc biệt lưu ý chế độ ăn uống kể từ giai đoạn này.
2.4. Giai đoạn 4
Giai đoạn 4 là giai đoạn cuối cùng của ung thư biểu mô nhú. Ở giai đoạn này, kích thước khối u tăng lên nhanh chóng. Đồng thời, ung thư cũng xâm lấn mạnh mẽ vào các hạch bạch huyết ở cổ và ngực, gây nên tình trạng di căn xương hay di căn phổi.
3. Ung thư tuyến giáp thể nhú nguyên nhân do đâu?
Tuyến giáp là một cơ quan nội tiết quan trọng, các nhu mô của cơ quan này đặc biệt nhạy cảm với tác động của các tia bức xạ ion hóa. Sự tiếp xúc với bức xạ ion hóa trong môi trường tự nhiên hay trong y tế đều có thể tác động đến cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp thể nhú.
Trên thực tế, nếu người bệnh từng trải qua xạ trị để điều trị ung thư vùng đầu cổ thì nguy cơ mắc phải ung thư tuyến giáp sẽ cao hơn người bình thường. Ngoài ra, các phương pháp chiếu tia bức xạ nhằm trị liệu trên da như điều trị mụn trứng cá, trị nấm da, cắt amidan và tuyến ức,… cũng có thể gây ra nguy cơ ung thư tuyến giáp.
Bên cạnh tác động của các bức xạ ion hóa, một số yếu tố dưới đây cũng được chứng minh là có liên quan đến nguyên nhân tạo thành bệnh u tuyến giáp thể nhú:
– Chế độ ăn uống thiếu hụt iốt
– Sử dụng các thuốc tránh thai qua đường uống
– Trên cơ thể có sẵn các nốt tuyến giáp lành tính
– Quá trình mãn kinh diễn ra muộn hơn bình thường
– Mang thai và sinh con muộn
– Mắc phải một số hội chứng gia đình ít phổ biến như: polyp tuyến thượng thận, bệnh Cowden hay hội chứng Gardner.
Việc tiếp xúc với các bức xạ ion hóa có thể coi là nguyên nhân chính gây ra u tuyến giáp thể nhú
4. Điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú bằng cách nào
Tùy theo từng giai đoạn phát triển cũng như khả năng đáp ứng của người bệnh, u tuyến giáp thể nhú có thể được điều trị bằng các phương pháp sau:
Phẫu thuật
Đây là phương pháp đầu tiên và phổ biến nhất thường được lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp. Ở giai đoạn sớm, phẫu thuật có thể giúp loại bỏ hoàn toàn khối u tuyến giáp.
Người bệnh có thể được cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp tùy mức độ nghiêm trọng của ung thư. Trong trường hợp khối u có kích thước quá 4 cm hoặc đã xảy ra tình trạng di căn xa thì ngoài phẫu thuật, người bệnh sẽ được chỉ định xạ trị để loại bỏ nốt các mô giáp còn sót lại. Bênh cạnh đó, người bệnh cũng cần sử dụng một liều I131 thích hợp để uống duy trì sau phẫu thuật.
Dựa vào tình trạng thực tế, bệnh nhân có thể đáp ứng phẫu thuật hoặc không
Điều trị nội tiết
Mục đích của điều trị nội tiết là ức chế TSH, kìm hãm sự phát triển của các tế bào ung thư còn sót lại sau khi thực hiện các phương pháp điều trị trước đó và ngăn chặn ung thư tái phát. Điều trị nội tiết có thể được lặp lại theo chu kì mỗi 6 tháng hoặc 1 năm tùy theo chỉ định của bác sĩ.
Ung thư tuyến giáp nói chung và ung thư tuyến giáp thể nhú nói riêng là loại bệnh có khả năng tái phát. Vì vậy, dù đã được điều trị thành công thì người bệnh vẫn cần tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, không nên chủ quan và tự ý dừng theo dõi. Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ nếu gặp bất cứ vấn đề nào để được tư vấn hướng xử lý phù hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.