Chu kỳ kinh nguyệt là một trong những yếu tố phản ánh rõ nhất tình trạng sức khỏe của người phụ nữ. Theo nhiều ý kiến cho biết, phụ nữ có kinh nguyệt đều có khả năng đậu thai cao hơn, dễ thụ thai hơn. Vậy với phụ nữ có vòng kinh không đều thì sao? Những chị em kinh nguyệt không đều có dễ thụ thai không?
1. Kinh nguyệt của phụ nữ như thế nào là không đều?
Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường ở phụ nữ, bắt đầu khi bước vào độ tuổi dậy thì. Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ sẽ rơi vào 28 đến 30 ngày. Thời gian hành kinh rơi vào khoảng từ 3 đến 5 ngày. Nếu chu kỳ kinh nguyệt ít hơn 25 ngày hoặc dài quá 32 ngày thì đó là tình trạng kinh nguyệt không đều. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều phụ nữ gặp tình trạng thời gian hành kinh kéo dài quá 7 ngày, lượng máu kinh quá ít, hoặc quá nhiều. Một vài trường hợp chị em còn bị mất kinh trong khoảng vài tháng.
Kinh nguyệt không đều thường được biết đến với một vài hình thức như:
– Loạn kỳ kinh: Kỳ kinh nguyệt không đều, không đúng với ngày dự tính, có thể tới sớm hơn hoặc vài tháng mới xuất hiện.
– Trễ kinh: Tình trạng trễ kinh, chậm kinh khiến nhiều chị em hoang mang. Nếu kinh nguyệt chậm quá 10 ngày và trước đó bạn có quan hệ tình dục không an toàn, bạn hoàn toàn có khả năng mang thai.
– Rong kinh: Chu kỳ kinh nguyệt ngắn lại, thời gian hành kinh dài hơn 7 đến 10 ngày chính là dấu hiệu nhận biết rong kinh. Ngoài ra, lượng máu kinh mất đi ở mỗi lần hành kinh thường nhiều hơn 80ml, khiến chị em thiếu máu, dẫn tới suy nhược, mệt mỏi.
Kinh nguyệt không đều thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, cũng cho biết các vấn đề khác nhau
– Kinh thưa: Kinh thưa thuộc một dạng rối loạn kinh nguyệt, chậm kinh. Vòng kinh lúc này không diễn ra bình thường mà phải qua một vài tháng, người phụ nữ mới hành kinh trở lại.
– Vô kinh: Vô kinh có thể gồm vô kinh nguyên phát hoặc vô kinh thứ phát. Rất nhiều phụ nữ ngay từ khi dậy thì tới lúc trưởng thành đều không có kinh nguyệt. Một số trường hợp lại mất kinh sau sinh nở hoặc sau một vài cuộc phẫu thuật phụ khoa nào đó. Tình trạng này khá nguy hiểm và cần phải cảnh giác vì nó có thể cảnh báo rất nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản.
2. Những nguyên nhân khiến kinh nguyệt không ổn định?
Kinh nguyệt không đều đến từ rất nhiều vấn đề khác nhau. Việc xác định được nguyên nhân làm ảnh hưởng tới vòng kinh cũng giúp chị em có thể nhận định phần nào khả năng mang thai, sinh con của mình.
2.1. Kinh nguyệt không đều do ảnh hưởng từ nội tiết tố
Estrogen và progesterone là hai hormone nội tiết có khả năng tác động tới chu kỳ kinh nguyệt của chị em, được sản xuất và điều tiết bởi hoạt động của buồng trứng. Cụ thể, sự tác động của chúng diễn ra như sau.
Khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu, estrogen và progesterone cũng sẽ sụt giảm và khiến niêm mạc tử cung dày lên. Những lớp trên cùng của niêm mạc bong ra khi tới thời gian hành kinh, làm xuất hiện hiện tượng ra máu kinh.
Nội tiết tố thay đổi là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kinh nguyệt bị rối loạn, cũng khiến chị em thắc mắc liệu kinh nguyệt không đều có dễ thụ thai?
Vì vậy, khi hoạt động sản xuất, điều tiết các hormone này có sự thay đổi, vòng kinh cũng thay đổi và khiến cho kinh nguyệt của chị em không đều.
2.2. Do độ tuổi
Trong vòng đời của người phụ nữ, có những giai đoạn nội tiết tố thay đổi, tăng, giảm để thích ứng với từng độ tuổi. Ở tuổi dậy thì, chu kỳ rụng trứng bắt đầu được thiết lập, quá trình sản xuất và hoạt động của các hormone sinh dục chưa ổn định, từ đó dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.
Tương tự, đối với phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh, hoạt động của buồng trứng cũng thay đổi dần dần. Chu kỳ rụng trứng dần không còn nữa, estrogen và progesterone được sản sinh ra ít hơn, từ đó khiến cho sinh lý của phụ nữ thay đổi, kinh nguyệt cũng bị rối loạn và dần bước vào giai đoạn mãn kinh.
2.3. Kinh nguyệt không đều sau quá trình mang thai
Trong quá trình mang thai, cơ thể của người phụ nữ thay đổi rất nhiều, nhất là sự thay đổi của các hormone. Khi mang thai, estrogen được sản sinh nhiều hơn bình thường và sau khi nhau thai đã được lấy ra, người mẹ hoàn tất việc sinh nở, hormone này nhanh chóng tụt giảm, dẫn đến sự thay đổi đột ngột. Vì vậy, việc bị rối loạn kinh nguyệt sau sinh là rất phổ biến ở phụ nữ sau sinh. Nếu được nghỉ ngơi, có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể trạng phục hồi tốt, vòng kinh sẽ tự thiết lập và đều trở lại.
2.4. Do sử dụng thuốc và gặp tác dụng phụ
Một số phụ nữ có thói quen sử dụng thuốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Điều này dẫn đến một số tác dụng phụ, ảnh hưởng đến quá trình điều hòa, sự cân bằng của nội tiết tố và có thể gây ra nhiều vấn đề, sự thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt.
2.5. Tâm lý stress, mệt mỏi kéo dài
Căng thẳng kéo dài, stress và thường xuyên mệt mỏi có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt. Khi mệt mỏi, căng thẳng, cơ thể sẽ gửi tín hiệu tới tuyến thượng thận, đẩy mạnh quá trình tiết hormone cortisol, ảnh hưởng tới quá trình sản xuất estrogen và progesterone. Từ đó, tình trạng kinh nguyệt không đều xảy ra, càng khiến cho người phụ nữ mệt mỏi hơn.
2.6. Do thay đổi cân nặng quá nhanh
Hormone estrogen cũng sẽ thay đổi theo cân nặng của chị em. Việc tăng, giảm cân nặng quá nhanh khiến quá trình tiết ra estrogen liên tục bị ảnh hưởng. Lớp nội mạc tử cung vì thế mà luôn được tái tạo với tình trạng không kịp thích nghi, gây rối loạn kinh nguyệt.
2.7. Kinh nguyệt không đều do ảnh hưởng của bệnh phụ khoa
Bệnh phụ khoa, nhất là những bệnh có liên quan tới tử cung, buồng trứng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản sinh hormone nội tiết, quá trình đào thải máu kinh, dẫn đến vòng kinh bị rối loạn. Ngoài ra, những bệnh lý này cũng sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của chị em, gây cản trở quá trình thụ tinh, là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ vô sinh, hiếm muộn.
3. Phụ nữ có kinh nguyệt không đều có dễ thụ thai không?
Kinh nguyệt không đều cho thấy tình trạng nội tiết không ổn định. Vì vậy, khả năng thụ thai của phái đẹp cũng bị ảnh hưởng khi gặp phải tình trạng này.
3.1. Phụ nữ có kinh nguyệt không đều có dễ thụ thai không?
Như chúng ta đều biết, quá trình thụ thai có xảy ra hay không phụ thuộc vào việc buồng trứng của người phụ nữ có phóng noãn hay không. Thực tế, phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, kinh không đều, hoạt động của buồng trứng vẫn diễn ra bình thường, vẫn có thể phóng thích trứng, để trứng gặp tinh trùng, tạo thành hợp tử.
Tuy nhiên, ở những đối tượng gặp tình trạng kinh nguyệt không đều, quá trình rụng trứng, phóng noãn cũng diễn ra không đều, không theo chu kỳ. Vì vậy, việc thụ thai sẽ khó khăn hơn những phụ nữ có vòng kinh bình thường.
Những đối tượng gặp tình trạng kinh nguyệt không đều, quá trình rụng trứng, phóng noãn cũng diễn ra không đều, gây khó khăn cho việc thụ thai
Nhiều trường hợp lo lắng kinh nguyệt không đều có dễ thụ thai không. Về vấn đề này, chị em cần phải tính được chính xác chu kỳ rụng trứng, tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử lý, cải thiện vòng kinh, từ đó mới dễ dàng đậu thai thành công.
3.2. Phụ nữ kinh nguyệt không đều có dễ thụ thai? Làm thế nào để dễ đậu thai?
Với những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều và đang có ý định mang thai, sinh con, những gợi ý sau đây sẽ rất hữu ích với bạn:
– Theo dõi sát ngày rụng trứng
Chủ động theo dõi chu kỳ rụng trứng sẽ giúp chị em lựa chọn thời điểm dễ đậu thai nhất mà không cần lo lắng đến vấn đề kinh nguyệt không đều. Ngoài ra, bạn cũng có thể chú ý đến một số thay đổi của cơ thể để nắm bắt thời điểm rụng trứng tốt hơn như dịch âm đạo ra nhiều, đặc và dính hơn bình thường, nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ,…
– Tăng tần suất, thời gian làm chuyện “phòng the”.
Để tăng khả năng thụ thai thành công, việc tăng tần suất quan hệ cũng góp phần không nhỏ. Điều này không chỉ giúp tinh trùng tăng khả năng gặp trứng mà còn giúp chị em không bỏ lỡ những thời điểm rụng trứng trong khi kinh nguyệt bị rối loạn.
– Chú ý nghỉ ngơi nhiều hơn, cải thiện chế độ ăn uống
Một cơ thể khỏe mạnh có thể hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động của buồng trứng cũng như giúp tăng khả năng thụ thai thành công. Vì vậy, việc chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, có giờ giấc là rất quan trọng. Hơn nữa, nếu có chế độ ăn uống phù hợp, cân bằng các chất dinh dưỡng một cách hợp lý, chu kỳ kinh nguyệt có thể được cải thiện, từ đó dễ dàng thụ thai thành công.
– Kiểm soát tốt tình trạng căng thẳng, mệt mỏi
Như đã chia sẻ, một trong số những nguyên nhân gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều chính là thường xuyên căng thẳng và mệt mỏi, làm sản sinh ra hormone cortisol. Nguy hiểm hơn, khi stress quá lâu, cơ thể sẽ ngày càng trì trệ, mệt mỏi, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ nội tiết và có thể dẫn đến vô kinh, khiến cho việc thụ thai lại càng khó khăn hơn.
Tiết chế cảm xúc, giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi giúp cải thiện tình trạng kinh nguyệt không đều
Để cải thiện tình trạng này, chị em cần chủ động trong việc cân bằng cảm xúc của bản thân, xây dựng cho mình những thói quen tích cực giúp cải thiện tâm trạng như thiền, yoga, tập luyện thể thao, dành ra thời gian nghỉ ngơi giữa những ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Việc này không những giúp ích cho quá trình cải thiện chu kỳ kinh nguyệt mà còn giúp người phụ nữ cải thiện sức khỏe tốt hơn, sẵn sàng cho việc thụ thai, mang thai.
– Nhờ sự hỗ trợ của thuốc hỗ trợ rụng trứng
Thuốc hỗ trợ rụng trứng rất tốt cho chị em phụ nữ, đặc biệt là những chị em có vấn đề về nội tiết, chức năng buồng trứng không ổn định hoặc kém. Tuy nhiên, chị em cần tham khảo ý kiến và nhận chỉ định của bác sĩ chuyên khoa khi sử dụng thuốc này.
– Kiểm tra, chú ý đến sức khỏe phụ khoa
Việc khám và kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ có thể giúp chị em sớm phát hiện những bệnh lý có ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản, có biểu hiện là kinh nguyệt không đều. Từ đó, các bác sĩ có thể kịp thời nắm rõ tình trạng sức khỏe của bạn, kết hợp phương pháp điều trị với những lời khuyên có ích cho quá trình thụ thai, khiến cho khả năng thụ thai thành công đạt xác suất cao hơn.
Tóm lại, kinh nguyệt không đều có dễ thụ thai hay không còn phụ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đa số những trường hợp gặp vấn đề về kinh nguyệt vẫn có thể mang thai. Do vậy, chị em cần chú ý tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận được chỉ định phù hợp, nâng cao khả năng thụ thai thành công và tuyệt đối không sử dụng bất cứ một loại thuốc, sản phẩm điều trị nào khi chưa nhận được chỉ định rõ ràng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.