Viêm cổ tử cung khi mang thai 3 tháng cuối là tình trạng phổ biến mà không ít mẹ bầu phải đối mặt. Không chỉ gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu, bệnh còn có thể đe dọa trực tiếp đến thai nhi. Vậy dấu hiệu hay cách điều trị như thế nào, mẹ bầu cùng tham khảo bài viết dưới đây để nắm được những thông tin quan trọng về viêm cổ tử cung nhé!
1. Tìm hiểu về hiện tượng viêm cổ tử cung khi mang thai 3 tháng cuối
Cổ tử cung là một phần của cơ quan sinh dục nữ, đây có thể nói là phần thấp nhất của tử cung, tiếp nối giữa âm đạo và thân tử cung. Đồng thời, cổ tử cung cũng chính là nơi máu của kỳ kinh nguyệt ra khỏi tử cung. Trong thời gian chuyển dạ, cổ tử cung sẽ giãn nở hết cỡ để em bé có thể đi qua ống sinh.
Viêm cổ tử cung khi mang thai 3 tháng cuối là hiện tượng sưng, viêm hay lở loét do nhiễm khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra
Trên thực tế, viêm cổ tử cung là một căn bệnh không mấy hiếm gặp đối với nữ giới, đây là tình trạng sưng, viêm hay lở loét do nhiễm khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Trong đó, viêm cổ tử cung trong giai đoạn mang bầu, đặc biệt là thời gian 3 tháng cuối của thai kỳ là hiện tượng phổ biến nhất.
2. Nguyên nhân khiến mẹ bị viêm cổ tử cung vào tam cá nguyệt thứ 3
Ở 3 tháng cuối của thai kỳ hay còn gọi là tam cá nguyệt thứ 3 là thời điểm mà mẹ bầu dễ mắc các bệnh lý phụ khoa nhất, đặc biệt là viêm cổ tử cung. Hiện tượng này xảy ra do một số nguyên nhân như:
– Mất cân bằng nội tiết tố, cơ thể có nhiều thay đổi như suy giảm đề kháng khiến cho các loại virus, vi khuẩn và nấm có điều kiện xâm nhập vào âm đạo và gây ra các loại bệnh viêm nhiễm phụ khoa, trong đó có viêm cổ tử cung.
– Thay đổi độ pH trong âm đạo, khiến cho môi trường âm đạo thay đổi. Bên cạnh đó, việc một số mẹ bầu thường có thói quen sử dụng các loại dung dịch vệ sinh có tính kiềm mạnh cũng có thể làm thay đổi môi trường âm đạo và khiến vi khuẩn lây lan từ âm đạo đến cổ tử cung gây viêm.
– Quan hệ tình dục không an toàn là một trong những nguyên nhân gây viêm bởi khi quan hệ không sử dụng biện pháp, từ đây vi khuẩn sẽ dễ dàng lây lan và gây viêm.
– Không vệ sinh vùng kín đúng cách hoặc để vùng kín trong tình trạng ẩm ướt.
– Tổn thương thực thể do nạo phá thai hoặc sinh nở quá nhiều lần.
Không vệ sinh âm đạo đúng cách là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh
3. Các triệu chứng viêm cổ tử cung khi mang bầu vào tam cá nguyệt thứ 3
Nhìn chung, các triệu chứng của viêm cổ tử cung thường không điển hình, ngoài ra chúng còn khá tương đồng so với các biểu hiện của bệnh phụ khoa. Chỉ khi bệnh trở nặng, các triệu chứng mới trở nên rõ ràng hơn. Một số triệu chứng phổ biến của bệnh như sau:
– Âm đạo tiết nhiều khí hư có màu vàng, trắng đục hoặc xám nhạt.
– Vùng kín ngứa ngáy hoặc sưng tấy.
– Thường xuyên có cảm giác nóng rát ở vùng kín, đặc biệt là khi đi tiểu.
– Xuất huyết âm đạo bất thường, đau tức ở vùng bụng dưới.
– Ngứa ngáy, sưng tấy vùng kín.
– Cảm giác nóng rát vùng kín, nhất là khi đi tiểu.
– Đau và có thể chảy máu khi quan hệ tình dục, có thể thấy xuất huyết âm đạo bất thường.
– Có trường hợp có triệu chứng sốt nhẹ hoặc vừa.
4. Viêm cổ tử cung khi mang bầu vào tam cá nguyệt thứ 3 nguy hiểm như thế nào?
Mang thai có thể nói là giai đoạn cơ thể sản phụ trở nên đặc biệt nhạy cảm, đặc biệt là trong 3 tháng cuối, hệ miễn dịch của mẹ có sự suy giảm nhiều hơn bình thường. Chính vì vậy, nếu như không được điều trị đúng cách, cả mẹ bầu và thai nhi có thể đối mặt với một số vấn đề như:
4.1. Với mẹ bầu
Viêm cổ tử cung làm suy giảm chức năng miễn dịch của tử cung và âm đạo, tạo điều kiện cho các bệnh lý phụ khoa khác hình thành và phát hiện. Không những thế, tình trạng âm đạo tiết nhiều khí hư, đau rát vùng kín cũng gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như tác động tiêu cực lên tâm lý mẹ.
Ngoài ra, một vấn đề nguy hiểm hơn nữa mà mẹ bầu phải đối mặt khi bị bệnh trong giai đoạn mang bầu 3 tháng cuối đó là nguy cơ nhiễm trùng ối, làm giảm khả năng đàn hồi của cổ tử cung, làm tăng nguy cơ sinh non.
4.2. Với thai nhi
Với những mẹ bầu lựa chọn phương pháp sinh thường, bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu mà cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến thai nhi:
– Trường hợp sản phụ bị viêm do nhiễm nấm Candida, trẻ sinh ra có thể bị mắc viêm da do nấm xâm nhập niêm mạc khoang miệng.
– Trường hợp sản phụ bị viêm do lậu cầu, mắt của trẻ có thể bị viêm kết mạc, sưng huyết hoặc ra mủ vàng đe dọa nghiêm trọng tới thị lực của trẻ.
5. Các phương pháp điều trị và phòng tránh viêm cổ tử cung
5.1. Phương pháp điều trị
Hiện tại có nhiều phương pháp điều trị viêm cổ tử cung, việc lựa chọn phương pháp nào do bác sĩ chỉ định tùy theo tình trạng cũng như sức khỏe của mẹ bầu. Trong điều trị nội khoa chủ yếu là sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc đặt để làm giảm viêm, tiêu viêm. Với các thủ thuật nội khoa sẽ có sự xâm lấn của các phương pháp như đốt điện, laser, dao leep…
Với trường hợp ở 3 tháng cuối thai kỳ, thông thường bác sĩ sẽ không can thiệp bằng phương pháp ngoại khoa mà chỉ kê đơn thuốc phù hợp để sản phụ có điều trị ngay tại nhà. Chỉ khi đã sinh xong, nếu tình trạng bệnh trở nặng và chuyển sang giai đoạn mãn tính thì bắt buộc phải có sự can thiệp của các phương pháp ngoại khoa.
Bên cạnh các phương pháp nội khoa, người bệnh cũng có thể được chỉ định thực hiện một số thủ thuật nội khoa như: Đốt điện, laser, dao leep…
5.2. Một số biện pháp phòng ngừa
Để phòng ngừa, trước tiên mẹ cần đảm bảo vệ sinh vùng kín thật sạch sẽ, đúng cách. Mẹ bầu có thể sử dụng các loại dung dịch phụ nữ có tác dụng tạo cân bằng độ pH để giúp vùng kín luôn duy trì được độ ẩm cũng như khử mùi hôi hiệu quả.
Bên cạnh đó, mẹ nên sử dụng đồ lót có chất liệu thoải mái, thấm hút mồ hôi cũng như có kích cỡ phù hợp. Và đừng quên, điều quan trọng nhất để phòng tránh bệnh đó là duy trì chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, khoa học. Mẹ bầu cần chú ý bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết giúp mẹ tăng sức đề kháng, miễn dịch cho cơ thể.
Trên đây là các thông tin quan trọng về viêm cổ tử cung khi mang thai tháng cuối mà bất kỳ mẹ bầu nào cũng cần lưu ý. Như đã đề cập đến ở trên, viêm cổ tử cung là một căn bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và trẻ. Do đó, để phòng tránh bệnh từ sớm, tốt hơn hết là mẹ nên thăm khám phụ khoa định kỳ để sàng lọc và loại bỏ những nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến thai kì.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.