Với căn bệnh đang ngày càng phổ biến và trẻ hóa như ung thư cổ tử cung, để được tầm soát chính xác nhất thì người bệnh nên đi khám và xét nghiệm định kỳ. Vậy có thể xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung bằng những cách nào?
1. Ung thư cổ tử cung nguy hiểm ra sao?
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lý phổ biến hàng đầu ở phụ nữ, không chỉ riêng tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nếu không thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, đặc biệt là đến khả năng sinh con của phái nữ.
Khi ung thư chuyển sang giai đoạn tiến triển, khối u có thể lan ra ngoài tử cung và di căn đến nhiều cơ quan lân cận như thận, phổi, gan, xương,… làm suy giảm chứng năng hoạt động của chúng. Căn bệnh này thậm chí có thể gây ra tỉ lệ tử vong rất cao ở nữ giới.
2. Các phương pháp xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung
2.1. Xét nghiệm Pap smear
Pap smear hay xét nghiệm Pap còn có tên gọi khác là phết tế bào cổ tử cung. Đây là một loại xét nghiệm tế bào học có tác dụng xác định những biến đổi bất thường ở cổ tử cung, chủ yếu gây ra bởi virus HPV.
Bằng cách thu thập các tế bào nằm trong cổ tử cung để phân tích, xét nghiệm này có thể phát hiện ung thư cổ tử cung trước khi nó lan rộng ra các cơ quan khác. Ngoài ra, Pap smear còn có thể cảnh báo nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung trong tương lai.
Pap smear có ưu điểm là chi phí thực hiện khá thấp, không yêu cầu các trang bị hiện đại hay kỹ thuật phức tạp. Xét nghiệm này có thể được thực hiện một cách dễ dàng, nhanh chóng và không mang lại cảm giác đau đớn.
Tuy nhiên, xét nghiệm Pap có độ nhạy khá thấp (50-70%) và độ đặc hiệu cũng không quá cao (60-95%). Một số trường hợp còn xuất hiện tình trạng âm tính giả do tế bào bị bỏ sót khi chuẩn bị mẫu xét nghiệm.
Các tế bào trong cổ tử cung sẽ được lấy mẫu và xét nghiệm
Độ tuổi nên thực hiện Pap smear
Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, phụ nữ nên đi xét nghiệm Pap ở các mốc thời gian sau:
– Trước 21 tuổi: Không cần xét nghiệm
– Từ 21-29 tuổi: Xét nghiệm 3 năm/lần
– Từ 30-65 tuổi: Xét nghiệm 3 năm/lần
– 65 tuổi trở lên: Ngừng xét nghiệm
2.2. Xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung bằng Cobas test
Cobas test chính là xét nghiệm giúp phát hiện ra 2 loại virus HPV tuýp 16 và HPV tuýp 18 – những nhân tố gây ung thư cổ tử cung thường gặp nhất. Với xét nghiệm này, người bệnh còn có thể xác định mức độ nguy cơ mắc phải 1 trong 12 loại virus HPV còn lại hay không.
Cobas test có độ chính xác rất cao, lên tới khoảng 92%. Tỉ lệ âm tính giả hay sai số do lỗi của con người thường rất thấp. Tương tự như Pap smear, Cobas test có quy trình lấy mẫu rất đơn giản.
Tuy nhiên, xét nghiệm này có nhược điểm là phải đợi từ 7-10 ngày mới có kết quả và chỉ có thể thực hiện ở các bệnh viện được trang bị công nghệ hiện đại.
Độ tuổi nên xét nghiệm Cobas test HPV
Nữ giới từ 30 tuổi trở lên nên xét nghiệm HPV 3 năm/lần hoặc kết hợp đồng thời với phết tế bào cổ tử cung định kỳ 5 năm/lần để tầm soát ung thư cổ tử cung.
Cobas test có thể giúp tìm ra sự tồn tại của một số chủng HPV
2.3. Xét nghiệm Thinprep
Xét nghiệm Thinrep chính là sự cải tiến từ phương pháp Pap smear. Thay vì phết tế bào cổ tử cung lên một lam kính làm tiêu bản, tế bào sẽ được rửa với một loại chất lỏng định hình đựng trong lọ Thinrep. Sau đó, lọ này được đưa đến phòng thí nghiệm và xử lý bằng máy Thinrep để tạo ra tiêu bản tự động.
Tỉ lệ âm tính giả khi xét nghiệm Thinrep thấp hơn so với các phương pháp khác nhờ giảm thiểu được nguy cơ bỏ sót mẫu tế bào bất thường. Tuy nhiên, xét nghiệm này cũng đòi hỏi bệnh viện phải được trang bị đầy đủ các thiết bị tân tiến mới có thể thực hiện được.
Độ tuổi nên xét nghiệm Thinrep
– Trước 21 tuổi: Không cần xét nghiệm
– Từ 21-29 tuổi: Xét nghiệm 3 năm/lần
– Từ 30-65 tuổi: 3 năm/lần nếu âm tính, xét nghiệm định kỳ mỗi năm nếu dương tính
– 65 tuổi trở lên: Ngừng xét nghiệm
2.4. Xét nghiệm HPV DNA
Với mục đích xác định khả năng hiện diện của virus HPV, xét nghiệm HPV DNA sẽ sử dụng hệ thống máy tự động để tách chiết DNA rồi phân tích bằng công nghệ giải trình mới.
Trong số tất cả các phương pháp xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung thì xét nghiệm HPV DNA có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất (90-95%). Nhờ đó có thể kết luận virus HPV có tồn tại trong cơ thể hay không. Xét nghiệm này cũng có thể tiến hành trong khoảng thời gian rất ngắn với thao tác đơn giản.
Nhược điểm của phương pháp này là chỉ có thể đánh giá nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung chứ không thể chẩn đoán người bệnh có bị ung thư hay không. Để có được kết quả tầm soát chính xác nhất, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên tiến hành đồng thời Pap smear và HPV DNA.
Máy tách chiết HPV DNA tự động có thể hạn chế tối đa những sai sót do con người
3. Một số lưu ý cần nhớ trước khi tầm soát ung thư cổ tử cung
Tuy các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung đều không khó thực hiện nhưng bạn vẫn nên ghi nhớ một số lời khuyên dưới đây:
– Tránh tiến hành xét nghiệm tầm soát vào giữa chu kỳ kinh nguyệt. Thời điểm tốt nhất là 5 ngày sau khi kết thúc chu kỳ.
– Không dùng tăm bông hoặc các loại kem thoa âm đạo trong 2-3 ngày trước khi xét nghiệm.
– Không thụt rửa âm đạo trong 2-3 ngày trước khi xét nghiệm.
– Không quan hệ tình dục trong 2 ngày trước khi xét nghiệm.
– Trước khi xét nghiệm cần thông báo cho bác sĩ nếu đang đặt thuốc hoặc đang trong thời gian điều trị viêm nhiễm phụ khoa.
Trên đây là những thông tin bạn cần biết về tầm soát ung thư cổ tử cung. Dù nhận được kết quả xét nghiệm âm tính hay dương tính, bạn cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về hướng xử lý tiếp theo thay vì quá chủ quan hoặc bi quan. Đặc biệt, nên chọn các cơ sở y tế uy tín để có kết quả xét nghiệm chính xác nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc đi
ều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.