Ung thư tuyến giáp thể nhú là một trong những loại ung thư thường gặp nhất, chiếm khoảng 70 – 80% ca mắc. Nhiều bệnh nhân bị chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp dạng thể nhú lo lắng không biết ung thư tuyến giáp dạng này có thể sống được bao lâu. Thông tin bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc trên.
1. Khái quát về bệnh ung thư tuyến giáp dạng thể nhú
1.1 Bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú là gì?
Ung thư tuyến giáp thể nhú hay còn được biết đến là ung thư tuyến giáp biểu mô nhú, là dạng u ác tính hay gặp nhất của tuyến giáp chiếm đến 80% trong các khối u ác tính tuyến giáp. Loại u ác tính tuyến giáp thể nhú này thường xuất hiện dưới dạng các nhân hoặc nang không đều hoặc là các khối u trong nhu mô tuyến giáp. Ung thư biểu mô nhú tuyến giáp được phát hiện mắc ở mọi lứa tuổi, và giới tính khác nhau, tuy nhiên thường gặp nhất là với phụ nữ trẻ tuổi.
Ung thư tuyến giáp có 4 dạng: Thể nhú, thể nang, thể tủy và thể không biệt hóa. Trong đó ung thư không biệt hóa là loại nguy hiểm nhất và khó điều trị nhất, ung thư nhú chiếm tỉ lệ cao nhất và tiên lượng tốt.
1.2 Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết ung thư tuyến giáp dạng thể nhú
Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp loại này, chủ yếu là do tác động của phóng xạ xung quanh môi trường sống, các yếu tố nguy cơ khác là béo phì, tiểu đường, dư thừa i ốt trong chế độ ăn, tình trạng mãn kinh muộn…
Bệnh ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm thường không gây ra những triệu chứng điển hình. Chủ yếu là bệnh nhân tình cơ phát hiện khi thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc trong quá trình điều trị, theo dõi các bệnh lý về tuyến giáp. Ở các giai đoạn tiến triển, ung thư tuyến giáp có thể gây ra những triệu chứng nhận biết như sau:
– Có khối u bất thường ở vùng cổ, có thể nhìn thấy bằng mắt thường, khối này thường sẽ cứng và di động theo nhịp nuốt.
– Có hạch ở vùng cổ, hạch mềm và nhỏ cùng bên với khối u.
Khi bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn muộn các triệu chứng có thể gặp là khó nuốt, khàn tiếng, khó thở, da vùng cổ bị sần sùi thâm nhiễm… bởi kích thước khối u đã phát triển to hơn, gây chèn ép.
Khi nhận thấy những bất thường ở cơ thể, chúng ta cần đi khám ngay, khám tổng quát cũng như khám chuyên khoa để phát hiện bệnh sớm nhất có thể.
2. Bệnh nhân ung thư tuyến giáp ở thể nhú sống được bao lâu?
Tính trung bình trên thế giới, ung thư tuyến giáp chiếm khoảng 1% trong số các bệnh ung thư. Tỷ lệ mắc trung bình là dưới 3/100 000 dân/ 1 năm ở nam. Với nữ giới cao hơn 2 – 3 lần.
So với các bệnh ung thư thường gặp khác, ung thư tuyến giáp được đánh giá là có tiên lượng sống rất tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực khi ung thư chưa di căn. Ung thư tuyến giáp được chia thành nhiều loại khác nhau bao gồm ung thư tuyến giáp thể nhú (chiếm khoảng 70 – 80%), ung thư tuyến giáp thể nang (10 – 15%), ung thư tuyến giáp thể tủy (5 – 10%) và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa (chiếm khoảng dưới 2%). Trong số các loại ung thư tuyến giáp trên, u ác tính tuyến giáp thể nhú được đánh giá tiến triển chậm, thường di căn hạch cổ nhưng vẫn có tiên lượng sống tốt.
U tuyến giáp thể nhú sống được bao lâu? Cũng giống như cơ sở để bác sĩ đưa ra dự đoán tiên lượng sống cho bệnh nhân ung thư, ung thư tuyến giáp biểu mô nhú nhú sống được bao lâu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giai đoạn tiến triển ung thư, phác đồ điều trị, mức độ đáp ứng điều trị cũng như mong muốn điều trị của người bệnh.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, bệnh nhân ung thư tuyến giáp biểu mô nhú giai đoạn I và giai đoạn II có cơ hội sống gần như tuyệt đối, gần 100% sau 5 năm chẩn đoán bệnh. Ở giai đoạn III, cơ hội sống của người bệnh vẫn rất tốt, khoảng 93%. Đến giai đoạn IV khi ung thư di căn, người bệnh chỉ còn khoảng 51% cơ hội sống.
2. Điều trị ung thư tuyến giáp như thế nào?
Tùy thuộc vào loại ung thư, giai đoạn tiến triển bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Một số phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp có thể được bác sĩ xem xét là:
– Phẫu thuật: là một trong những phương pháp điều trị cơ bản nhất cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ một thùy bên có u hay cắt bỏ gần như toàn bộ 2 thùy và eo kết hợp nạo vét hạch cổ trong trường hợp cần thiết.
– I ốt phóng xạ: do đặc điểm tế bào tuyến giáp có khả năng hấp thu I ốt rất tốt nên đây là một trong những phương pháp quan trọng thường được chỉ định cho bệnh nhân sau phẫu thuật. các tế bào khác trong cơ thể do không có đặc tính bắt giữ I 131 nên sẽ ít chịu tác động của dược chất phóng xạ này.
– Xạ trị ngoài: sử dụng tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị ngoài thường được xem xét chỉ định trong trường hợp khối u di căn xương và các di căn khác. Điều trị xạ trị có thể làm giảm tốc độ phát triển và sự lan tràn của tế bào ác tính.
Điều trị ung thư tuyến giáp tại Khoa Ung Bướu Singapore bằng phác đồ tân tiến sẽ giúp bệnh nhân nâng cao cơ hội thoát bệnh
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc đã hợp tác toàn diện với đội ngũ chuyên gia giỏi của Singapore trong xây dựng phác đồ điều trị ung thư, trong đó có TS. BS Lim Hong Liang. Với phác đồ điều trị tích cực của BS Lim, nhiều bệnh nhân ung thư đã được điều trị thành công.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.