Xơ vữa động mạch là tình trạng hình thành và phát triển các mảng bám trên thành mạch, làm giảm thiết diện động mạch, cản trở dòng máu đi qua lòng mạch, gây ảnh hưởng đến khả năng cung cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể. Bản chất của các mảng xơ vữa là cholesterol, triglyceride, canxi và các chất thải dễ lắng đọng trong máu khác. Vậy, động mạch bị xơ vữa có nguy hiểm không và những yếu tố nguy cơ khiến bệnh này tăng nặng hơn.
1. Xơ vữa động mạch có nguy hiểm không?
Động mạch là hệ thống mạch máu chính của hệ tuần hoàn, cung cấp máu giàu oxy và dinh dưỡng cho tất cả các cơ quan trong cơ thể, duy trì hoạt động sống của con người.
Động mạch chủ xuất phát từ tim, phân thành nhiều động mạch nhỏ và các mao mạch để đưa máu tới các mô và tế bào.
Xơ vữa động mạch là tình trạng tích tụ cholesterol, canxi trên thành động mạch, khiến máu chảy qua khó khăn do lòng mạch bị thu hẹp.
Vì thế, bất cứ tắc nghẽn nào ở động mạch quan trọng này cũng có thể gây nguy hiểm cho hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: vị trí xơ vữa, loại xơ vữa, nguyên nhân gây xơ vữa và mức độ phát triển của mảng xơ vữa. Cụ thể:
1.1 Vị trí xơ vữa
Hệ động mạch chia thành 3 loại:
– Động mạch vành tim: Hệ thống động mạch nằm trên bề mặt quả tim, có nhiệm vụ cung cấp máu nuôi dưỡng cơ tim, giúp tim có thể cơ bóp tạo ra máu giàu oxy và tới động mạch chủ.
– Động mạch cảnh: Động mạch xuất phát từ động mạch chủ ngực, hướng lên chia nhánh, đưa máu từ tim lên nuôi dưỡng cho não bộ.
– Động mạch ngoại biên: Hệ động mạch đưa máu đến các chi.
Tùy từng vị trí xuất hiện tương ứng mà các mảng xơ vữa sẽ gây nên các bệnh lý và nguy cơ biến chứng khác nhau. Xơ vữa động mạch vành thường gây ra những cơn đau thắt ngực, tình trạng khó thở cho bệnh nhân, nặng có thể gây nhồi máu cơ tim. Vữa xơ động mạch cảnh gây cản trở dòng máu lên não, gây đột quỵ não.
Trong khi đó, tắc nghẽn do xơ vữa ở các động mạch ngoại biên khiến người bệnh đau đớn các chi, gây khó khăn cho việc di chuyển của người bệnh. Nặng hơn có thể dẫn tới hoại tử chi, gây tàn phế. Bệnh động mạch ngoại biên thường gặp nhất là các tổn thương động mạch vùng tiểu khung, chi dưới và chi trên.
Các tắc nghẽn xảy ra ở các động mạch nhánh thường sẽ ít nguy hiểm hơn xơ vữa ở động mạch chính.
Các mảng xơ vữa phát triển có thể gây các biến cố nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đột tử, suy tim, rối loạn nhịp…
1.2 Loại xơ vữa
Dựa vào đặc tính của mảng xơ vữa, có thể chia các mảng xơ vữa thành 2 loại cứng và mềm. Các mảng xơ vữa cứng thường là kết quả của quá trình vôi hóa theo thời gian, khiến các động mạch không còn khả năng đàn hồi, khiến máu lưu thông qua đây ngày càng khó khăn và hạn chế.
Trong khi đó các mảng xơ vữa mềm cũng nguy hiểm không kém vì chúng có thể vỡ ra, kích thích sự hình thành cục máu đông, gây bít tắc hoàn toàn, chặn đột ngột con đường cung cấp máu. Điều này có thể gây ra các tình trạng cấp tính như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não,…
1.3 Mức độ xơ vữa động mạch
Các mảng xơ vữa mới hình thành thường chưa gây ảnh hưởng đến khả năng lưu thông của máu. Mạch máu vẫn có thể đàn hồi tốt nên bệnh nhân thường không có triệu chứng và hoạt động của cơ thể vẫn chưa gặp phải những bất thường đáng kể.
Nhưng khi các mảng xơ vữa này ngày càng dày lên và xâm lấn lòng mạch thì nguy cơ người bệnh gặp phải các triệu chứng khó chịu và các biến cố nguy hiểm cũng tăng lên. Việc điều trị cho bệnh nhân ở giai đoạn này cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Thông thường, khi xảy ra tắc hẹp trên 70% thì bệnh nhân thường phải thực hiện các biện pháp để khôi phục khả năng tưới máu của động mạch, đảm bảo đủ máu nuôi dưỡng cơ thể.
2. Các yếu tố nguy cơ làm tăng nặng tình trạng xơ vữa
Nhiều yếu tố nguy cơ có thể làm gia tăng độ nguy hiểm của bệnh xơ vữa mạch vành gồm:
2.1 Tuổi tác
Bệnh xơ vữa động mạch thường gặp nhất ở người cao tuổi. Tuy nhiên, bạn cũng không thể chủ quan nếu còn trẻ vì những thay đổi của môi trường, lối sống, chế độ dinh dưỡng,…đang dần trở thành
2.2 Giới tính
Các nghiên cứu thấy rằng chất nội tiết tố sinh dục của phụ nữ như estrogen cũng có tác dụng giúp hạn chế sự hình thành các mảng xơ vữa. Vì vậy phụ nữ trước tuổi mãn kinh có tỉ lệ mắc bệnh này thấp hơn ở nam giới. Phụ nữ tuổi từ 60 tuổi trở lên bị bệnh này cũng nhiều ngang bằng với nam giới.
2.3 Di truyền
Những người có người thân mắc bệnh tim mạch có nguy cơ bị vữa xơ động mạch cao hơn người bình thường.
Chế độ ăn nhiều chất béo làm tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa hoặc tăng nặng bệnh đã có sẵn.
2.4 Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển xơ vữa động mạch
Chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều tinh bột và đường đều làm tăng nguy cơ tích tụ cholesterol, khiến các mảng xơ vữa có cơ hội hình thành và phát triển.
2.5 Ít vận động
Lối sống thụ động, ít vận động khiến năng lượng không thể chuyển hóa hết, tích tụ thành mỡ thừa, là tác nhân khiến bệnh vữa động mạch thêm tiến triển.
2.6 Uống rượu bia
Chất cồn trong rượu bia là chất độc ảnh hưởng trực tiếp đến cơ tim. Lạm dụng rượu bia khiến tế bào cơ tim chết đi, và thay vào đó là mô xơ. Điều này khiến tim dần mất đi khả năng bóp được, suy yếu và không đủ khả năng đưa máu đi nuôi cơ thể.
Người bệnh có thể có các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, loạn nhịp tim, phù chân…
2.7 Hút thuốc lá
Khói thuốc chứa hơn 4000 chất độc, gây ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp, là nguyên nhân hàng đầu tạo ra mảng xơ vữa, gây tổn thương lòng mạch, gây viêm tắc mạch máu, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, ung thư ….
Trong đó, tuổi tác, giới tính, di truyền là những yếu tố không thể thay đổi. Còn lại, các yếu tố khác có thể thay đổi và điều chỉnh để bảo vệ hệ thống động mạch của bạn.
Qua những thông tin trên đây, hi vọng bạn đã hiểu hơn về bệnh xơ vữa động mạch và các yếu tố quyết định mức độ nguy hiểm của bệnh. Hãy bảo vệ hệ động mạch của mình bằng cách chủ động thăm khám và thay đổi lối sống tích cực.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.