Vi khuẩn trong âm đạo có phải là nguyên nhân gây viêm phụ khoa?

Hầu hết chị em đều cho rằng các loại khuẩn trong âm đạo đều là những tác nhân gây viêm nhiễm phụ khoa. Tuy nhiên, không phải loại khuẩn nào cũng khiến môi trường âm đạo bị ảnh hưởng và gây tổn thương. Tìm hiểu về các loại vi khuẩn trong âm đạo sẽ giúp chị em hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây viêm nhiễm. Đồng thời qua đây, người bệnh cũng hiểu hơn về phương pháp điều trị viêm âm đạo để tập trung đúng vào tác nhân gây bệnh.

1. Các loại khuẩn tồn tại trong âm đạo và vai trò của lợi khuẩn

1.1. Các loại vi khuẩn trong âm đạo

Trong môi trường âm đạo thường tồn tại hai loại vi khuẩn là vi khuẩn kỵ khí và vi khuẩn hiếu khí. Chúng tồn tại trong âm đạo theo mối quan hệ cộng sinh, dạng ký sinh vào vật chủ. Mối quan hệ này tạo nên một môi trường âm đạo tương quan, cân bằng. Trong đó, âm đạo có vai trò cung cấp dưỡng chất nuôi dưỡng vi sinh vật. Các tế bào lát tầng và các tuyến sẽ thực hiện nhiệm vụ này.

Ngược lại, vi sinh vật tồn tại trong âm đạo đóng vai trò quan trọng, bảo vệ vật chủ bằng cách cân bằng môi trường và hạn chế tác động từ các vi khuẩn gây bệnh. Môi trường âm đạo bị rối loạn bởi sự cân bằng của hệ vi sinh sẽ khiến cho tình trạng viêm dễ xảy ra.

Môi trường âm đạo thường tồn tại hai loại vi khuẩn là vi khuẩn kỵ khí và vi khuẩn hiếu khí

Trong các loại khuẩn tồn tại ở môi trường âm đạo, Lactobacillus là loại khuẩn chiếm ưu thế, hay còn được gọi là lợi khuẩn. Lợi khuẩn quan trọng bởi chúng có khả năng tạo ra axit lactic, kiểm soát sự tăng sinh của vi khuẩn gây hại.

1.2. Vai trò Lactobacillus trong âm đạo

Lactobacillus không chỉ có vai trò chính yếu trong việc kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn gây hại mà còn có nhiệm vụ chính duy trì cân bằng pH âm đạo. pH ở mức ổn định sẽ nằm trong khoảng từ 3.5 đến 4.5, biểu mô âm đạo bình thường.

Lactic acid do khuẩn Lactobacillus tạo ra không chỉ tham gia bảo vệ âm đạo, hỗ trợ cân bằng pH tự nhiên mà còn ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch bẩm sinh, chống lại sự tấn công của vi khuẩn Gram âm

Ngoài sản xuất Lactic acid, Lactobacillus còn tạo ra các bacteriocins – một dạng protein có tính diệt khuẩn, đặc biệt là các vi khuẩn lạ gây bệnh cho âm đạo.

Bên cạnh đó, H2O2 là một chất do Lactobacillus tạo ra, có khả năng ức chế quá trình khu trú của vi khuẩn gây bệnh trong âm đạo. Chất này cũng giúp củng cố cơ chế miễn dịch tại chỗ của âm đạo.

2. Vi khuẩn gây viêm âm đạo gồm những loại nào? Nguyên nhân nào khiến những loại khuẩn gây hại phát triển?

2.1. Những vi khuẩn trong âm đạo có khả năng gây viêm nhiễm

Nhiễm khuẩn âm đạo là một trong số những tác nhân gây viêm nhiễm phụ khoa thường gặp. Vi khuẩn là tác nhân chiếm tới 75% các trường hợp viêm âm đạo, viêm phụ khoa.

Khi lợi khuẩn suy yếu do ảnh hưởng từ một số nguyên nhân khách quan, các loại vi khuẩn gây hại sẽ tăng sinh, khó kiểm soát và gây ra viêm. Viêm lan rộng còn có thể ảnh hưởng tới niệu đạo, hậu môn, cổ tử cung, tử cung của chị em phụ nữ.

Những vi khuẩn Mobiluncus, Bacteroides, Gardnerella và Mycoplasma thường là tác nhân gây ra viêm nhiễm. Một khi môi trường âm đạo đã mất cân bằng, lợi khuẩn sẽ khó duy trì được sự ổn định của hệ vi sinh vật. Các vi khuẩn có hại từ đó ngày càng tăng sinh và lấn sâu hơn, gây ra nhiều triệu chứng rõ rệt.

Vi khuẩn trong âm đạo là tác nhân chiếm tới 75% các trường hợp viêm âm đạo, viêm phụ khoa

– Khí hư có dấu hiệu bất thường, chuyển sang màu trắng hoặc vàng.

– Mùi tanh rõ hơn sau quá trình quan hệ tình dục.

– Tiểu tiện có cảm giác đau, rát “cô bé”.

– Ngứa âm đạo, “cô bé” thậm chí có thể sưng đỏ nhẹ.

– Chảy máu, xuất huyết do âm đạo bị tổn thương sau khi quan hệ vợ chồng.

2.2. Những nguyên nhân khiến vi khuẩn gây hại trong âm đạo tăng sinh?

Sự suy giảm lợi khuẩn trong âm đạo dẫn đến tăng sinh các vi khuẩn gây hại có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp này đến từ việc:

– Thụt rửa, dùng sai loại dung dịch vệ sinh âm đạo.

– Sử dụng nội tiết tổng hợp hoặc thuốc đặt sai cách, khiến cho lợi khuẩn bị ảnh hưởng mà không tiêu diệt được vi khuẩn.

– Thay đổi nội tiết trong thai kỳ, dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn khiến môi trường âm đạo bị ảnh hưởng.

– Sử dụng thuốc kháng sinh không đúng liều lượng, khiến cho tình trạng loạn khuẩn diễn ra.

– Đái tháo đường.

– Hệ miễn dịch không ổn định, bị rối loạn.

– Sử dụng, lạm dụng các dụng cụ tránh thai.

– Quan hệ tình dục không dùng các biện pháp an toàn, quan hệ bừa bãi với nhiều người.

3. Một số xét nghiệm được sử dụng xác định vi khuẩn gây hại trong âm đạo

Để chẩn đoán các loại khuẩn gây nhiễm khuẩn âm đạo, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tìm hiểu tiền sử bệnh, quá trình diễn biến bệnh và làm xét nghiệm trên mẫu dịch tiết âm đạo. Các xét nghiệm xác định khuẩn âm đạo gây viêm được tiến hành gồm:

– Soi tươi

Mẫu dịch tiết âm đạo sẽ được hòa cùng nước muối sinh lý. Quan sát qua lam kính hiển vi, kỹ thuật viên có thể phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng, bạch cầu và tác nhân gây bệnh – trùng roi Trichomonas vaginalis.

– Nghiệm pháp Whiff

Nhỏ thêm dung dịch KOH vào mẫu dịch tiết âm đạo thu được, mùi hôi từ dịch âm đạo sẽ bốc lên nếu có yếu tố vi khuẩn gây viêm. Trường hợp này thường do vi khuẩn Gardnerella vaginalis gây nên.

– Đo độ pH của âm đạo

Độ pH âm đạo của người khỏe mạnh rơi vào khoảng 3.5 đến 4.8. Khi vi khuẩn gây viêm âm đạo tăng sinh, pH sẽ tăng lên từ 4.5 cho đến 7.0.

– Nhuộm Gram:

Kỹ thuật nhuộm Gram sẽ giúp phân loại các vi khuẩn Gram dương (+) và Gram âm (-) qua cấu tạo vách tế bào của chúng. Màu tím thể hiện vi khuẩn Gram dương (+). Màu hồng thể hiện vi khuẩn Gram âm (-). Quy trình nhuộm Gram không quá phức tạp và có thể cho kết quả chính xác để hỗ trợ quá trình điều trị.

– PCR

Đây là phương pháp giúp phát hiện bệnh lý ở những trường hợp ít hoặc không có triệu chứng. Một số loại khuẩn gây viêm như lậu, Chlamydia hay Mycoplasma có thể được phân tích dựa trên phương pháp chẩn đoán này.

Để chẩn đoán các loại khuẩn gây nhiễm khuẩn âm đạo, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tìm hiểu tiền sử bệnh, quá trình diễn biến bệnh và làm xét nghiệm trên mẫu dịch tiết âm đạo

Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI cung cấp tới người bệnh viêm phụ khoa, viêm âm đạo dịch vụ khám, sàng lọc bệnh phụ khoa cơ bản dành những khách hàng gặp các triệu chứng bất thường, nguy cơ viêm nhiễm cao như:

– Chảy máu vùng âm đạo.

– Kinh nguyệt có bất thường.

– Dịch âm đạo không tiết ra bình thường mà với lượng nhiều hơn, thay đổi cả về trạng thái và màu sắc.

– Đau, ngứa bộ phận sinh dục.

– Khách hàng có tiền sử bệnh.

Sử dụng dịch vụ tại Thu Cúc TCI, khách hàng được thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán bệnh, phát hiện sớm nguy cơ, tác nhân gây viêm nhiễm giúp điều trị thuận tiện hơn, không tốn kém.

Khám và phát hiện vi khuẩn trong âm đạo giúp phụ nữ chủ động hơn trong việc kiểm soát viêm nhiễm phụ khoa. Đồng thời, đây cũng là cách để chị em có thể phòng ngừa những biến chứng do viêm âm đạo, viêm phụ khoa tái phát thường xuyên.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *