Trẻ em cũng có nguy cơ bị xơ gan tương tự như ở người lớn. Nhận biết được các dấu hiệu, triệu chứng của xơ gan ở trẻ em để phát hiện và điều trị sớm là điều rất cần thiết. Vì bệnh thường có biểu hiện không rõ và tiến triển âm thầm nhưng để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây ra bệnh xơ gan ở trẻ em
Mọi người thường nghĩ xơ gan thường xuất phát từ tình trạng lạm dụng rượu trong thời gian dài. Điều này có thể đúng với trường hợp xơ gan ở người lớn nhưng bệnh xơ gan ở trẻ em lại bắt nguồn từ một loạt các bệnh về gan, chẳng hạn như:
– Viêm gan B và C
– Viêm gan tự miễn
– Các bệnh di truyền:
+ Bệnh dự trữ glycogen
+ Tyrosinemia
+ Bệnh Wilson
+ Thiếu alpha1-antitrypsin
+ Xơ nang
- Xơ gan ở trẻ em thường bắt nguồn từ một loạt các bệnh lý về gan.
– Các bệnh về ống dẫn mật:
+ Hẹp đường mật
+ Xơ gan đường mật
+ Viêm xơ đường mật
+ Xơ gan bẩm sinh
+ Nang ống mật chủ
– Ảnh hưởng của thuốc và độc tố:
+ Isoniazid
+ Methotrexate
+ Thừa vitamin A
– Gan nhiễm mỡ
Các triệu chứng xơ gan ở trẻ em
Bệnh xơ gan thường không biểu hiện rõ ràng trong giai đoạn đầu, do đó rất khó để phát hiện sớm. Triệu chứng bắt đầu xuất hiện khi mô sẹo dần dần thay thế cho các tế bào khỏe mạnh. Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng phụ thuộc vào mức độ tổn thương của gan.
Ở giai đoạn đầu của xơ gan, trẻ có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi và yếu ớt. Một số trường hợp có thể bị sưng bụng gây đau đớn. Bố mẹ có thể nhận thấy trẻ ăn kém hơn hoặc bị giảm cân.
- Ở giai đoạn đầu của xơ gan, trẻ có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi và yếu ớt.
Khi bệnh tiến triển, dòng chảy của mật bị chặn, vàng da (mắt và da chuyển màu vàng) xuất hiện. Nước tiểu sẫm màu, trẻ dễ bị chảy máu và bầm tím nhưng mất nhiều thời gian để chữa lành. Các triệu chứng của xơ gan ở các giai đoạn sau do biến chứng bao gồm:
– Lòng bàn tay đỏ
– Rụng tóc
– Gan to
– Lá lách to
– Xuất hiện những đường mỏng, tím đỏ, ngoằn nghèo như mạch máu trên da, đặc biệt là xung quanh rốn.
– Sưng ở chân và bụng do cơ thể tích nước
– Nôn ra máu
– Ngứa
– Nhiễm trùng ổ bụng
– Lờ đờ, lú lẫn
– Không thể xử lý được các loại thuốc mà cơ thể hấp thụ
– Giãn tĩnh mạch thực quản/dạ dày có thể bị vỡ và dẫn tới đe dọa tính mạng của trẻ.
– Ung thư gan
Chẩn đoán xơ gan ở trẻ em
- Trẻ có thể được xét nghiệm máu để đánh giá xem gan hoạt động tốt như thế nào và tìm nguyên nhân gây xơ gan.
Nếu trẻ có các triệu chứng nghi ngờ xơ gan, các bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để xác nhận hoặc loại trừ chẩn đoán. Các xét nghiệm trong chẩn đoán xơ gan ở trẻ em có thể là:
– Xét nghiệm máu: để đánh giá gan hoạt động tốt như thế nào và tìm nguyên nhân gây xơ gan.
– Chụp CT, MRI, siêu âm để phát hiện những thay đổi trong gan.
– Sinh thiết gan: phân tích một mẫu nhỏ tế bào gan.
Điều trị xơ gan ở trẻ em
Nói chung mục tiêu của điều trị xơ gan là:
– Kiểm soát các nguyên nhân gây ra các tổn thương gan
– Ngăn chặn các thương tổn do xơ gan gây ra.
– Điều trị triệu chứng và biến chứng
– Điều trị các bệnh tiềm ẩn
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để điều trị các nguyên nhân cơ bản gây xơ gan ở trẻ em. Các thuốc khác có thể được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng hoặc chống lại nhiễm trùng. Một số thuốc được dùng để để loại bỏ chất lỏng dư thừa trong cơ thể, giảm nguy cơ vỡ mạch máu. Trong khi đó những loại thuốc khác giúp cơ thể của trẻ giảm hấp thu các chất thải độc hại hoặc chất độc.
- Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để điều trị các nguyên nhân cơ bản gây xơ gan ở trẻ em.
Nếu các biến chứng của xơ gan không thể kiểm soát và chức năng gan không còn hoạt động, ghép gan thường là lựa chọn điều trị tốt nhất.
Nhiều bệnh lý gây xơ gan là không thể ngăn chặn được nhưng có một số biện pháp mà cha mẹ có thể thực hiện để hạn chế nguy cơ phát triển xơ gan ở trẻ em. Hãy đảm bảo trẻ được tiêm phòng đủ các loại vắc xin theo quy định. Nếu trẻ phải uống các loại thuốc có khả năng gây thương tổn cho gan, thực hiện theo khuyến cáo của bác sĩ về xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng gan.
Chế độ dinh dưỡng cân bằng rất quan trọng với người mắc bệnh xơ gan. Trẻ có thể cần phải bổ sung thêm calo để phát triển bình thường và duy trì sức khỏe tổng thể. Nếu trẻ bị xơ gan nặng và gan gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý protein, trẻ có thể sẽ phải hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu protein. Ngoài ra cha mẹ cũng nên giảm bớt lượng muối trong chế độ ăn uống của trẻ vì muối khiến cơ thể tích nước. Trẻ cần tránh ăn các loại hải sản sống. Do nguy cơ nhiễm trùng gia tăng, bác sĩ có thể khuyên cha mẹ cho trẻ tiêm phòng vắc xin chống cúm, viêm phổi và viêm gan cho trẻ.
- Cha mẹ cũng nên giảm bớt lượng muối trong chế độ ăn uống của trẻ vì muối khiến cơ thể tích nước.
Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất mà người bị xơ gan có thể gặp phải là xuất huyết do giãn tĩnh mạch. Điều này xảy ra khi một mạch máu ở thực quả/dạ dày phình to và vỡ, gây chảy máu. Thông thường nếu tình trạng này xảy ra người bệnh sẽ bị nôn ra máu (máu có màu đỏ tươi hoặc màu đen như bã cà phê). Máu cũng có thể có trong phân, màu đỏ tươi hoặc màu đen, hắc ín. Xuất huyết do giãn tĩnh mạch là tình trạng cấp cứu. Trẻ cần được chuyển ngay tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.